Ba sự kiện trong tuần trước có thể chỉ ra rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như đang xem xét hòa giải với Mỹ và đảo ngược thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, theo Ahval News.
Các sự kiện này bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, trả tự do cho công dân Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ Serkan Golge và tuyên bố thành lập một nhóm thảo luận chung với Mỹ để xem xét vấn đề S-400 (mặc dù bị bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ).
Động thái này được cho là xuất phát từ việc Tổng thống Erdogan nhìn thấy những hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế và tham vọng chính trị của ông trong việc gần gũi với Nga và rời bỏ phương Tây.
Nhưng liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có cho phép Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bội tín và thoát khỏi vòng tay nồng ấm của mình để trở lại hợp tác với phương Tây hay không?
Thử thách cho “bậc thầy chính trị” Erdogan.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã thể hiện mình như một bậc thầy chính trị kể từ khi ông trở thành thủ tướng năm 2003 và trên con đường củng cố quyền lực cho đến thời điểm hiện tại.
Mặc dù phe đối lập dường như đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul gần đây, khả năng của ông Erdogan trong việc chỉ đạo và thiết lập các quy tắc chính trị vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, mọi thứ không hề suôn sẻ và đơn giản trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, vì ở khía cạnh này, ông phải đối mặt với các đối thủ mạnh hơn và không kém phần cứng rắn, đó là Mỹ, Nga và Iran.
Sự cạnh tranh tự nhiên giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản họ tạo nên một liên minh chính trị dù là trong ngắn hạn. Với tính chất đối thủ nhiều hơn là bạn bè ở đấu trường Trung Đông, sự hợp tác chính trị không liên tục của hai nước phản ánh rằng đó không phải là tình bạn.
Với Nga, Tổng thống Erdogan dường như đang hiểu được rằng, việc xây dựng mối quan hệ đối tác với người đồng cấp Putin có thể không mang đến giá trị lợi ích. Vô số cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ sẽ khó thay đổi sự năng động không đồng đều trong mối quan hệ, trang phân tích Ahval nhận định.
Với Mỹ, có lẽ cuối cùng Tổng thống Erdogan cũng nhận ra rằng những năm tháng chống Mỹ và sự bất hòa về các mối quan hệ trong khu vực đã làm giảm số lượng bạn bè mà ông có ở ở Washington.
Số ít còn lại chỉ miễn cưỡng chấp nhận tầm quan trọng về địa chiến lược của Ankara trong khi họ không hài lòng về sự lãnh đạo của ông Erdogan.
Những điều này kết hợp lại đã khiến ông Erdogan bị đặt vào một tình thế bấp bênh. Ông không thể làm gì để thể hiện sức nặng trong quan hệ với Nga khi phải chứng kiến hành động của quân đội Syria ở Idlib, do Nga hậu thuẫn, chống lại phiến quân mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt thỏa thuận mua S-400, điều đó sẽ khiến ông Putin tức giận, người sẽ không dễ dàng để thỏa thuận trôi đi mà không bày tỏ sự bất mãn theo cách mà ông Erdogan sẽ cảm thấy khó chịu nhất.
Tất nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay ngược lại kêu gọi Mỹ và NATO ủng hộ ông chống lại Nga, nhưng vì ít nhất hai lý do dưới đây, một lời kêu gọi như vậy khó thành hiện thực.
Đầu tiên, Tổng thống Putin sẽ không dại dột trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ vì hủy mua S-400 bằng bất kỳ cách thức công khai nào có thể kích hoạt hành động phòng thủ tập thể từ NATO. Bất kỳ sự trả đũa nào từ Nga sẽ chỉ gây tổn hại cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng được hiệu chỉnh để tránh gây ra phản ứng mạnh mẽ từ liên minh.
Thứ hai, thật khó để tưởng tượng quốc gia NATO nào đó sẽ “nuốt giận” để bỏ tiền tài, vật lực giúp Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi hậu quả của việc tự nước này rời bỏ khỏi khối.
Những tuyên bố chống phương Tây của chính quyền Erdogan và các vấn đề liên quan đến bắt giữ và kiểm soát báo chí trong nước đã làm ông mất thiện cảm đối với các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu và Bắc Mỹ.
Mặc dù có một số quốc gia ủng hộ, nhưng không có nhiều lý do để họ hành động thay mặt ông chống lại Nga về mặt kinh tế hay chính trị.
Do đó, chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể cung cấp cho ông Erdogan tấm khiên bảo vệ trước Nga trong trường hợp hủy thỏa thuận S-400.
Nhưng việc ông Trump có làm như vậy hay không sẽ còn phụ thuộc vào cái giá có lợi mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cho Mỹ.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Erdogan dường như đang cố tình kéo dài thời gian, nhưng điều này dường như không có mục đích cụ thể.
Cho dù ông trì hoãn trong nhiều tuần hay nhiều tháng, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ phải lựa chọn giữa việc bội tín với người đồng cấp Putin và đối mặt với sự đáp trả khó chịu, hoặc xúc phạm Mỹ và NATO và tận hưởng “cái ôm” ấm áp hơn nữa của “gấu Nga”.
Do đó, ba hành động đã nói ở trên của Tổng thống Erdogan có vẻ như không hẳn là bằng chứng cho thấy ông muốn hủy bỏ thỏa thuận S-400 và hòa giải với Mỹ.
Không giống như chính trị trong nước, việc đảo ngược lại các quyết định chính sách đối ngoại không phải chỉ đơn giản là mất vài câu nói, và không giống như các quan chức dưới quyền ông Erdogan một lòng tuân thủ - “gấu Nga có thể làm đau Ankara bằng móng vuốt”.