Kịch bản Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của Moscow cho Hungary, khí đốt có thể được cung cấp qua đường ống TurkStream và các nhánh của nó qua Bulgaria và Serbia.
Thông tin trên đến từ cơ quan truyền thông của Foldgazszallito (FGSZ), nhà điều hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt quốc gia Hungary, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm 11/3.
Theo TASS, hiện gần như toàn bộ khí đốt Nga dành cho người tiêu dùng Hungary đã được phân phối lại về phía Nam, bỏ qua Ukraine. Ở biên giới với Serbia, nó được cung cấp thông qua điểm phân phối khí đốt ở Kiskundorozma.
“Thông lượng kỹ thuật của trạm kiểm soát Serbia-Hungary Kiskundorozma-2 là 8,4 tỷ m3 mỗi năm. Đây là khối lượng tối đa có thể được chuyển đến Hungary thông qua tuyến đường này”, cơ quan truyền thông của FGSZ cho biết.
Theo công ty Hungary, “hiện tại điểm phân phối khí đốt ở biên giới này hoạt động với tải trọng cao, nhưng tất nhiên, khối lượng vận chuyển có thể tăng lên tùy theo khả năng kỹ thuật của nó nếu có đủ sự quan tâm từ các thương nhân”.
Lường trước kịch bản xấu
Cho đến gần đây, khí đốt Nga đã đến Hungary thông qua một số tuyến đường: Qua Ukraine, Slovakia và Áo, cũng như qua đường ống TurkStream và xa hơn nữa là qua Bulgaria và Serbia.
Theo bản đồ tương tác trên trang web FGSZ, trong những tháng gần đây, việc giao hàng từ trung tâm khí đốt ở Baumgarten của Áo, một trong những trung tâm lớn nhất ở châu Âu, đã được thực hiện với khối lượng nhỏ và không thường xuyên.
Hungary nhận khí đốt Nga theo hợp đồng được ký kết giữa gã khổng lồ năng lượng nhà nước Gazprom của Nga và các công ty của Hungary.
Thực ra từ lâu Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chuẩn bị cho tình huống mà trong đó việc vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine bị ngừng lại.
Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto hồi tháng 8 năm ngoái cho biết rằng toàn bộ khối lượng khí đốt Nga mua theo hợp đồng có thể được cung cấp cho đất nước ông thông qua TurkStream.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu Hungary, điều đó có thể thực hiện được nhờ công suất thông lượng của hệ thống đường ống giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là khoảng 8,5 tỷ m3.
Các chuyên gia năng lượng Hungary đồng tình với ông Szijjarto. Ví dụ, ông Tamas Pletser, nhà phân tích của tập đoàn ngân hàng Áo Erste, hoạt động tại Hungary, cho rằng Chính phủ Hungary đã lường trước được diễn biến của sự kiện này và nó không gây ngạc nhiên cho thị trường.
Trong cuộc trò chuyện với ấn phẩm trực tuyến Index, ông Pletser giải thích rằng bản thân Ukraine không còn cần khí đốt Nga nữa, vì trong 2 năm qua, sản lượng công nghiệp và dân số của nước này đã giảm mạnh và sản xuất khí đốt nội địa hiện gần như đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước.
Nhánh TurkStream ở châu Âu, qua đó khí đốt đi đến Serbia và Hungary, có công suất thông lượng 15,75 tỷ m3 mỗi năm. Công suất của nhánh đường ống này chưa được sử dụng hết. Bulgaria đã từ chối sử dụng khí đốt Nga nhưng vẫn tiếp tục vận chuyển dòng khí đốt này qua lãnh thổ của mình tới các điểm đến khác.
Theo ông Pletser, Slovakia và Áo đang rơi vào tình thế khó khăn hơn, mặc dù họ cũng đang thực hiện các biện pháp để có thể thay thế lượng khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine. Vị chuyên gia tin rằng Áo có thể nhận được lượng khí đốt còn thiếu từ Italy, Đức và Slovakia - từ hành lang khí đốt của Ba Lan và một lượng nhỏ từ Hungary.
Lý do đơn giản
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine vẫn tiếp tục nếu Naftogaz ký kết các hợp đồng mới, không phải với Gazprom, mà với các công ty châu Âu sẽ mua khí đốt ở lối vào lãnh thổ Ukraine và trả thêm phí vận chuyển.
Việc tiếp tục vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine vào năm 2025 là vì lợi ích của Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga, tờ Tạp chí Kinh tế Thế giới Vilag Gazdasag hàng tuần của Hungary cho biết.
Theo ông Pletser, điều này có thể giải thích rất đơn giản: Một số nước EU vẫn cần sử dụng khí đốt qua đường ống của Nga, Ukraine cần phí trung chuyển, và Nga cần doanh thu từ việc bán khí đốt.
Ukraine kiếm được khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm từ phí trung chuyển khí đốt cho Moscow trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu vào ngày 24/2/2022. Tuyến đường này cung cấp khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu.
Với việc các đường ống Nord Stream 1 và 2 – vận chuyển khí đốt từ Nga qua Biển Baltic tới Tây Âu – bị đình chỉ hoạt động do những hư hại trong các vụ nổ đến nay vẫn còn là bí ẩn, hệ thống đường ống trung chuyển chạy qua Ukraine và đường ống TurkStream là 2 kênh duy nhất còn lại để khí đốt Nga đến “lục địa già”.
Mùa thu năm ngoái, ông Alexey Chernyshov, CEO của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Naftogaz thuộc sở hữu nhà nước Ukraine, cho biết công ty ông không có ý định gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Gazprom, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. Ông Chernyshov nhấn mạnh rằng Ukraine hiện chưa chấm dứt hợp đồng chỉ vì các đối tác châu Âu.
“Lý do duy nhất về mặt kỹ thuật chúng tôi vẫn làm điều đó chỉ là để hỗ trợ các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia nội lục (không giáp biển). Một số quốc gia bị hạn chế tiếp cận các kênh khác, chẳng hạn như Cộng hòa Séc, Áo, Hungary, Slovakia và một số nước khác”, ông Chernyshov nói với tờ Newsweek (Mỹ) hồi tháng 9 năm ngoái.
Hôm 4/3, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp tục trung chuyển khí đốt Nga nếu có yêu cầu từ các nước châu Âu.
Minh Đức (Theo TASS, Newsweek)