Hướng tới mốc xuất nhập khẩu lịch sử 1.000 tỷ USD

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Chủ nhật, 29/12/2024 10:55

Nhìn từ kết quả xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước - ở mức 800 tỷ USD, sang năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng từ 10-12%.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng tốt

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế năm 2024 đã thực sự hồi phục. Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế, khi liên tục có nhiều kỷ lục mới được xác lập.

Theo đó, xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%.

Hướng tới mốc xuất nhập khẩu lịch sử 1.000 tỷ USD- Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD (Ảnh: Phạm Tùng).

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao nhờ sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Trong đó, các mặt hàng nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 342,1 tỷ USD (tăng 13,7%).

Theo ông Hải, hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao.

Cụ thể, xuất khẩu sang ASEAN 11 tháng năm 2024 đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang EU đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 23,3 tỷ USD, tăng 8,6%; sang Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 11,3 tỷ USD, tăng 32,3%. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ đã phục hồi mạnh với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 108,9 tỷ USD, tăng 24%.

Hướng tới mốc xuất nhập khẩu lịch sử 1.000 tỷ USD- Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Ảnh: Phạm Tùng).

Về nhập khẩu, ông Hải cho hay kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 phục hồi, đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2023, chủ yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

"Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cùng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Dù vậy, theo ông Trần Thanh Hải, xuất nhập khẩu hiện vẫn còn một số điểm hạn chế. Theo đó, xuất khẩu vẫn tập trung nhiều vào một số thị trường lớn.

"Điều này tuy mang lại kim ngạch lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và chi phí vận chuyển còn cao so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Hay yêu cầu sản xuất xanh và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường quốc tế ngày càng tăng cao, trong khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị.

"Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành hàng Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới", ông Hải nói thêm.

Năm 2025, đặt mục tiêu tăng 10-12% so với năm 2024

Nói về năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có thể gặp một số khó khăn, bất lợi có thể kể đến như diễn biến khủng hoảng tại Trung Đông vẫn khó đoán định ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, điều này đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng, do chi phí vận tải tăng, thời gian vận tải kéo dài.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại ở một số nước phát triển và đang phát triển có thể làm hạn chế cơ hội xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy định về môi trường ngày càng nghiêm ngặt ở các thị trường EU, Mỹ sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn này.

"Biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Mỹ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định", ông Hải chia sẻ.

Hướng tới mốc xuất nhập khẩu lịch sử 1.000 tỷ USD- Ảnh 3.

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024 (Ảnh: Phạm Tùng).

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Thanh Hải cho biết, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.

"Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp. Đồng thời báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.