Không chỉ vậy Hùng kê quyền, một thế võ độc đáo của Đông Định vương Nguyễn Lữ còn ẩn chứa trong đó cả một thế giới triết lý, nhân sinh của người Việt.
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước, Hùng kê quyền góp phần không nhỏ trong những lần chinh Nam dẹp Bắc chống quân xâm lược của quân Tây Sơn, nhất là lần tiến quân ra Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, đại phá 29 vạn quân Thanh. Trong dịp xuân Đinh Dậu đang gõ cửa từng nhà, từng góc phố, chúng tôi đã tìm đến vị học trò trực tiếp của cố võ sư Ngô Bông, người vừa là truyền nhân và cũng là người giữ gìn toàn bộ bài Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ, võ sư Phạm Quang Thịnh.
Cơ duyên đưa võ sư Phạm Quang Thịnh đến với Hùng kê quyền là vào năm 1991, anh nằm trong đoàn võ thuật của tỉnh Hải Hưng (cũ) vào Quảng Ngãi thi đấu trong liên hoan võ thuật toàn quốc. Tại đây, anh cùng 3 người bạn khác được trực tiếp cụ Ngô Bông chọn lựa để truyền dạy Hùng kê quyền.
Trước khi nói về Hùng kê quyền, võ sư Phạm Quang Thịnh cho biết: “Kể từ bình minh của lịch sử, dân tộc Việt đã luôn phải chinh phục thiên nhiên hoang dã để mở cõi và đấu tranh chống ngoại xâm, nhất là những đạo quân từ phương Bắc tràn xuống. Võ học Việt Nam đã được sinh ra từ những cuộc đấu tranh sinh tồn, giữ nước và những cuộc giao lưu văn hóa, do đó võ học Việt Nam đã được hình thành và phát triển với nhiều tinh hoa tuyệt học. Võ thuật Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh sinh tồn và giao lưu văn hóa, đã phát triển rất đa dạng và phong phú, hình thành nhiều hệ phái khác nhau. Một trong số tuyệt học của võ học Việt chính là Hùng kê quyền.
Để Hùng kê quyền không bị mai một theo dòng chảy thời gian phải kể đến công lao của lão võ sư Ngô Bông. Võ sư Phạm Quang Thịnh chia sẻ: “Võ sư Ngô Bông được coi là truyền nhân trực tiếp của Hùng kê quyền. Theo nhiều giai thoại thì ông ngoại võ sư Ngô Bông vốn là một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, binh pháp tinh thông, võ nghệ cao cường. Người ông ngoại này truyền dạy cho những người con trai của ông (tức cậu ruột Ngô Bông) nhiều thế võ, trong đó có Hùng kê quyền cùng bài giới thiệu về thế võ này. Cậu ruột của võ sư Ngô Bông đã truyền dạy cho ông. Chính vì vậy, khi biết ý nghĩa thiêng liêng của nó, võ sư Ngô Bông đã biểu diễn và mang Hùng kê quyền đi khắp đất nước, để thế hệ chúng tôi được tìm hiểu và biết tới môn võ này”.
“Theo lời truyền dạy của cố võ sư Ngô Bông, thì nhắc tới Hùng kê quyền, chúng ta không thể quên được công ơn của Đông Định vương Nguyễn Lữ, người em út của nhà Tây Sơn”, võ sư Phạm Quang Thịnh cho biết. Như một cỗ máy thời gian, võ sư chia sẻ, năm đó trước khi trở thành Tây Sơn Tam kiệt, Nguyễn Lữ có một thời gian dài nghiên cứu về võ thuật cổ Trung Quốc, ông đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu các tư thế võ của loài vật như hổ quyền, hầu quyền, hạc quyền... Tương truyền vào một dịp Tết, Nguyễn Lữ may mắn được chiêm ngưỡng màn đấu gà rừng, điều đặc biệt ông đã thấy một con nhỏ con hơn lại đánh thắng con gà lớn nhờ biết vận dụng những ưu điểm của mình. Bằng những kiến thức về võ thuật, từ đó ông nghiệm ra thế đánh mà con gà nhỏ đã áp dụng theo bản năng: Miên viễn, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng dữ dội, có thể chọc phá bất cứ sơ hở nhỏ nào của đối phương. Ông đã sáng tạo ra bài Hùng kê quyền vừa phù hợp với sở học của bản thân, vừa phù hợp với thể chất người Việt nói chung, thích ứng với nhu cầu cấp thiết của nghĩa quân Tây Sơn giai đoạn đó.
