Loài "cá thần" kỳ bí ở xứ Thanh được phát hiện đầu tiên tại một con suối thuộc địa bàn thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Thật kỳ lạ, dòng suối chỉ rộng khoảng 3m, dài 150m, sâu 80cm bắt nguồn từ sông Mã hùng vĩ đi qua, nằm dưới chân núi Trường Sinh (thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông, Cúc Phương) lại là nơi trú ngụ, sinh sôi của đàn cá thần với số lượng ước tính lên đến hàng ngàn con.
Suối cá thần Cẩm Lương
Sự kỳ lạ của cá thần nơi đây nằm ở chỗ: Chúng không hề có dấu hiệu sợ hãi con người. Thân mình cá thần giống cá trắm, nhưng vẩy to xanh thẫm, mang đỏ, mắt viền xanh đỏ. Vây, vi, môi của cá thần đỏ chót, đuôi chấm đỏ chấm xanh. Người dân bản địa sinh sống xung quanh khu vực suối Ngọc gọi loài cá này là cá Dốc. Cá Dốc sống ở hang đá suối Ngọc được người dân trong bản làng xem là loài cá linh thiêng, cá thần.
Bởi thế, họ không bao giờ dám đánh bắt cá Dốc đem về làm thức ăn. Họ luôn tin vào sự sinh sôi, phát triển của đàn cá Thần ở suối Ngọc sẽ "phù hộ" cho cuộc sống của dân bản no ấm, hạnh phúc. Sự nâng niu đàn cá của họ được thể hiện bằng từng việc làm cụ thể như: Mỗi khi có con cá thần nào không bơi vượt giới hạn ra ngoài khu vực suối Ngọc, thì bất cứ người Mông nào sinh sống nơi đây thấy được đều nâng niu vớt lên và đưa trả trở lại suối Ngọc; hay mỗi khi họ ra rửa thức ăn, rau quả tại suối, họ đều đem thức ăn cho cá thần. Ngược lại, mỗi khi có bất cứ ai lội xuống suối, đàn cá thần tức khắc bơi lượn quấn quýt lấy chân.
Sự thân thiện và rất dạn người đối với đàn cá Dốc suối Ngọc cũng trở thành một sự kỳ lạ cho tất cả những ai đã từng đặt chân đến suối Ngọc. Tận mắt mục sở thị đàn cá thần rất thân thiện với người dân nơi đây, chúng tôi đã thật sự xua tan mọi mệt mỏi khi phải đi một quãng đường dài gần 90km từ TP. Thanh Hóa để đến với suối Ngọc.
Sự xuất hiện cá thần ở xứ Thanh không chỉ đừng lại ở suối Ngọc, trái lại, tại thôn Dùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, người dân bản làng cũng đã phát hiện một suối cá thần. Suối cá thần thứ 2 này nằm ở khu vực núi Đóng, bởi thế, dân làng người Mông ở bản Dùng đã gọi suối cá Dốc này là suối cá thần Mó Đóng. Đàn cá thần ở suối Mó Đóng cũng đông đúc không thua kém gì ở suối Ngọc. Cách suối Mó Đóng khoảng 20km, đi dọc theo quốc lộ 217, người dân thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát hiện them một suối cá thần thứ 3.
Loại cá sinh sống ở 3 suối này đều có chung những đặc điểm tương đồng nhau. Ở phía trên 3 suối này đều có hang động với những khối thạch nhũ hình thù giàu sức tưởng tượng. Hang động ở suối cá thần suối Ngọc có tên gọi là động Đăng. Hang động ở suối cá thần Mó Đóng có tên gọi là động Nghỉ Mát (sở dĩ có tên gọi này là vì vào mùa hè, người dân bản làng Dùng thường lên hang động này nghỉ mát). Hang động ở suối cá thần tại thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước được gọi là động Cá Thần.
Đàn cá thần ở 3 suối này đều chỉ sinh sống trong khu vực hang động và suối, không vượt ra ngoài. Mặc dù, Thanh Hóa cũng là một trong những địa bàn thường gặp mưa lũ hàng năm dẫn đến cảnh tượng nước tràn suối, ngập đồng nhưng đàn cá thần ở 3 suối này vẫn không rời chỗ ở. Tại 3 suối cá thần, người dân thôn bản đều lập đền thờ để thờ thần cá. Bởi lẽ, họ coi đàn cá như vị thần luôn phù hộ, giúp dân làng có cuộc sống ấm no, nên không một ai đánh bắt hay ăn thịt.
Một người dân tại thôn Lương Ngọc cho biết, ngoài đàn cá thần thường xuyên xuất hiện ở suối Ngọc, ở trong hang động Đăng nơi trú ngụ của cá thần còn có một con cá chúa (có người gọi là cá mẹ) nặng khoảng 30kg. Có một số người trong bản đã từng nhìn thấy con cá chúa này.
Theo quan niệm của họ, năm nào cá chúa xuất hiện, thì năm đó sẽ được mùa hơn so với các năm không có cá chúa xuất hiện. Dù rằng loại cá sinh sống ở 3 suối này đều có những đặc điểm, đặc tính tương đồng nhau, nhưng hiện tại chỉ có suối cá thần suối Ngọc được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Cá thần suối Ngọc đóng vai trò hạt nhân của khu du lịch sinh thái mang tên suối cá thần.
Chính những đặc tính, màu sắc kỳ lạ của đàn cá thần suối Ngọc kết hợp với hang động, thắng cảnh sơn thủy hữu tình đã tạo nên một loại hình du lịch độc nhất vô nhị cho xứ Thanh. Loại hình du lịch này đã tạo sự cuốn hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.
Bất cứ ai đến khu vực suối, chúng đều cho chiêm ngưỡng thoái mái. Thậm chí, mỗi khi có ai đó cầm thức ăn lội xuống suối để cho ăn, cá thần còn hào hứng quấn quýt lấy người đó. Có khi, cá thần còn tung lên để đớp lấy thức ăn trên tay người. |
Văn Cương