Tại thị trường Việt Nam, xe máy chủ yếu có ba loại chính là xe côn tay, số tự động và xe tay ga. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập hướng dẫn bạn cách lái dòng xe côn tay (dung tích dưới 175 cm3) cho người mới bắt đầu "nhập môn", nhằm trang bị cho bạn những kỹ năng cơ bản nhất để có thể trở thành tay lái đích thực.
Phần 1: Chuẩn bị bảo hộ phù hợp
Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với những người sử dụng xe côn tay đó là đồ bảo hộ.
Mũ bảo hiểm là vật dụng quan trọng nhất trong số các trang bị cho việc điều khiển xe. Tác dụng của MBH giúp bảo vệ đầu bạn khỏi chấn thương nếu bị ngã và nó cũng chính là một vật dụng cá nhân theo bạn mỗi khi ngồi lên xe nếu không muốn bị cảnh sát giao thông xử lý.
Tiếp đến là một bộ quần áo khoác, công dụng giúp bảo vệ phần thân của bạn nếu tai nạn xảy ra. Lời khuyên là nên lựa chọn loại áo vừa vặn với phần thân của bạn sao cho cánh tay có thể cử động thoải mái nhất. Ngoài mũ bảo hiểm, áo khoác, một số vật dụng khác đi kèm không thể thiếu là giày và găng tay.
Phần 2: Tìm hiểu về xe côn tay
Sau khi khâu chuẩn bị đã xong, việc tiếp theo của bạn là làm quen với “người bạn” đường trường của mình. Cần tìm hiểu kỹ cơ cấu và cách bố trí một số bộ phận trên xe, nếu nắm vững điều này sẽ giúp bạn có thể xử lý tốt trong các trường hợp bất ngờ.
Thông thường, tay nắm ly hợp đòn bẩy (tay côn) thường nằm ở ghi đông bên trái và được dùng để tách ly hợp từ bánh sau khi sang số. Cần số thường nằm ở bên chân trái và được dùng để vào số hay trả số trong lúc bóp tay côn.
Tay ga nằm ở ghi đông bên phải và được dùng để tăng tốc. Thắng tay, dùng để hãm bánh trước nằm ở tay nắm phía ghi đông bên phải.
Cần đạp nằm bên chân phải dùng để hãm bánh sau. Như một quy luật, bên trái chiếc xe dùng để điều khiển số, còn bên phải là để kiểm soát gia tốc và phanh.
Phần 3: Ngồi thử và làm quen với các bộ phận
Cách tốt nhất để biết thao tác vận hành một chiếc xe là ngồi lên và thử qua tất cả những tính năng điều khiển trước khi khởi động. Ngồi lên xe nắm chặt tay lái, sau đó tiếp cận tay côn và tay phanh.
Khi nắm chặt tay lái, cánh tay của bạn nên cong nhẹ nơi khuỷu tay, đồng thời các ngón tay của bạn phải dễ dàng làm chủ được các công tắc.
Thực hành để nắm được cảm giác của tay côn. Tay côn dùng để sang số. Khi bóp côn, bạn sẽ giải phóng động cơ khỏi sự truyền động. Hành động này sẽ đưa xe về số 0 (còn được gọi là số “mo” hay “N”), khi đó, chúng ta có thể sang số.
Khi sử dụng, tưởng tượng tay nắm ly hợp của bạn như một công tắc. Không giống với công tắc “On-Off” (Bật-Tắt), bạn cần bóp/nhả bộ ly hợp một cách từ từ và nhịp nhàng để ngăn xe không tắt máy.
Khi nổ máy, bóp côn và đưa xe về số 1 bằng cách đạp cần số bằng chân trái. Có thể bạn sẽ phải dẫm về trước một vài lần. Khi đã dậm hết số hoặc khi bánh xe dần chuyển động thì có nghĩa là bạn đã đưa xe về số 1.
Đa số xe mô tô có cơ cấu sang số “1 lùi, 5 tới”. Cơ cấu này thường là 1-N-2-3-4,... Khi sang số, bạn sẽ thấy con số thích hợp sáng lên trên đồng hồ.
