Cái kết của Hương mật tựa khói sương khác với nguyên tác như thế nào?
Hương mật tựa khói sương là một phim chuyển thể "có tâm" khi các tình tiết chính đều bám sát nguyên tác của tác giả Điện Tuyến.
Bộ phim xoay quanh những ân oán ba đời ba kiếp, yêu hận vương vấn nghìn năm giữa tiểu bồ đào Hoa giới Cẩm Mịch và thiên chi kiêu tử Húc Phượng chốn tiên cung.
Riêng phần ngoại truyện được tác giả Điện Tuyến bổ sung về sau cũng được đưa vào phim với những điều chỉnh hợp lý.
Một trong những điểm sửa đổi so với nguyên tác đáng nhớ chính là kết phim.
Trong nguyên tác, sau khi nguyên thần của Cẩm Mịch "mất tích", Húc Phượng quay về Ma giới làm Ma Tôn.
Ngàn năm sau khi Cẩm Mịch tái sinh ở nhân gian và được gả cho con trai Tể tướng, Húc Phượng hạ lệnh cho phượng hoàng bay đến cướp kiệu hoa đỏ trên đường rước dâu.
Chim phượng hoàng y lệnh Ma Tôn đến viên trang nhà Cẩm Mịch cướp kiệu hoa và thả ở một cánh đồng hoa cải vàng.
Hai nhận nối lại tình duyên, Cẩm Mịch trở thành Ma Hậu ở Ma giới. Về sau cả hai sinh ra một bé Cò Con trong sáng, đáng yêu.
Tuy nhiên khi chuyển thể thành phim, các nhà làm phim đã không đưa chi tiết này vào và thay vào đó là chuyện Húc Phượng nhường ngôi vị Ma Tôn ở Ma giới cho Biện Thành công chúa Lưu Anh để dành cả cuộc đời đi tìm Cẩm Mịch.
Cẩm Mịch lịch kiếp tái sinh, trong đám cưới của mình, Húc Phượng đã tìm đến và cả hai quyết ở lại nhân gian sống cuộc đời bình lặng trên ngôi nhà trên núi cao - nơi định tình giữa Cẩm Mịch và Húc Phượng.
Nếu trong nguyên tác, Cẩm Mịch lành lặn đôi mắt hoàn toàn thì trong phim, đôi mắt của Cẩm Mịch không thể phục hồi.
Vì hoàn thành viên Cửu Chuyển Kim Đan hội tụ thân xác cho Phượng Hoàng, nàng chấp nhận mạo hiểm tính mạng tự mình đi tìm Liêm Triều - anh trai của Tiên Thiên Đế, đánh đổi toàn bộ màu sắc trong trời đất lấy ánh sáng Huyền Khung, để rồi chính nguyên thần cũng bị nung chảy đến suýt chết.
Lại vì cứu Phượng Hoàng, nàng mang theo thân xác đã gần như khô kiệt vì thương tích đến Ma giới, truyền Cửu chuyển Kim Đan giúp Húc Phượng niết bàn trùng sinh.
Húc Phượng không còn là Hỏa Thần Thiên giới, cũng không còn là Ma Tôn oai phong ở Ma giới.
Cẩm Mịch không còn là Hoa Thần kế nhiệm lộng lẫy ở Hoa giới, đôi mắt cũng không thể nhìn ra trăm sắc màu của thế gian.
Dù có chút tiếc nuối so với nguyên tác song điều này dường như hợp lý bởi trên đời không ai có tất cả và cũng không ai mất tất cả.
Để có được hạnh phúc sau quá nhiều biến cố, Húc Phượng và Cẩm Mịch phải chấp nhận đánh đổi một cái giá tương xứng.
Và vì thế, hạnh phúc mà họ đang có mới đáng trân trọng và đáng quý hơn bao giờ hết.
Suy cho cùng, địa vị cao quý cũng chẳng có giá trị gì khi chỉ có một mình cô đơn. Vì thế, thay vì làm Ma Tôn chăm lo cho cả Ma giới, Húc Phượng chỉ cần chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình.
Đối với Cẩm Mịch, trăm sắc màu thế gian cũng không đẹp bằng nụ cười của Húc Phượng và Cò Con.
Ngôi nhà nhỏ ba người chỉ cần cùng nhau ngày ngày câu cá, đùa vui, sánh bước bên nhau về ăn cơm chiều đã là hình ảnh đẹp nhất.
