Ngày 21/8, Ths.BS Vũ Văn Hoài, khoa Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay vừa điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.X. ở Hà Nội bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo đó, bệnh nhân được mẹ đưa đi khám do hút thuốc lá điện tử quá nhiều, có các hành vi bất thường. Cô gái trẻ làm nghề buôn bán quần áo nữ, thường xuyên thức đêm livestream bán hàng.
Cô gái trẻ, bắt đầu sử dụng thuốc lá khoảng 8 năm nay. Lúc đầu, bệnh nhân sử dụng do tò mò khi đi chơi cùng các bạn lúc đó là sinh viên đại học.
Sau này, khi ra trường kinh doanh buôn bán, do tính chất công việc livestream nhiều vất vả, hay phải làm đêm, nên bệnh nhân bắt đầu hay sử dụng thuốc lá thường xuyên hơn.
Chia sẻ với bác sĩ, ban đầu bệnh nhân chỉ dùng thuốc lá điếu, nhưng sau đó vì tính chất công việc nên bệnh nhân chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử. Nữ bệnh nhân dùng ban đầu không nhiều, khoảng 3-4 ngày hết 1 pod chill. Khi nào phải làm nhiều thì bệnh nhân lại dùng nhiều hơn, khoảng 2-3 ngày hết 1 pod.
Khoảng hơn một năm trở lại đây, bệnh nhân chia tay bạn trai nên sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn. Bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày, dùng số lượng nhiều, mỗi ngày hết khoảng 1 pod chill.
Theo lời của N.T.X, khi hút cô cảm thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử giúp bản thân có thể thoải mái hơn, cơ thể dễ thư giãn, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ.
Khi gia đình phát hiện N.T.X có sử dụng thuốc lá điện tử nhiều nên cấm dùng. Tuy nhiên, không dùng thuốc X. cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt.
Sau đó, bệnh nhân lại quay trở lại dùng thuốc lá điện tử. Bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mình không thể làm chủ được việc hút thuốc lá điện tử.
N.T.X dùng ngày càng nhiều hơn, vài tháng trở lại đây bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá điện tử liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 cái pod chill. Bệnh nhân luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi.
Gần đây, cô gái trẻ có triệu chứng hay nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử. Có lúc gia đình thấy bệnh nhân nói các câu không liên quan, vẻ mặt đờ đẫn, lướt điện thoại trong vô thức, mọi người xung quanh có gọi hỏi bệnh nhân cũng không để ý hoặc trả lời rất chậm.
Từ những biểu hiện trên, gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị và N.T.X được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do dùng thuốc lá điện tử.
Theo BS. Hoài,trường hợp của nữ bệnh nhân, tình trạng mất ngủ, chán ăn có thể mất sau một thời gian điều trị ngắn. Tuy nhiên, các biểu hiện tâm lý bất ổn, cáu gắt sẽ phải điều trị trong thời gian dài.
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử là thiết bị hoạt động bằng pin cung cấp nicotine qua hơi - hít vào tương tự như thuốc lá, không chứa lá của cây thuốc lá (hơi không phải là khói).
Hầu hết thuốc lá điện tử chứa thành phần nicotine - là chất gây nghiện mạnh và rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người.
Theo BS. Hà, hút thuốc lá điện tử có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.
Các bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, bệnh viêm phổi lipid, tràn khí màng phổi nguyên phát, suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Nicotine trong thuốc lá gây hại cho sự phát triển não bộ, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ. Đối với trẻ em não chưa hoàn thiện, sử dụng nicotine khó kiểm soát cảm xúc.
Vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Nghiện thuốc lá điện tử là đường vào của các chất gây nghiện khác.
Người hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như: Ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân.
Bác sĩ cảnh báo, hiện nhiều trường học, học sinh lớp 4 - 5 đã bắt đầu rủ nhau hút thuốc lá điện tử. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm sát sao hơn với trẻ.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an đề nghị về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha.
Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
Chúng được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.