Theo quy định, đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp. Khi người sử dụng đất có nhu cầu muốn chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì phải được sự đồng đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai).
Tuy nhiên, việc chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc đất ở thì phụ thuộc vào chính sách của từng địa phương.
Thủ tục chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở
Theo Điều 52 Luật Đất đai 2013, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo 2 căn cứ sau:
1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Thông tư 29/2014/TT-BTNMT thì kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện phải xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, nếu kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà xác định diện tích đất trồng cây lâu năm được chuyển mục đích sử dụng thì phần diện tích đó sẽ được chuyển khi người dân có đơn xin chuyển.
Lưu ý, người dân có thể xem khu vực nào được chuyển mục đích sử dụng đất tại tờ bản đồ kế hoạch sử dụng đất. Diện tích được chuyển thì có giới hạn theo hạn mức giao đất ở của từng địa phương.
Thành phần và số lượng hồ sơ:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số (bản gốc).
- Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất (Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT).
- Bản trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất.
- Tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất (Mẫu số 01/LPTB ban hành kèm theo Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ).
- Tờ khai tiền sử dụng đất (Mẫu số 01/TSDĐ ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính).
Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 3 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Cách thức nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã hoặc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện.
Các giấy tờ cần có để được miễn, giảm tiền sử dụng đất
Trường hợp người sử dụng đất thuộc trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất đến cơ quan thuế nơi có đất, bao gồm:
- Đơn đề nghị được miễn, giảm tiền sử dụng đất; trong đó ghi rõ: Diện tích, lý do miễn, giảm.
- Giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp thuộc miễn, giảm tiền sử dụng đất (bản sao có chứng thực), cụ thể:
Trường hợp người có công với cách mạng phải có giấy tờ liên quan đến chế độ được miễn, giảm tiền sử dụng đất hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 13 và Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính.
Đối với người thuộc diện hộ nghèo phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về hộ nghèo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo phải có hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của UBND cấp xã.
Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở phải có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phê duyệt dự án và quyết định về việc miễn tiền sử dụng đất.
Đối với đất xây dựng nhà ở cho người phải di dời do thiên tai phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền không được bồi thường, hỗ trợ di chuyển tại nơi phải di dời.
- Các giấy tờ có liên quan về thửa đất (nếu có).
- Các giấy tờ khác miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước (nếu có).
Hoàng Mai