Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu

Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu

Thứ 7, 27/07/2013 19:41

Ở kỳ trước, tôi đã kể về già làng A lăng Zèng ở bản Aur mù sương, người giữ gìn chiêng ché, cổ vật của bản như giữ mạng sống của mình. Với người Cơ tu, chiêng ché thiêng liêng còn hơn cả tài sản. Nó là linh hồn của núi, bổn mạng của người chết lẫn người sống...

Miền trung - Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu
Trẻ em Cơ tu bây giờ vẫn được truyền niềm tin bất diệt vào linh hồn của núi. Ảnh: Nam Cường.

Bản Aur nằm ở non cao, quanh năm mây phủ, đường lên hiểm trở nhưng giới buôn bán cổ vật không chịu từ bỏ. Kể từ ngày lập làng, mấy lần lái buôn chiêng ché vạch rừng tìm đến, cuối cùng lắc đầu về không. Như một hương ước không thành văn, câu chuyện ma mị về chiêng ché truyền từ đời trước đến đời sau, mãi không phai trong tâm trí.

Cụ bà A lăng Navy ngồi trên giường, nheo nheo đôi mắt già nua nhìn chúng tôi như khẳng định, ở thế giới này vẫn còn những tộc người khác, những người Kinh ăn mặc, nói năng khác với người Cơ tu mình. Gần 100 tuổi, trong đầu cụ bà này là cả một pho truyện về rừng núi âm u, về đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm.

Nguyên cớ gì bản không cho phép bán chiêng ché, khi giới săn lùng cổ vật từng chồng cả mấy cây vàng, chồng cả chiếc xe Dream 2 của những năm thập niên 1990 cho một chiếc ché? Ở Aur, nhà nào cũng có những hàng chiêng ché cổ, cái nào cũng quý, niên đại hàng trăm năm và là độc bản.

Cụ bà A lăng Navy hiền hậu: Đến tận ngày nay, tiền cũng chưa phải là thứ quan trọng của người làng, xe máy lại càng không. Bao đời nay, thứ giúp làng Aur dịch chuyển từ nơi này qua nơi khác chính là đôi chân. Kỳ lạ thay, những chiếc ché, chiêng cổ trải qua hàng trăm năm theo biến thiên của bản làng, vẫn mãi gắn bó. “Đó là một sự huyền bí linh thiêng đến tận hôm nay không ai giải thích được” – cụ Navy nhớ lại.

Cái ngày cụ bà Navy ra đời, sống tuổi niên thiếu là một nơi đâu đó tận trong rừng thẳm, rất xa. Ngày đó cụ Navy đã thấy trong nhà mình, ngôi nhà sàn đơn sơ đầy ắp ché. Và người làng cũng ngày ngày tự mày mò đúc ché, làm chiêng. Tất cả đều làm bằng tay, khắc tranh thủy mặc, vẽ rồng. Nếu là đồ độc bản, có niên đại hàng trăm năm, các bức tranh trên những chiếc ché của người Aur hoặc một vài bản làng xa xôi Cơ tu không bao giờ nổi mà chìm vào bên trong.

Càng để lâu, nước màu càng sáng bóng. Gõ lên nghe những tiếng coong coong vọng như tiếng chuông chùa giữa đại ngàn. A lăng Zèng kể, mỗi lần làm xong một chiếc ché, nghệ nhân của làng dùng dao, cắt một ít máu của mình ở tay hòa chung với rượu và tắm rửa sạch sẽ cho ché. Thời gian làm mất mấy tháng mới xong, sau đó 3 ngày, cả bản bắt đầu làm lễ cúng chiếc ché. Nếu không, đó cũng chỉ là một vật vô tri.

Trai bản vào rừng, săn lùng mãnh thú mang về, cắt máu vào từng chiếc bát cổ. Ché được đặt giữa nhà Gươl, già làng bắt đầu cúng. Thần linh nghe lời khẩn cầu của dân làng, thông qua những bát máu và xác mãnh thú nóng hôi hổi bắt đầu nhập vào.

