Nhiều chủ hụi tuyên bố vỡ hàng trăm tỷ đồng
Tại tỉnh Bạc Liêu, trong 2 ngày 24 và 25/4 vừa qua, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử 2 chủ hụi cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã thu hút người dân trên địa bàn tỉnh tập trung theo dõi.
Điều đặc biệt, bị cáo trong 2 vụ án bị đưa ra xét xử là 2 chị em ruột Ong Thị Kim Lợi (sinh năm 1984) và Ong Thị Bích Ngọc (sinh năm 1988), cùng ngụ ấp Béc Hen Lớn, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi.
Theo cáo trạng, Ngọc bắt đầu làm chủ hụi vào năm 2010, còn Lợi vào năm 2016. Cả hai mở hàng chục dây hụi ngày, tuần, tháng, 4 tháng… có giá trị từ 200.000 đến 5.000.000 đồng/phần và kêu gọi nhiều người dân sinh sống trên địa bàn các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu tham gia.
Quá trình này, cả hai nhiều lần sử dụng tiền đóng hụi của các hụi viên để tiêu xài cá nhân dẫn đến mất cân đối. Để bù đắp tiền thiếu hụt, Ngọc và Lợi đã lấy tên giả tham gia nhiều dây hụi và hốt hụi, mạo danh hụi viên để hốt hụi, bán hụi khống… qua đó chiếm đoạt tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Trong cả hai phiên tòa, bị hại đều ngồi kín các dãy ghế trong phòng xét xử của TAND tỉnh Bạc Liêu. Các bị hại đa phần là phụ nữ, người với ánh mắt đầy lo âu, người thì cầm cả xấp giấy tờ không biết mình có lấy lại được tiền đã tích cóp…
Có hàng trăm hụi viên đã bị lừa bởi chiêu trò của hai chị em Lợi và Ngọc, nhiều trong số đó là những người phụ nữ nông dân lam lũ ở các vùng quê, họ chắt bóp tiền từ các vụ lúa, vụ mùa nông sản, tiền đi làm thêm để đóng hụi với mong muốn tích cóp được số tiền sửa lại căn nhà, để dành mua thêm đồ gia dụng có giá trị, để cho con đi học…
Nhưng chỉ trong phút chốc, khi Lợi và Ngọc lánh mặt, tuyên bố vỡ hụi, nhiều người thất thần vì số tiền họ đóng hụi nay mất trắng, người ít thì vài chục triệu, người nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng.
Với hành vi đã gây ra, Ong Thị Kim Lợi và Ong Thị Bích Ngọc lần lượt phải đối diện mức án 15 và 19 năm tù giam. Các bị cáo khóc đã đành, bởi những gì các bị cáo thực hiện đã đẩy hàng chục gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Với bản án tuyên Lợi và Ngọc phải trả lại tiền cho các bị hại đúng với số tiền đã chiếm đoạt, nhưng khi nào và làm sao để lấy lại được khoản tiền đã mất đó thì còn là một câu chuyện dài.
Bởi cả hai bị cáo không còn tài sản gì thì mới tuyên bố vỡ hụi. Như vậy, dù án có tuyên nhưng bị cáo đã mang thân tù tội, ngày ra tù còn hơn chục năm ròng. Số tiền buộc phải trả chẳng biết dựa vào đâu. Nhiều bị hại lơ ngơ đi hỏi thăm, làm sao để thi hành án? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…
Hay tại tỉnh Kiên Giang, ngày 12/4, Công an tỉnh Kiên Giang xác nhận đã thụ lý điều tra nhiều trường hợp tố giác bà P.H.T.P. (sinh năm 1980, ngụ thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Theo đó, trong hầu hết các dây hụi trên, đích thân bà P. và một vài người quen tham gia cùng lúc nhiều dây và hốt trước. Đến khoảng tháng 3/2023, bà P. tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều người choáng váng. Hiện vụ việc này đang được làm rõ.
Khởi tố nhiều vụ án
Chơi hụi là một hình thức tích cóp tiền phổ biến dựa trên thỏa thuận về số thành viên, mức tiền đóng, thời gian khui và lợi nhuận qua các chu kỳ hốt.
