Mừng rơi nước mắt
Ngày 28/5, Viện KSND TP.Hà Nội hoàn tất bản cáo trạng truy tố Hưng "kính" cùng đồng phạm trong vụ bảo kê chợ Long Biên về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170, khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 4/6, phóng viên có mặt tại chợ Long Biên, ban ngày không phải phiên chợ chính, tiểu thương không tấp nập như phiên chợ đêm nhưng có thể cảm nhận rõ không khí xôn xao, vui vẻ của tiểu thương nơi đây sau quyết định trên của VKSND Hà Nội.
Bà H. (60 tuổi, tiểu thương trong chợ) không giấu được niềm vui, bà nói: "Chiều ngày 28/5, mọi người trong chợ xôn xao khi báo chí đăng tin ông Hưng cùng đồng bọn bị truy tố, ai cũng vui mừng không sao tả được. Tôi mắt kém không đọc được báo nên tối về nhà phải mở ti vi xem bằng được mới thôi. Mừng lắm chú ạ, mừng rơi cả nước mắt".
Dù không thuộc diện phải nộp tiền bảo kê cho Hưng "kính", nhưng chị L. cũng mừng ra mặt. “Hơn nửa năm chờ đợi chúng tôi giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Nhất là vợ chồng cái Nga (chị Nga là người tố cáo ông Hưng), sau khi ông Hưng bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái nó còn lo hơn. Sợ rằng nếu công an không kết tội được ông Hưng thì nó hết đường làm ăn.
Từ khi tin VSK hoàn tất cáo trạng truy tố ông Hưng, vợ chồng Nga mừng lắm, chị em gặp nhau ở chợ có ế hàng cũng mừng ra mặt. Tiểu thương tự do buôn bán và chỉ phải nộp tiền thuế theo đúng quy định Nhà nước", chị kể lại.
Ông M., một người bán nước tại chợ cho hay: "Theo tin tôi đọc trên báo thì ông Hưng cùng đồng bọn có thể bị phạt tù 1-5 năm, thôi mức nào đã có Toà án xét xử, vậy là công lý đã được thực thi".
Không còn Tổ bốc xếp số 2
Về Tổ bốc xếp số 2 do Hưng "kính” cầm đầu trước đây, ngay khi từ khi có quyết định đình chỉ hồi đầu tháng 10/2018, tổ bốc xếp này đã ngừng hoạt động, những thành viên trong tổ được phân làm việc khác tại chợ.
"Mấy chú ấy (thành viên Tổ bốc xếp số 2 trước kia) giờ chủ yếu là làm công tác dọn dẹp vệ sinh trong chợ. Thi thoảng tiểu thương trong chợ có ai thuê khuôn vác gì thì làm thêm. Hồi ông Hưng mới bị bắt, các chú ấy cũng bị công an mời lên làm việc suốt. Nhưng ở đây chúng tôi biết, các chú ấy không liên quan. Nhưng kẻ chèn ép tiểu thương để trục lợi chỉ có mấy người bị bắt đó thôi", bà H. (60 tuổi) một tiểu thương trong chợ cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, ông H. (SN 1968, Đông Anh, Hà Nội) thành viên Tổ bốc xếp số 2 trước kia cho biết: “Tổ số 2 của chúng tôi do ông Hưng làm tổ trưởng trước kia có 16 người. Kể từ khi tổ bốc xếp bị đình chỉ hoạt động, anh em được phân chia những việc như trông xe, hướng dẫn xe vào chợ, dọn dẹp vệ sinh… Hiện tại, chúng tôi chịu sự quản lý trực tiếp từ ban Quản lý chợ".
Ông H. cũng cho biết, bản thân ông rất mừng khi chứng kiến bà con yên ổn làm ăn. "Tiểu thương trong chợ họ biết chúng tôi không liên quan đến vụ việc trên, nhưng từ khi ông Hưng bị bắt thì nhiều người bên ngoài không biết cứ nghĩ cả tổ chúng tôi đều là bảo kê", ông M. chia sẻ thêm.
Trao đổi với Người Đưa Tin về mức án theo cáo trạng trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết:
Điều 170, Bộ luật hình sự thì quy định về hành vi cưỡng đoạt tài sản như sau: "Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Hiện nay, cơ quan điều tra đã kết luận và Viện KSND TP.Hà Nội truy tố nhóm đối tượng này về tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1, Điều 170, Bộ luật hình sự thì hình phạt theo khoản này như vậy sẽ không quá 5 năm tù.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, Luật sư Cường cho hay, về nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự thì tài sản hợp pháp của người bị hại sẽ bị thu hồi và trả lại cho người bị hại. Bởi vậy, nếu các đối tượng này không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả tòa án sẽ xác định phần trách nhiệm dân sự và buộc các bị cáo phải trả lại toàn bộ tài sản cho người bị hại.
Nếu có thiệt hại khác cho người bị hại như tổn thương về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, thiệt hại tài sản khác thì người gây ra phải bồi thường thiệt hại.