Một thỏa thuận với chính quyền trung ương về tương lai chính quyền khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Syria là một kết quả tất yếu. Trở về dưới sự lãnh đạo của chính quyền trung ương Đây là tuyên bố đưa ra ngày 5/1 của một quan chức quân sự cấp cao người Kurd và cũng là tuyên bố đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cục diện cuộc chiến tranh sắp bước sang năm thứ 8 tại Syria. Quốc gia bị “phân mảng” này dường như đang đứng trước cơ hội lớn để thống nhất đất nước vì một mục tiêu chung là chống khủng bố.
Sau hàng thập niên bị gạt sang một bên trong đời sống chính trị đất nước, cộng đồng người Kurd thiểu số tại Syria đã chiếm quyền kiểm soát 30% lãnh thổ ở phía Bắc và phía Đông Bắc Syria. Cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 tại quốc gia Trung Đông này đã tạo cơ hội cho các lực lượng người Kurd thiết lập một chính quyền tự trị tại đây.
Trong một phát biểu ngày 5/1, ông Redur Khalil, một chỉ huy cấp cao của Các Lực lượng Dân chủ Syria, một liên minh đối lập gồm chủ yếu người Kurd và Arab, cho biết việc chính quyền tự trị người Kurd đi tới một giải pháp cùng với chính phủ là một kết quả tất yếu bởi các khu vực của người Kurd cũng thuộc về đất nước Syria.
Đây cũng là lập trường được ông Badran Jia Kurd, một quan chức cấp cao người Kurd khác chia sẻ: “Việc chúng tôi quyết định đối thoại với chính quyền Syri không hoàn toàn liên quan tới việc rút quân của Mỹ. Cuộc đối thoại này sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy đối thoại dù có bị Mỹ phản đối. Bởi quyết tâm của chúng tôi là xây dựng một Syria thống nhất và dân chủ vì tất cả người dân Syria.”
Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu coi Các lực lượng dân chủ Syria, mà nòng cốt là các tay súng người Kurd là tuyến đầu trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Tuy nhiên thông báo hồi cuối năm 2018 vừa qua của Mỹ về ý định rút quân khỏi nước này đã khiến người Kurd phải đưa ra lựa chọn. Đó là liên minh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để có thể đủ sức đối mặt với mối đe dọa tấn công từ quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn coi một số nhóm vũ trang người Kurd là khủng bố. Theo yêu cầu của người Kurd, Quân đội Syria hồi cuối tháng 12/2018 đã lần đầu tiên trong 6 năm qua triển khai quân tới sát thành phố Manbij.
Trên thực tế, không phải chỉ đến khi Mỹ thông báo ý định rút quân khỏi Syria, từ tháng 7/2018, người Kurd đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Một số quan chức người Kurd thời gian qua cũng đã nhắc tới “những tín hiệu tích cực” trong các cuộc đàm phán và không loại trừ khả năng quân đội Syria sẽ được triển khai tới khu vực biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự hỗ trợ quân sự của Nga, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thời gian qua liên tiếp giành được các thắng lợi quan trọng trên chiến trường và đã nắm được quyền kiểm soát hơn 2/3 diện tích lãnh thổ. Dẫu còn nhiều bất đồng, hoài nghi không dễ hóa giải, song điều này là hoàn toàn dễ hiểu sau nhiều năm đất nước chìm trong chiến tranh. Điều quan trọng là các bên có thực sự đủ quyết tâm để xây dựng một đất nước thống nhất và dân chủ vì toàn bộ người dân Syria.
Theo VOV