Phần 4: Khởi động động cơ
Bật chìa khóa sang vị trí “ignition” (mở) và kiểm tra xem đèn, đồng hồ có đang bật và hoạt động hay không. Tiếp đến là trả về vị trí “mo”. Cách dễ nhất để làm điều này là lùi về số 1 rồi móc nhẹ cần số lên. Nhìn xem đèn báo “N” trên đồng hồ có sáng không.
Tiếp đến là dùng ngón cái tay phải, nhấn giữ nút “Start” (công tắc khởi động). Nút này thường nằm bên dưới công tắc chống trộm. Công tắc khởi động thường được nhận biết bởi mũi tên hình tròn với hình tia sét ở trung tâm. Sau khi khởi động, để máy nổ trong khoảng 45 giây nhằm làm nóng động cơ và giúp máy móc vận hành trơn tru.
Áp dụng kỹ thuật "power walking" (nhích xe bằng số) với việc bắt đầu với một chân chống trên mặt đất và đặt về phía trước. Từ từ thả tay nắm ly hợp ra cho đến khi xe bắt đầu tự nhúc nhích di chuyển. Chỉ sử dụng ly hợp, cho xe trườn về phía trước và chống chân để duy trì sự ổn định.
Lặp lại kỹ thuật này cho đến khi bạn có thể giữ cho xe thăng bằng khi nhấc chân lên khỏi mặt đất. Khi đó, bạn đã có một cảm giác khá tốt về sự thăng bằng của chiếc xe.
Phần 5: Học cách điều khiển
Sau khi máy xe đã được khởi động và làm nóng, bạn có thể bắt đầu chạy. Vào số 1 và buông dần tay côn trong khi lên ga. Nhả chậm dần tay nắm ly hợp cho tới khi bánh lăn, bạn cũng có thể vặn nhẹ ga để ngăn không cho xe không bị tắt máy khi thả côn.
Sau khi xe di chuyển, lên ga nhẹ và gác chân lên bàn đạp. Cố gắng chạy theo một đường thẳng. Khi bạn thả tay côn ra và lên ga nhẹ để tăng tốc một chút, tiếp tục chạy theo đường thẳng.
Phần 6: Giảm tốc và dừng lại
Khi đã thành thạo các thao tác khởi động, vào số và quay đầu xe, bạn cũng nên học cách giảm tốc độ cũng như dừng lại sao cho an toàn nhất.
Nên nhớ rằng tay nắm bên phải dùng để điều khiển bộ phận phanh trước, còn cần thắng (chân phanh) bên chân phải là để phanh bánh xe sau. Như một quy luật tự nhiên, bạn sẽ muốn bóp tay phanh trước rồi mới rà tới phanh sau nhằm giúp xe chậm lại và dừng hẳn.
Khi muốn dừng lại, tốt nhất là bóp thắng tay trước, sau khi bạn đã bắt đầu chậm lại một chút, rà thắng chân cho đến khi xe dừng hẳn.
Khi chạy ở tốc độ chậm, chắc rằng bạn nhớ trả số. Không phải lúc nào xe cũng phải về số 1 thì mới có thể dừng lại. Bạn cũng có thể trả về số 2, dừng lại rồi trả tiếp về số 1. Lưu ý rằng hãy bóp tay nắm ly hợp trong lúc rà phanh và trả số.
Không nên phanh một cách đột ngột vì điều này có thể khiến cho xe mất cân bằng và có thể đổ xuống đường. Sau khi xe đã dừng lại, giữ thắng tay và chống chân xuống đất. Chống chân trái xuống trước, sau đó đến chân phải.
Lời khuyên giúp lái xe an toàn hơn
Lần đầu sử dụng xe côn tay bạn nên nhờ tới sự giúp đỡ của một người bạn am hiểu về dòng xe này, không nên tự ý điều khiển vì có thể bạn sẽ gặp nhiều rủi ro không đáng có khi luyện tập.
Luôn mặc trang phục bảo hộ: mũ bảo hiểm, găng tay, kính bảo hộ, giày cao hơn mắt cá chân. Ghi nhớ phương châm: "An toàn là bạn, tai nạn là thù".
Tìm một không gian rộng rãi để thực hành. Bãi đỗ xe của trường học sau khi mọi người đã ra về là rất phù hợp cho việc luyện tập. Khi bạn mới tập chạy, không thực hành ở khu vực đông xe.
Phúc Đạt