Hungary sẽ cần tăng cường chi tiêu quốc phòng hơn nữa vào năm tới nếu cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine kéo dài đến năm 2025, làm giảm số tiền dành cho các khoản chi tiêu khác, Reuters cho biết, dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói với truyền thông địa phương hôm 3/5.
Theo Reuters, xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu hồi tháng 2/2022, đã thúc đẩy làn sóng gia tăng chi tiêu quốc phòng giữa các quốc gia thành viên NATO ở sườn phía Đông, dẫn đầu là Ba Lan. Warsaw đã chứng kiến chi tiêu quốc phòng tăng gấp đôi lên 3,9% GDP vào năm 2023 so với mức năm 2014, dựa trên số liệu của NATO.
Hungary – mặc dù phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ tài chính và quân sự của phương Tây dành cho Ukraine vì lo ngại xung đột lan rộng khắp châu Âu – cũng đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, lên 2,43% GDP vào năm ngoái, cao hơn mức mục tiêu 2% của NATO.
Tờ Daily News Hungary dẫn nguồn G7 cho biết rằng trong năm ngoái, Hungary đã nổi lên là nước mua vũ khí lớn thứ 3 từ ngành công nghiệp quốc phòng Đức, sau Ukraine và Na Uy. Dù số liệu cụ thể vẫn chưa được xác nhận nhưng có ước tính rằng Hungary đã nhập khẩu vũ khí của Đức với số tiền lên tới 1 tỷ Euro.
Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Đức Rheinmetall đã khánh thành một cơ sở ở Zalaegerszeg, miền Tây Hungary, để sản xuất xe chiến đấu bọc thép Lynx. Ngoài ra, Rheinmetall còn tích cực tham gia vào việc phát triển xe tăng KF51 Panther thế hệ tiếp theo, xe bọc thép Gidrán cũng như đạn dược ở quốc gia Trung Âu.
“Nếu chiến sự kéo dài đến năm 2025 thì mức chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2023-2024 sẽ không đủ và sẽ phải tăng lên”, Thủ tướng Hungary cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 3/5, đồng thời nói thêm rằng động thái này sẽ để lại ít kinh phí hơn cho các mục đích khác.
Lên nắm quyền từ năm 2010, ông Orban đã phải vật lộn kể từ đại dịch Covid-19 để kiểm soát thâm hụt ngân sách của Hungary, với mức thâm hụt ngân sách trung bình chiếm gần 7% GDP trong 4 năm qua, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3% do EU đặt ra.
Chính phủ của nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ hoãn các khoản đầu tư trị giá khoảng 1% GDP để cắt giảm mức thâm hụt trong năm nay xuống mức mục tiêu 4,5% GDP gần đây.
Nhà phân tích tín dụng Gabriel Forss của S&P Global Ratings nói với Reuters hôm 30/4 rằng đây là một bước đi đúng hướng, nhưng sẽ cần nhiều hơn thế, có thể là sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6 tới đây.
Minh Đức (Theo Reuters, Daily News Hungary)