Miền trung - Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu  (Hình 2).
Mổ bụng mãnh thú để cúng thần ché.

Già Navy nhớ lại một câu chuyện rợn người, cách đây hơn 80 năm. Ngày đó, bản Aur chỉ gần 20 hộ, còn Navy mới 15 tuổi. Vào một ngày, khi hoàn thành xong chiếc ché, một chàng trai người trong bản không ương bướng không chịu nghe lời già làng, không chịu cúng Giàng.

Anh ta khỏe mạnh, là niềm kiêu hãnh của bộ tộc, thường xuyên đem mãnh thú về cho dân làng. Những ngày gần sáng, nếu trước cửa nhà của cô gái nào nghe tiếng hú của anh ta và những chiếc đầu mãnh thú để ở bậu cửa, đó là một niềm hạnh phúc.

Navy là cô gái được hưởng niềm hạnh phúc đó. Nhưng niềm vui của cô gái trẻ chưa kịp tận hưởng thì tai ương ập đến, cũng bởi chàng trai làm ché, săn được mãnh thú nhưng không chịu dâng máu lên thần linh. Năm đó, trời mưa dầm dề quanh năm suốt tháng, xen vào là những cơn mưa như thác đổ đại ngàn khiến Trường Sơn trở nên u tịch.

Người làng bó gối, còn chàng trai vẫn quyết vào rừng. Và rồi, xác chàng trai được tìm thấy ở bìa rừng, mất đầu, máu ri rỉ chảy. “Thần trút giận” – A lăng Navy đến tận bây giờ vẫn còn thảng thốt. Và rồi cứ như một đại họa lây lan, hằng năm sau đó, cứ đến mùa mưa, thêm một chàng trai khỏe mạnh ra đi, vẫn là những cái chết thương tâm rùng rợn, đầu mất, ri rỉ máu.

“Khoảng 4 người như thế, người làng phải làm lễ cúng to. Lễ vật là 4 chiếc đầu mãnh thú thì thần mới nguôi giận”. Kể từ đó, chiếc ché mà chồng của Navy làm ra mới bắt đầu có linh hồn. Kỳ lạ thay, năm sau đó làng được mùa, Aur như sống trong lễ hội triền miên. Mấy chục năm sau, ngày dời làng, A lăng Navy chỉ mang theo chiếc ché và một vài vật dụng. Trên đường đi, Navy trượt ngã lăn xuống suối, ché vỡ tan tành. Kết thúc một câu chuyện ly kỳ.

Thống kê là điều đại kỵ, ai lại tính số cho niềm tin bất diệt vào tâm linh của bà con bao giờ.

Bí thư huyện ủy Tây Giang
Bhriu Liếc

Sau này, khi A lăng Navy lấy chồng khác, gia tài vẫn luôn đầy ắp những chiếc ché cổ, như một kỷ niệm về người đàn ông đầu đời, một chiến binh săn máu thiện nghệ.

“Bây giờ không ai làm ché nữa, toàn bộ chiêng ché ở Aur đều có từ xa xưa, nhưng cứ đến mùa mưa, người làng lại làm lễ cúng, giết một con thú, dâng máu cho Giàng”.

Aur cách đây mấy năm tôi lên ở làng cũ, sống lưng chừng trời, nhưng khi lên lại lần thứ 2, họ đã ở hẳn trên một đỉnh núi cao. Ngày tôi trở lại cũng là một ngày mưa tầm tã. Đúng buổi sáng, người làng giết một con lợn rừng. A lăng Zèng giải thích, phải lọc toàn bộ lòng, tim gan để mãnh thú được sạch sẽ thơm tho. Sau khi cắt đầu, mãnh thú được dâng lên Giàng. Sau khi mổ bụng con lợn thì bắt đầu quy trình khép kín ở nhà Gươl, người ngoài không được phép tham gia.

“Có những thứ quý hơn tiền, đó là niềm tin tuyệt đối vào những vật tưởng chừng vô tri, bởi chiêng ché có linh hồn, có thần linh trú ngụ. Người ở bản Aur hiền hòa, sống dựa vào rừng núi linh thiêng nên sẽ không bao giờ phản bội thần, niềm tin này truyền đời mãi mãi, cho con cháu” – A lăng Navy nói như tự sự.

