Hướng đi mới của ngành ngân hàng trong thập kỷ tới

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguyễn Thị Thu Hương

Chủ nhật, 02/02/2025 10:00

Open Banking tại Việt Nam dù đang ở giai đoạn sơ khai nhưng được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ nhờ nền tảng pháp lý ngày càng được chú trọng và hạ tầng công nghệ hiện đại.

Hiện thực hóa mục tiêu tài chính toàn diện

Năm 2024, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,52% về số lượng và 34,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 107,76% về số lượng và 109,09% về giá trị. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc sử dụng mã QR để thực hiện giao dịch đã không còn xa lạ, mang đến sự nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Trước đây, các ngân hàng thường khép kín, bảo vệ tệp khách hàng của mình và ít có sự liên kết với các bên thứ ba để tránh rủi ro về dữ liệu. Nhưng hiện tại, các ngân hàng không chỉ cởi mở hơn mà còn chủ động liên kết với các đối tác công nghệ, dịch vụ tài chính và thương mại để tối ưu hóa giá trị cho khách hàng. Xu hướng này được định hình rõ nét qua mô hình Ngân hàng mở (Open Banking).

Hướng đi mới của ngành ngân hàng trong thập kỷ tới- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên - Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank

Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho rằng, Open Banking đã mở ra cánh cửa hợp tác giữa ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech) cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ (bên thứ ba), nhằm phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng và thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Bằng cách tích hợp API, các ngân hàng có thể tự động hóa nhiều quy trình công việc, từ xử lý giao dịch đến quản lý dữ liệu khách hàng. Ngân hàng có thể tiết kiệm thời gian và nguồn lực, nâng cao hiệu quả của mọi hoạt động và giảm thiểu các sai sót, rủi ro.

Đồng thời, Open Banking tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và khai thác dữ liệu khách hàng giúp phân tích và dự đoán xu hướng tiêu dùng, từ đó hỗ trợ trong việc đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Open Banking cho phép tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, tạo điều kiện cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện và phù hợp với từng khách hàng. Họ không bị ràng buộc bởi các dịch vụ của một ngân hàng duy nhất, mà có thể trải nghiệm và sử dụng đa dạng sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau thông qua các kênh trực tuyến. Việc thực hiện các giao dịch trở nên đơn giản và nhanh chóng mang lại trải nghiệm thanh toán tiện lợi, linh hoạt.

Cũng theo ông Tuyên, Open Banking tại Việt Nam dù trong giai đoạn sơ khai nhưng được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng, tạo nên xu hướng và là yếu tố cốt lõi định hình hướng đi của ngành ngân hàng tại Việt Nam trong thập kỷ tới.

Các yếu tố định hình sự phát triển thị trường Open Banking có thể kể đến như nền tảng pháp lý với các quy định liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân, chia sẻ thông tin, bảo mật dữ liệu và các hoạt động liên quan an toàn bảo mật khi giao dịch trên kênh trực tuyến đang được các cơ quan ban ngành hết sức quan tâm, điển hình là Nghị định 13 năm 2023 của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Giao dịch điện tử 2023…

Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt là mạng 5G và điện toán đám mây, sẽ cung cấp nền tảng để triển khai các dịch vụ Open Banking quy mô lớn.

Hướng đi mới của ngành ngân hàng trong thập kỷ tới- Ảnh 2.

Open Banking là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của ngành tài chính ngân hàng.

Đồng quan điểm, bà Bùi Trương Thúy Vy - Phó Giám đốc Trung tâm ngân hàng giao dịch Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định, Open Banking không chỉ đơn thuần là xu hướng công nghệ mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của ngành tài chính ngân hàng.

Open Banking tạo điều kiện cho các công ty fintech, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và quản lý tài chính hợp tác chặt chẽ với ngân hàng, từ đó mang đến những giải pháp tài chính tiện ích, toàn diện, hiện đại và cá nhân hóa hơn (Open Finance).

Sự hợp tác này không chỉ giúp mở rộng danh mục dịch vụ mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp trong bối cảnh số hóa ngày càng sâu rộng tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành ngân hàng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ.

Nỗi lo bảo mật dữ liệu

Tuy nhiên, bà Vy cho biết, quá trình triển khai Open Banking tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ cũng như bộ tiêu chuẩn chung về công nghệ thông tin, lưu trữ, bảo mật, kết nối hay hành lang pháp lý rõ ràng, chủ yếu các ngân hàng và đối tác tự phát triển dựa trên nhu cầu và năng lực riêng.

Điều này khiến cho việc hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech, doanh nghiệp trở nên phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực, thời gian và chi phí để điều chỉnh phần mềm sao cho tương thích với tiêu chuẩn Open API riêng biệt của từng ngân hàng.

Hướng đi mới của ngành ngân hàng trong thập kỷ tới- Ảnh 3.

Không ít khách hàng bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân khi sử dụng Open Banking.

Bên cạnh đó, không ít khách hàng vẫn bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân – một rào cản lớn đối với việc đón nhận xu hướng này.

Chị Thùy Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: "Open Banking rất tiện lợi, đặc biệt là mọi giao dịch được kết nối liền mạch. Nhưng điều tôi lo ngại nhất là thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ hoặc sử dụng sai mục đích. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, dữ liệu của tôi có thể rơi vào tay kẻ xấu. Điều này khiến tôi luôn do dự trước khi nhấn nút đồng ý chia sẻ quyền truy cập tài khoản".

Anh Minh Hoàng (quận Đống Đa, Hà Nội), là người làm trong lĩnh vực công nghệ, anh hiểu rằng không có hệ thống nào là hoàn toàn miễn nhiễm với tấn công mạng.

"Dù các ngân hàng cam kết bảo mật, nhưng nếu bên thứ 3 không đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn, khách hàng như tôi vẫn là người chịu rủi ro. Đó là lý do tôi rất cẩn thận khi sử dụng dịch vụ này", anh Hoàng nói.

Những lo ngại này không phải là vô căn cứ, đặc biệt khi các vụ tấn công mạng và lạm dụng dữ liệu ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cơ quan này đã ghi nhận 46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024 và số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ.

Điều này đòi hỏi các ngân hàng không chỉ tập trung vào việc phát triển công nghệ mà còn phải xây dựng niềm tin thông qua việc đảm bảo an toàn dữ liệu, minh bạch trong quy trình xử lý thông tin.

"Sân chơi Open Banking yêu cầu các bên tham gia phải tuân thủ quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của Khách hàng. Khách hàng có toàn quyền kiểm soát dữ liệu, quyền ra quyết định chia sẻ thông tin của chính mình với bên thứ ba. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong thời đại công nghệ số", đại diện Nam A Bank nhận định.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như an toàn bảo mật, thách thức về công tác quản trị dữ liệu thách thức về tiêu chuẩn chung.

Hiện, NHNN đang xây dựng trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và có thể hướng tới tạo ra mô hình kinh doanh mới.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.