Đã hơn 20 năm nghiên cứu về võ thuật, võ sư Phạm Quang Thịnh cũng cho biết: “Hùng kê quyền cũng như các danh võ cổ truyền khác của Việt Nam, có thể các miếng đánh của chúng ta không đẹp, nhưng đã ra đòn lại vô cùng hiệu quả. Các chiêu thức của bài quyền Hùng kê khi đánh ra lúc thì vây tứ phương tám hướng như trận đồ bát quái, đặc biệt sử dụng thủ pháp nhanh nhẹn, võ sư chỉ cần đâm vào các tử huyệt trên cơ thể khiến đối phương khó lòng tránh né”.
Nói về đặc điểm của Hùng kê quyền, võ sư Phạm Quang Thịnh đã nhắc lại lời nhận xét của cố võ sư Ngô Bông: “Các đòn đánh của bài quyền Hùng kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy (nước) để đánh đối phương. Mà nước chảy là mạnh lắm và không thể nào tránh né cho khỏi. Đặc tính của nước được áp dụng trong bài bằng những yếu lĩnh, nhằm đến mục tiêu: Yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều, gần có thể đánh xa. Các đòn đánh của bài quyền Hùng kê cũng vậy. Nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp.
Trong triết lý nhân sinh, Hùng kê quyền tiêu biểu cho 5 đức tính mẫu mực của người Việt Nam. Theo đó, con gà có dáng đi đẹp, cựa sắc bén thể hiện cho tướng võ, mào như tướng văn. Thấy kẻ thù dù to lớn nhưng không khiếp sợ, luôn sẵn sàng che chở cho đàn đó là đức dũng, trong lúc chiến đấu luôn uyển chuyển, biến ảo đó là đức trí, khi gặp mồi không ăn ngay mà gọi đàn cùng đến là đức nhân. “Năm ý nghĩa đã nói lên được tinh thần võ học, nghệ thuật chiến đấu mà những truyền nhân võ Hùng kê quyền luôn ghi nhớ”, võ sư Phạm Quang Thịnh cho biết. Cũng vì uy lực của bài quyền này, hiện nay bài thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ đã có trình độ nhất định, chẳng hạn như cấp huấn luyện viên.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây, cùng với nhiều tư liệu lịch sử, bài võ Hùng kê quyền cơ bản đã được khôi phục lại khá hoàn chỉnh được đưa vào chương trình hội thi thuộc hệ thống võ cổ truyền quốc gia. Người muốn luyện đạt tới thành công tuyệt đỉnh của danh võ này cần luyện bộ pháp, thân pháp nhanh nhẹn. Những ngón tay phải như những cái dùi để khi ra đòn, mổ đối phương có sức mạnh như vũ khí, cứng như sắt.
Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi ra đời, Hùng kê quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó. Sự lợi hại của Hùng kê quyền đã được các anh hùng hào kiệt trong giới võ lâm đương thời nể phục. Hùng kê quyền càng trở nên ý nghĩa khi đi vào trang sử hào hùng dân tộc trong những trận quyết chiến với nhà Thanh. Năm đó, khi Nguyễn Lữ sáng lập thế võ này, lập tức được phổ biến toàn tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Miếng đánh “song túc tề phi” (hai chân cùng bay) này đã góp phần không nhỏ trong những lần chinh Nam dẹp Bắc của quân Tây Sơn, nhất là lần tiến quân ra Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 đại phá 29 vạn quân Thanh.
Võ sư Phạm Quang Thịnh là trọng tài, huấn luyện viên võ thuật cấp quốc gia. Hiện anh đang mở 2 lớp dạy võ miễn phí tại đình Lủ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và đại học Văn hóa Hà Nội. Theo chia sẻ của anh, ngày nhỏ, anh nghịch ngợm nhất làng nên rất thích học võ. Tình cờ biết đến môn phái Bình Định Gia, anh đã theo học và luyện tập đến tận bây giờ. Cơ duyên võ học đã khiến cho anh có vinh dự được là học trò trực tiếp của cụ Ngô Bông để lĩnh hội Hùng kê quyền. Vì thế, dù tốt nghiệp đại học Thương mại và có một cửa hàng kinh doanh, anh Thịnh vẫn dành thời gian và tình yêu cho võ thuật. |
Cùng chiêm ngưỡng một số thế võ đẹp trong Hùng Kê Quyền do võ sư Phạm Quang Thịnh thi triển:
Trần Phương - Phương Anh