Miền trung - Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu  (Hình 3).
A lăng Linh có hẳn một phòng cho chiêng ché.

Bản Aur là một địa chỉ quen thuộc của “tay chơi phố núi” A lăng Linh, người mấy chục năm nay chuyên sưu tầm cổ vật, chiêng ché, hiện sống ở thị trấn Prao (Đông Giang – Quảng Nam). Dù quý ché hơn cả mạng người, nhưng A lăng Linh chưa bao giờ đem được chiến lợi phẩm về nhà.

Người đàn ông này hơn 35 năm nay lặn lội khắp nẻo rừng già, chỉ mong thỏa niềm vui tìm chiêng ché độc bản. Mấy cặp ché Rồng, Thượng Thủy, Hoa giấy ở bản Aur đối với anh chỉ là niềm mơ ước. Gia tài của A lăng Linh giờ đây dễ có đến mấy tỷ, một con số khủng đối với dân nghèo Cơ tu. Tất cả của anh đều là độc bản, là nỗi thèm khát của giới buôn cổ vật.

“10 năm trước, tôi chỉ như người đi buôn cổ vật, chiêng ché, đưa về nhà rồi cất đó. Nhưng một lần, lên tận Gary mua được ché cổ. Sau khi đem về vì nhà chật nên để ché dưới đất. Đêm đó, giấc ngủ của tôi toàn thấy những chuyện kinh hoàng, như kiểu thần linh nổi giận trách mắng.

Thời gian sau đó, tôi đau lên ốm xuống, nương rẫy, mùa vụ thất bát, trâu bò trong nhà tự nhiên lăn đùng ra chết. Hoảng quá, tôi lên lại miền biên giới Gary, được già làng kể cho, đó là ché thiêng, thần linh giận dữ vì dám để ché dưới đất. Sau đận đó, tôi cúng một con dê và mấy con gà. Đập nhà cũ làm nhà mới, dành nguyên một phòng để chiêng ché, hạn nặng mới qua”.

Thực hư chưa biết thế nào, nhưng A lăng Linh sau trận ốm đã ra tận Huế, bỏ tiền đóng một bộ quần áo thêu rồng tinh tươm, cứ 4 giờ sáng thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, xức rượu thơm và thắp hương khấn vái thần chiêng ché.

“Tôi không bao giờ bán lại những thứ độc bản. Mơ ước của tôi là làm một bảo tàng chiêng ché cho người Cơ tu, đó là linh hồn của rừng núi. Là thứ hiển hiện thường ngày trong nhà, trong sinh hoạt, nếp nghĩ của người Cơ tu” – A lăng Linh tâm sự. Bí thư huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc lắc đầu khi tôi hỏi, có con số thống kê chiêng ché cổ nào không.

“Thống kê là điều đại kỵ, ai lại tính số cho niềm tin bất diệt vào tâm linh của bà con bao giờ. Dẫu cho phố thị văn minh đến khắp bản làng, dẫu tranh nứa được thay bằng mái tôn, bóng điện thế đèn dầu, bia thay rượu tàvạt thì chiêng ché mãi mãi là linh hồn của núi”.

Đến tận bây giờ, Bhlinh Đhơn (xã A Tiêng – Tây Giang) còn cảm thấy xấu hổ, canh cánh nỗi lo có tội với Giàng vì đã đập vỡ ché cổ trăm năm ở nhà anh trai và chị dâu. Theo tục, khi lấy chồng, nhà chồng có quyền lấy bất kỳ một vật dụng ở nhà gái.

Khi anh trai cưới vợ, Đhơn đến nhà lấy ché cổ trăm năm, anh trai và chị dâu không chịu. Đhơn đập ché tan tành. Đhơn ân hận: “Nhà nước phạt 15 tháng tù, nhưng nỗi sợ thần linh chính là hình phạt lớn nhất của mình. Bây giờ, mình vẫn lo thon thót”.

Theo Tiền phong

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.