Hùm thiêng sa lưới

Hùm thiêng sa lưới

Thứ 6, 08/03/2013 15:38

Quay về từ chốn ngục tù, Sáu Cường nếm trải không ít đắng cay, tủi nhục từ cảnh đời nô lệ.

Vượt qua những cám dỗ thời cuộc, vị võ sư một thời quần thảo các sàn đấu, xô đổ những đỉnh cao võ thuật giang hồ lánh mình ra khỏi những hơn thua, tìm về với Cách mạng. Thế nhưng, khi tâm nguyện vẫn chưa viên mãn, hùm thiêng Sáu Cường đã sa cơ để lại trong bầu trời võ học nỗi trống vắng không gì khỏa lấp.

Ông hoàng võ đài vô sản

Năm 1939, việc truy nã Sáu Cường tạm lắng, ông quay về Long Hội. Giai đoạn này, địa phương đã có những tổ chức Cách mạng hoạt động bí mật dưới dạng các hội kín như hội An Hữu, hội Tương Tế. Bị Pháp dồn đuổi, Sáu Cường nhanh chóng hiểu rằng mình phải gắn bó với Cách mạng. Giai đoạn này Sáu Cường chỉ tham gia các hội theo kiểu hội viên danh dự, phần lớn thời gian, ông chỉ la cà phố xá, du hí bầu bạn. Cuối cùng, ông rơi vào cảnh trắng tay. Tuy nhiên, sự vô sản của ông hoàng võ đài rất được người dân Trà Vinh ngưỡng vọng.

Những bậc cao niên biết đến Sáu Cường đều khẳng định: Sáu Cường là một con người hào phóng, thương người hơn thương mình. Ông có chơi bạc và từng thua thiệt quá nửa tài sản nhưng không là gì so với những gì ông giúp đỡ dân nghèo. Những năm thất mùa, bằng mối quan hệ của mình, Sáu Cường xin miễn thuế ruộng, thuế thân cho dân cày. Quần áo, lụa là ông đem phát cho người nghèo. Mỗi lần bị vợ con rầy la, Sáu Cường chỉ cười xòa, nói: "Lá lành đùm lá rách mà. Mình ấm mà anh em, bà con lạnh thì ý nghĩa gì".

Dân nhà võ mà phải ẩn danh giang hồ, rời xa võ đài là nỗi đau giày vò nhất. Cuối cùng, năm 1943, ông tái xuất giang hồ với trận thư hùng cùng Thái Lập Kỳ, võ sĩ vô địch của Rạch Giá. Đây là một trận đấu không cân sức khi Sáu Cường đã 42 tuổi lớn hơn Thái Lập Kỳ 10 tuổi. Nhưng những cú đá của ông không mất đi uy lực vốn có, chỉ trong 4 hiệp, Sáu Cường ném Kỳ văng khỏi sàn đấu bằng cú đá bạt sơn. Một năm sau, ông lại đánh bại Lưu Hữu Vĩnh, võ sĩ vô địch Long Xuyên.

Cuối cùng, con đường đưa ông đến mọi vinh quang được khép lại bằng trận đấu với Hắc Hổ, một võ sĩ từ Hà Nội vào. Trước đó, nhận thấy mình không còn trai trẻ, con đường võ đài trở nên chông gai, Sáu Cường đã muốn giải nghệ. Tuy nhiên, nghe danh ông, Bạch Hổ vì mến tài, đã bắt tàu từ Hà Nội vào tìm đấu, Sáu Cường lại thượng đài. Ông lại thắng và quyết giã từ sàn đấu.

Pháp luật - Hùm thiêng sa lưới

Cầu Tiểu Cần nơi hùm thiêng Sáu Cường thúc thủ.

Tuy nhiên, khi chỉ còn 2 ngày nữa hội chợ khép lại, Hắc Hổ cũng nhảy tàu hỏa từ Hà Nội tìm vào Mỹ Tho quyết đấu với người vừa hạ gục đồng môn sư huynh đệ của mình. Sáu Cường nấn ná không muốn đấu. Hắc Hổ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tiền túi đã cạn, hội chợ sắp kết thúc, Hắc Hổ không đủ thời gian để cáp độ kiếm tiền ra Bắc và cũng không ai dám đấu với y. Hiểu được hoàn cảnh của tay đấm này, Sáu Cường một lần nữa thượng đài. Trận thư hùng khiến người xem mãn nhãn nhưng cuối cùng, Hắc Hổ thắng điểm. Từ đó, Sáu Cường chính thức giã từ kiếp đấu võ đài.

