Theo tài liệu thu thập được, bà Nguyễn Thị Hằng sinh ngày 25/9/1962; học xong chương trình Phổ thông trung học (PTTH) ngày 5/6/1980, bà Hằng tham dự kỳ thi tốt nghiệp tại Trường THPT Mỹ Hào, nhưng chưa được cấp Bằng tốt nghiệp. Bởi lẽ, kết quả thi tốt nghiệp của bà Hằng không đạt như quy định, trong đó môn Văn đạt 5 điểm; Toán: 3; Lý: 5; và Ngoại ngữ: 4.
Như vậy, tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp của bà Chủ tịch Hằng chỉ đạt vỏn vẹn là 17 điểm. Nếu chia bình quân cho 4 môn thi tốt nghiệp này của bà Hằng thì mới chỉ đạt 4,25 điểm/môn.
Thời điểm năm 1980, Thể lệ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục - Đào tạo) ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ (ngày 23/4/1975) thì, điều kiện và tiêu chuẩn để được công nhận tốt nghiệp phải là những học sinh được xếp loại đạo đức trung bình trở lên và có điểm bình quân các môn thi tối thiểu đạt 5, không bị điểm 0.
Trường hợp được xét (vớt) lấy đỗ thêm, thì phải có điểm bình quân các môn thi là 4,5 trở lên, với điều kiện không môn nào bị điểm 0 và phải hội đủ một trong 4 mặt giáo dục như: Đạo đức, lực học, văn hoá lao động và rèn luyện thân thể từ trung bình trở lên; hoặc là đạo đức và lao động phải xếp loại từ khá trở lên; hoặc là con liệt sĩ, có mặt đạo đức xếp loại trung bình trở lên; hoặc là thương binh hay bộ đội, thanh niên xung phong đã phục vụ tại ngũ từ 2 năm trở lên.
Đối chiếu với quy định trên, điểm thi các môn của bà Chủ tịch Hằng như vậy là không đủ điều kiện để được công nhận cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Trong bảng ghi tên ghi điểm lưu tại trường THPT Mỹ Hào và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hưng Yên cũng ghi chú rất rõ kết quả thi của bà Hằng là: "Hỏng tốt nghiệp". Điều này càng minh chứng và khẳng định rằng bà Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng này là đương nhiên chưa được cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là không biết bằng cách nào, bà Chủ tịch Hằng lại có được Bằng tốt nghiệp THPT mang số 4932/PT80 do Ty Giáo dục Hải Hưng cấp ngày 30/7/1980.
Thăng tiến nhờ bằng... dỏm?
Có được "tấm bằng cấp III" này, năm 1994 bà Hằng đủ điều kiện vào học hệ Tại chức của Trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Hưng (cũ). Nhờ thế, năm 1999, sau khi tốt nghiệp hệ Tại chức Đại học Luật Hà Nội, bà Hằng "xin" về công tác tại Phòng Tổ chức Hành chính (TCHC) thuộc Sở Thương mại Hưng Yên, sau đó trở thành công chức.
Cùng năm 1999, bà Hằng được tổ chức giao làm chức Phó phòng TCHC Sở Thương mại Hưng Yên. Đầu năm 2000, huyện Mỹ Hào được tái lập, bà Hằng lại đươc tổ chức thuyên chuyển về làm cán bộ tại Ban Dân vận huyện Mỹ Hào. Năm 2001, bà Hằng được cử đi học Cao cấp lý luận chính trị đến năm 2002 lại được cất nhắc lên Phó Trưởng ban Dân vận. Năm 2004, từ Phó Trưởng ban Dân vận, bà được đưa lên làm Trưởng phòng Tổ chức LĐTB&XH. Từ năm 2006, bà Hằng được giao "trọng trách" Phó Chủ thịch UBND huyện Mỹ Hào, được bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện uỷ Mỹ Hào. Năm 2011, bà Nguyễn Thị Hằng lại được thăng tiến lên giữ chức Chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào và đang đương chức cho đến nay.
Dư luận và nhân dân tỉnh Hưng Yên luôn bức xúc đặt câu hỏi: Tại sao một người cán bộ, đảng viên hiện đang đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Mỹ Hào lại có "lịch sử" học hành yếu kém, có dấu hiệu gian lận bằng cấp như bà Hằng nhưng lại được Tổ chức ưu ái, cất nhắc lên những vị trí lãnh đạo ngày một cao hơn như vậy?
Nhóm PV
Điều kiện và tiêu chuẩn xếp loại trúng tuyển tốt nghiệp THPT 1. Những học sinh được xếp loại đạo đức cả năm từ trung bình trở lên và có điểm bình quân các môn thi đạt từ 5 trở lên, không có bài thi nào bị điểm không (0) điểm bình quân các môn thi là tổng số điểm các baì thi chia cho số môn thi bắt buộc) sẽ được công nhận trúng tuyển thẳng. 2. Những học sinh sau đây sẽ được xét lấy đỗ thêm: 1- Có điểm bình quân các môn thi là 4,5 trở lên (không có bài thi nào bị điểm không) và có một trong các điều kiện sau: a) Có 4 mặt giáo dục (đạo đức, học tập, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể) được xếp loại cả năm từ trung bình trở lên; b) Có 2 mặt đạo đức và lao động được xếp loại cả năm từ khá trở lên; c) Là con liệt sĩ, có mặt đạo đức được xếp loại cả năm từ trung bình trở lên; d) Là thương binh hoặc đã đi bộ đội, thanh niên xung phong đã phục vụ tại ngũ từ 2 năm trở lên (có giấy chứng nhận của cơ quan, đơn vị quản lý) nay về tiếp tục học tại trường phổ thông cấp III. (Trích Điều 10, Điều 11, Chương IV Quyết định số 254/QĐ ngày 23/4/1975 của Bộ Giáo dục)
|