Thêm một điểm rất nhỏ nhưng cũng rất đẹp của đoạn kết Hương mật tựa khói sương khác với nguyên tác đó là khi Cẩm Mịch tái sinh ở nhân gian được sống với cha chính là Thủy Thần Lạc Lâm tái sinh.
Khi còn ở Hoa giới, Cẩm Mịch đã sống hơn 4.000 năm mà không biết cha mình chính là Thuỷ Thần Lạc Lâm. Về phần Thuỷ Thần, đoàn tụ với con gái chưa bao lâu thì lại bị Tuệ Hoà ám hại và qua đời.
Sự đoàn tụ ở chốn nhân gian này cũng xem như là điều bù đắp cho tuổi thơ thiếu vắng của Cẩm Mịch, và cũng là bù đắp cho Thủy Thần Lạc Lâm.
Chuyện chưa từng kể ở hậu trường
Với thể loại cổ trang quen thuộc, Hương mật tựa khói sương ghi dấu ấn nhờ dàn diễn viên trẻ tiềm năng với đầu tư hóa trang công phu.
Trong đó, nữ chính do Dương Tử đảm nhận – một trong tứ tiểu hoa đán của Trung Quốc.
Dương Tử là một trong những điểm sáng của thế hệ diễn viên 9X Trung Quốc. Diễn xuất từ năm 10 tuổi trong Nhà có trai có gái, khi trưởng thành, nhờ vẻ ngoài xinh đẹp, thanh thoát, cùng diễn xuất xuất thần, Dương Tử được dự đoán sẽ tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật.
Nam chính được biên kịch giao cho diễn viên trẻ Đặng Luân – nam thần mới Trung Quốc gây sốt với Nghìn lẻ một đêm cùng Địch Lệ Nhiệt Ba.
Không có trong tay lượng vai diễn quá đồ sộ, nhưng với mỗi nhân vật, Đặng Luân đều nhận được nhiều lời khen về khả năng diễn xuất tài tình biến hóa.
Sự tương tác tài tình của hai diễn viên là điểm cộng khiến Hương mật tựa khói sương trở thành cái tên gây chú ý trong thời gian gần đây.
Không chỉ vậy, để làm nên thành công của Hương mật tựa khói sương, yếu tố hậu kỳ và phục trang đóng góp một phần không thể thiếu.
Hầu hết phục trang của diễn viên đều được nhà làm phim trau chuốt tỉ mỉ. Tạo hình thần tiên thoát tục với màu sắc tươi trẻ, thiết kế nhẹ nhàng, không rườm rà, phù hợp với tạo hình nhân vật.
Được biết, nam chính Đặng Luân và nữ chính Dương Tử có tới hơn 30 bộ quần áo, tổng số trang phục được đầu tư cho bộ phim lên tới con số 3.000. Điểm đáng chú ý là bộ giáp chiến của Đặng Luân nặng 30kg.
Trong Hương mật tựa khói sương, có ba giới trung tâm là Hoa giới, Thiên giới và Ma giới. Để thể hiện được tính cách nhân vật của từng giới, đội ngũ chế tác trang phục đã phải thực hiện thủ công từ màu sắc, chất liệu trang phục cho tới dụng cụ đi kèm như trâm cài tóc cho nhân vật nữ, mão cài tóc cho nhân vật nam.
Đặc biệt, các trang phục được thiết kế dựa trên số đo chuẩn của các diễn viên, và được thay đổi liên tục dựa trên từng bối cảnh và diễn biến tâm lý nhân vật.
Ngoài ra, tổ chế tác còn tỉ mỉ đến khâu hoá trang. Các diễn viên phải mất từ 2 – 3 tiếng để hoá trang, riêng nhân vật Cùng Kỳ phải đến trường quay từ 3h sáng để hoá trang kịp giờ diễn.
Với thể loại phim cổ trang, những kỹ xảo được khán giả đặc biệt quan tâm. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp bộ phim thành công.
Sử dụng kỹ xảo hiện đại, Hương mật tựa khói sương mang đến những thước phim mượt mà. Cảnh tiên giới tạo cảm giác chân thật, khán giả gần như không tìm thấy điểm trừ lớn về kỹ xảo với bộ phim này.
Không giống những bộ phim huyền huyễn gần đây, kỹ xảo của Hương mật tựa khói sương được đánh giá là đẹp như thật. Hàng loạt bối cảnh giả lập đẹp như mơ, hiệu ứng kỹ xảo CGI chân thật.
Minh Anh (tổng hợp)