Về bản chất, chơi hụi không phải là hành vi phạm pháp, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy định, thì đây cũng là một hình thức tiết kiệm có lãi suất. Khi cần vốn để chi tiêu, kinh doanh, có thể hốt hụi để xoay xở, việc đóng tiền hụi hàng tháng với một ít lãi suất cũng không quá khó.
Một số người dân có đồng vốn nhàn rỗi thường tham gia chơi hụi để đồng tiền sinh lãi, khi cần có thể rút vốn nhanh; một số trường hợp đời sống còn gặp nhiều khó khăn tìm đến hụi như một hình thức tiết kiệm để vay vốn cải thiện đời sống của mình.
Còn chủ hụi thì được nhận tiền hoa hồng xem như một hình thức trả công khi đứng ra tổ chức dây hụi, mở các kỳ khui hụi, thu gom tiền hụi và chịu trách nhiệm trước các hụi viên.
Đây là một loại hình giao dịch không mới, đã được hình thành theo thói quen lâu đời trong đời sống người dân.
Đại tá Châu Quốc Huy, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Việc chơi hụi đã được quy định cụ thể, chi tiết tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có Nghị định số 19 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường và Nghị định số 144 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT. Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 144 về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát, thống kê các nhóm hụi hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến hụi để người dân nắm, thực hiện; đồng thời, nắm chặt tình hình, kịp thời phát hiện, xác định tính chất, mức độ vi phạm khi có vụ vỡ hụi xảy ra để có hướng xử lý phù hợp”.
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo, song thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhất là tại các vùng nông thôn vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Từ hình thức chơi hụi truyền thống, hiện nay, với việc tham gia mạng xã hội rộng rãi, nhiều người dân bắt đầu tiếp xúc với hình thức chơi hụi trực tuyến hay còn gọi là “hụi online”.
Từ những nhóm chơi hụi nhỏ đến những nhóm hàng chục, hàng trăm thành viên, nơi mà hầu hết người chơi đều không quen biết nhau, thậm chí còn không biết chủ hụi ngoài đời thực.
Họ chỉ biết chủ hụi thông qua các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo. Mọi hình thức giao dịch, thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng và đương nhiên mức độ an toàn chỉ được kiểm chứng bằng… lòng tin.
Cuối tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Ngân (sinh năm 2000, ngụ ấp Long Đức, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra, từ năm 2022, thông qua Zalo, Ngân đứng ra mở nhiều dây hụi có trị giá từ 100.000 đến 20 triệu đồng và kêu gọi nhiều người quen trên mạng xã hội tham gia. Những người tham gia cùng dây hụi được lập một nhóm riêng để trao đổi thông tin, việc đóng hụi thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng.
Để có tiền tiêu xài cá nhân, Ngân đã lập ra các dây hụi mới, sau đó tạo các tài khoản ảo để tham gia chơi hụi và hốt hụi, từ đó chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của hơn 100 hụi viên.
“Chơi hụi rồi vỡ hụi” – điệp khúc này lặp đi, lặp lại nhưng vẫn không ít người mắc phải, mà nguyên nhân chủ yếu là do các hụi viên quá tin tưởng vào chủ hụi.
Đa phần những người tham gia chơi hụi thường quen biết nhau, sinh sống cùng địa phương nên chỉ dựa vào lời nói, lòng tin đối với chủ hụi, không tìm hiểu các dây hụi, thành viên tham gia, thậm chí không trực tiếp đến khui hụi, việc gom và giao hụi đều do chủ hụi thực hiện.
Những việc này đã vô tình tạo sơ hở cho các chủ hụi thực hiện hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Và trên thực tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều tra 16 vụ, liên quan 20 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi, ước tính thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 14 vụ, 18 bị can; hiện đang tiếp tục xác minh, làm rõ 2 vụ, 2 đối tượng.
"Những hành vi vi phạm pháp luật về hụi nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng hoặc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật.
Việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến hoạt động chơi hụi, đã góp phần xây dựng hành lang pháp lý trong phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật về hụi, hạn chế tối đa tình trạng vỡ hụi tại địa phương”, Đại tá Châu Quốc Huy chia sẻ thêm.
Thanh Xuân - Trọng Nguyễn