Giã từ sự nghiệp quyền cước, Sáu Cường cùng Võ Bá Tòng ngược lên miền Đông khai thác gỗ. Tại đây, ông không chịu nổi sự bất công, áp bức cùng cực của tên cai thầu người Pháp, ông ra tay thủ tiêu tên này. Sự việc vỡ lở, Sáu Cường bị đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám, Sáu Cường được lực lượng khởi nghĩa cứu thoát. Thấm thía nỗi đau của thân phận nô lệ, Sáu Cường biết đã đến lúc hiến thân cho sự nghiệp cứu nước của dân tộc.

Ngày ra đi không có nước mắt

Ngày Sáu Cường trở về Long Hội từ Côn Đảo, cả đất Tiểu Cần ngỡ như ông từ cõi chết trở về. Kể lại chuyện này, ông Tư Trinh cho biết: "Khi thầy tôi bị bắt không ai hay biết gì cả, đến khi ông về, mọi người mới vỡ lẽ. Nhưng từ khi trở về, ông như lột xác thành một người mới, toàn nói chuyện chính trị”. Ông bảo rằng: "Đi nhiều, nơi đâu tao cũng thấy dân mình khổ quá, sống kiếp mất nước khổ hơn chết. Tao nguyện phần đời còn lại hiến mình cho Cách mạng". Không bao lâu sau ngày trở về, Sáu Cường đã là một trong những thành viên cốt cán của Đại đội Cộng hòa vệ binh ở Trà Vinh.

Những tài liệu của tổ chức trên ghi nhận, ngoài việc đảm bảo an ninh, Sáu Cường có nhiệm vụ huấn luyện võ thuật cho các toán thanh niên Tiền Phong. Về việc này, ông Tư Trinh khẳng định: "Khi ấy, thầy tôi hoạt động hăng say lắm, trông ông rất oai phong. Quần áo, nai nịt gọn gàng, đi đâu ông cũng dắt theo mình cây kiếm Nhật, khẩu súng Clot thu được từ những chuyến công đồn”.

Sự năng nổ, nhiệt tình xông xáo của Sáu Cường khiến quân Pháp chao đảo. Dân Tiểu Cần vẫn truyền nhau những trận công đồn, một mình Sáu Cường đột nhập vào trong, ném từng tên canh gác xuống đất. Thời điểm ấy, những tên quan Pháp không bao giờ dám ra ngoài vào đêm tối, không dám xuống huyện nếu không có ít nhất chục lính mã tà theo sau. Chúng sợ Sáu Cường như sợ một sát thủ vô hình, như sợ những cái chết không báo trước. Thế nên, từ lâu, Sáu Cường đã là cái gai cần phải nhổ của thực dân Pháp.

Và cuối cùng, chúng cũng thành công. Cuối năm 1945, đầu năm 1946, thực dân Pháp ồ ạt tấn công Trà Vinh. Một mặt, chúng cho quân nhảy dù ồ ạt tiến vào, mặt khác chúng cho tàu đậu ngoài vàm, nã pháo vào các tỉnh lỵ. Lực lượng Cộng hòa vệ binh được lệnh ra chống giặc nhưng lực lượng quá chênh lệch, sau một trận kịch chiến, Cộng hòa vệ binh bị đẩy lùi, rút vào mật khu. Sáu Cường bí mật rút về Long Hội, Tân An. Tuy nhiên tại đây, Pháp đã nhanh chóng chiếm gọn và cho những toán lính khát máu lùng sục, tìm giết những thành viên của Cộng hòa vệ binh, Thanh niên Tiền Phong, đặc biệt là Sáu Cường. Nghe động, Sáu Cường lánh sang  ấp Châu Điền, tìm đến ở nhà Lục Đắc Kỷ trú thân.

