VietNamNet đưa tin, HĐND tỉnh Hưng Yên vừa có nghị quyết quy định việc hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn.
Theo đó, mức hỗ trợ giáo viên tiểu học là 108 triệu đồng; giáo viên mầm non là 162 triệu đồng. Số tiền này được trao theo hình thức một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các phụ cấp khác.
Lưu ý, giáo viên hai bậc học này chuyển công tác từ tỉnh ngoài đến Hưng Yên, hoặc chuyển chức danh nghề nghiệp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên, hoặc tuyển dụng viên chức trước khi nghị quyết có hiệu lực sẽ không thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ.
Tỉnh này cũng đưa ra điều kiện các giáo viên nhận hỗ trợ phải có cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng.
Đối tượng đã nhận kinh phí hỗ trợ không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết (bao gồm cả trường hợp chuyển công tác khỏi đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh) hoặc vi phạm kỷ luật đến mức buộc thôi việc phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ đã nhận theo quy định (trừ trường hợp đặc biệt, không thể tiếp tục giảng dạy như: đột tử, tai nạn, bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên).
Dự kiến thời gian thực hiện quy định này đến hết ngày 30/12/2030. UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng việc ban hành nghị quyết này nhằm kịp thời bảo đảm yêu cầu về số lượng, tăng cường về chất lượng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trong thời gian tới. Đồng thời, góp phần động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân hăng say học tập, tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Kinh phí dự tính khoảng 300 tỷ đồng.
Kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ theo nghị quyết từ nguồn ngân sách tỉnh và được bố trí trong dự toán của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực tiếp sử dụng viên chức khi tuyển dụng hàng năm theo quy định.
Theo Tuổi Trẻ, trước đó, từ năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cũng đã có thư mời sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường đại học sư phạm trên cả nước về làm việc với chế độ ưu đãi.
Theo đó, ứng viên sẽ được tuyển dụng thông qua xét tuyển và hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi được tuyển dụng với mức hỗ trợ như sau:
Tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lên được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở và tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở.
Theo VTC, tháng 7 năm ngoái, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục, riêng năm học 2022 - 2023 là 27.850. Tuy nhiên, đầu tháng 5/2023, theo Bộ GD&ĐT, các địa phương mới tuyển được 15.540 giáo viên nâng tổ số giáo viên cả nước lên 1.234.124 (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).
Theo chỉ tiêu đặt ra thì cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
Các chuyên gia nhận định điều này do nhiều nguyên nhân, ngoài lương bổng không hấp dẫn, áp lực cao, còn do dự báo nhu cầu, kế hoạch đào tạo cho chương trình mới bất cập, dẫn đến thiếu nguồn để tuyển dụng.
Minh Hoa (t/h)