Tuy nhiên, bọn mật thám đã đánh hơi  thấy từ trước việc Sáu Cường sẽ về ẩn nấp tại đây. Chúng cho người phục sẵn quanh nhà Đắc Kỷ và cho một toán lính giăng kín mọi nẻo thoát ở ngoài. Thế nhưng, bằng bản lĩnh của một sát thủ, Sáu Cường cùng Đắc Kỷ bí mật tiêu diệt sạch những tên mật thám và tạm lánh mình tại nhà Đắc Kỷ như đã dự định. Được vài ngày, tin Sáu Cường đang ẩn mình ngay trong ổ phục kích lan nhanh, chúng điên cuồng tiến vào. Sáu Cường biết trước nên bí mật lên ghe, nằm rạp xuống sàn, dùng phản đậy lại ngụy trang. Thế nhưng, giặc đã biết trước và đón lõng. Ghe chèo đến dưới cầu Tiểu Cần, giặc từ hai bên ùa ra chặn lại. Toán lính mã tà do Giáp Hậu cầm đầu níu thuyền, bắn chết người chèo ghe, xộc vào tìm bắt Sáu Cường.

Từ trong ghe, người ta nghe một tiếng thét lớn, sau đó là hai tên mã tà văng mình xuống sông. Sáu Cường vọt lên bờ, hai bàn chân to bản như chiếc quạt liên tiếp tung cước, đá rạt những tên mã tà dạt sang hai bên. Nhưng, "mãnh hổ nan địch quần hồ", quân Pháp kéo thêm người giương súng vây kín, khép Sáu Cường vào vòng vây dày đặc. Sau một hồi tả xung hữu đột, Sáu Cường thúc thủ, bị lôi đi trong máu me bê bết từ những cú đánh báng súng vào đầu, ngực, bụng. Người dân Tiểu Cần còn nhớ mãi, đó là ngày 30/1/1946, ngày hùm thiêng Sáu Cường sa lưới. Tin Sáu Cường bị bắt và giam trong khám Tiểu Cần nhanh chóng loan đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm Tiểu Cần. Vị võ sư huyền thoại biệt giam trong phòng lạnh, bè bạn, đệ tử, người thân đến thăm cũng không được vào gặp mặt.

Sự cảnh giác cao độ ấy được thực hiện nghiêm ngặt sau khi Pháp nhận được tin đệ tử, thân hữu Sáu Cường đang âm thầm tìm cách ứng cứu. Để nhanh chóng nhổ cái gai trong mắt, chúng bí mật lên kế hoạch sẽ tử hình Sáu Cường trong ngày mùng 2 Tết để thân hữu ông không kịp trở tay. Tuy nhiên, vì vấp phải sự phản đối của cha cố tại đây, nên chúng bí mật dời ngày hành hình vào mùng 6 Tết. Bốn giờ chiều 7/2/1956, tức ngày mùng 6 Tết Âm lịch, trong ngổn ngang xác pháo đỏ, đường phố Chợ Cũ trở nên náo động bởi tiếng loa phóng thanh thông báo việc xử bắn Sáu Cường. Hai cột gỗ được dựng lên tại bãi trống trước chợ. Một cho Sáu Cường, một cho Trưởng Trắc.

Ít phút sau khi dẹp xong đám đông, toán lính Pháp dẫn Sáu Cường bị bịt mắt, bịt miệng, chân bị xiềng bằng lòi tói dựa vào cột gỗ và trói chặt. Hai toán lính hiến binh một lần nữa dàn hàng, đẩy những người đứng xem ra hai bên chừa chỗ cho năm tay súng, xếp hàng, quỳ gối, lên đạn chờ lệnh bắn. Khẩu lệnh vang lên, Sáu Cường cố vùng vẫy, trong ít phút cuối cùng, Sáu Cường tung chân đá đứt dây trói rồi nhanh chóng bới đất, hất tung về phía tên lính Pháp đang đứng ra lệnh. Bụi đất tung lên mù mịt từ đôi chân tung cước nhanh như chớp giật của Sáu Cường. Hoảng loạn và sợ tử tội thoát thân, toán lính đợi lệnh bắn, hốt hoảng nổ súng, nhằm đám bụi mù bắn liên hồi.

Hồi súng vang lên, bụi mù lẫn mùi khói súng tan đi, người ta thấy Sáu Cường đầu gục trước ngực, máu rịn ra từ áo, quần chảy dài xuống đất. Hùm thiêng một thời đã về trời. Xác ông được ném lên xe bò, nằm dưới tấm đan phơi lúa, lòi hai bàn chân to tướng, hai bàn chân đã tạo nên sự nghiệp võ thuật lẫy lừng dần nhòa đi trong ánh nhìn của người dân Tiểu Cần, khép lại cuộc đời anh hùng của một huyền thoại võ học.

Hà Nguyễn -  Ngọc Lài

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.