Bài phân tích dài về Huyền Chip của một nhà thơ nổi tiếng
Dưới đây xin trích dẫn nguyên văn bài viết của anh:
“Huyền Chip & sự liều mạng của cách thức truyền thông!
1. Huyền Chip (HC) và team truyền thông của QV (đơn vị phát hành 2 cuốn sách của HC) đang gặp khủng hoảng lớn. Và rất có thể, không may là, chỉ có mỗi HC lúc này bị khủng hoảng tâm lý, còn team phía sau thì đang rất hồ hởi (dù có thể không biểu hiện ra mặt) vì những đình đám hiện tại sẽ giúp cuốn sách “lan tỏa rộng” và bán chạy như chưa bao giờ được như thế.
2. Trước buổi ra mắt sách ở Hà Nội (HN), HC đã rất tự tin với chia sẻ trên FB (Facebook – PV) cá nhân sẽ giải đáp tất cả thắc mắc của mọi người. Sự tự tin này là cực kỳ cần thiết khi HC biết rằng mình đang chuẩn bị đón “bão”. Buổi họp báo lần này dĩ nhiên đã rất… rất khác so với những buổi họp báo ra mắt cuốn 1- thời điểm mà HC lần đầu ra mắt sách, với một tâm thế hoàn toàn thoải mái chia sẻ mọi điều mình mong muốn. Lần họp báo cuốn thứ 2, đã có một thời gian đủ dài để độc giả thẩm thấu, phân tích… và HC đủ thông minh để biết mọi chuyện đã không còn đơn giản như đã từng. Nhưng hiểu vấn đề là một chuyện, có giải quyết được vấn đề hay không lại là một câu chuyện khác. Tiếp tục với buổi họp báo tại HN cho cuốn thứ 2, xuất phát điểm, rõ ràng HC đã được team hỗ trợ tốt khi mời được bác Nguyễn Lân Dũng ngồi trên bàn chủ tọa (còn vị kia, thật sự là không có nhiều điều để nói). Có được một vị chủ tọa tên tuổi được nhiều người biết đến, cộng với sự tự tin của bản thân, HC đã giảm thiểu đi nỗi lo của mình rất lớn, còn team truyền thông phía sau cũng cực kỳ yên tâm vì mình đang nắm chắc phần thắng. Xin hãy bỏ sang bên cạnh chuyện chi tiết nào đúng chi tiết nào sai trong cuốn sách thứ nhất, bỏ sang bên cạnh chuyện HC là người như thế nào… điều mà bạn V (tên tác giả - PV) quan tâm nhất đó chính là động thái mang theo hộ chiếu của HC, và nó được giữ trên tay của bác Nguyễn Lân Dũng.
GS Nguyễn Lân Dũng giúp Huyền Chip mở cuốn hộ chiếu có gắn visa trước báo giới tại họp báo Hà Nội
Tuy nhiên, xin ngừng lại ở đây một phút, nếu cuộc họp báo tại Sài Gòn sau đó HC có lí do rất chính đáng khi từ chối cho một độc giả xem hộ chiếu của mình (để xác thực có việc đi 25 nước…), thì tại Hà Nội, HC khi không chấp nhận cho nhà báo xem xét và chụp ảnh hộ chiếu, cô đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng trong truyền thông. Hãy nhớ cho một điều, khi nhà báo đến với một buổi họp báo mà họ có những điều không tin với những vấn đề mà chủ tọa đưa ra, họ có quyền- Quyền Thật Sự- yêu cầu xác thực bằng chứng trước khi trở về tòa soạn làm tin bài cho độc giả tờ báo mà họ đang làm. Ở đây, trong buổi họp báo ở Hà Nội, nhà báo đã bị tước mất quyền đó. Chỉ duy nhất với điểm này, cộng với rất nhiều chi tiết “vụn vặt” kéo theo, buổi họp báo tại Hà Nội có thể nói là đã trượt khỏi tầm tay của HC lẫn của team. Nhưng, thay vì tạm hoãn lại tất cả các cuộc họp báo sau đó, để cùng ngồi xuống giải quyết tất cả những trở ngại (mà chắc chắc) HC sẽ phải đối mặt trong những lần họp báo tiếp theo, HC và team vẫn tiếp tục với lí do: Mọi chuyện đã được setup và không thể thay đổi! Một buổi họp báo ra mắt sách, của một tác giả trẻ, thật sự không có gì là quá quan trọng để không thể hoãn lại. Có chăng là HC và team với ý nghĩ mọi chuyện đang đình đám, và ngừng lại lúc này, chẳng khác nào ngọn lửa PR vừa được mồi lại tự tay hắt nước cho tắt. Ai dại đi làm thế! Nhưng không làm thế mới cực kỳ… dại. Ngay cả khi đã lỡ phóng lao không thể dừng họp báo, thì team và HC ít nhất cũng nên chọn giải pháp mời một người xử lý khủng hoảng truyền thông thật sự giỏi để hỗ trợ nhanh chóng (còn tiền ở đâu để mời người này thì bạn V sẽ nói ở phần tiếp theo). Điều đơn giản nhất có thể làm lúc này là- buộc phải có một người như thế- tiếc là HC và team tiếp tục bấu víu vào sự tự tin còn sót lại (dù ít ỏi) của mình…
Và một lần nữa, như không thể khác, sai lầm bị lặp lại, khi ở buổi họp báo Sài Gòn HC tiếp tục mang theo hộ chiếu, để rồi sau đó lại từ chối lời đề nghị được xem của một độc giả. Không thể nào hiểu nổi, đã không muốn cho người khác xem thì động thái mang theo hộ chiếu đến buổi họp báo của HC rốt cuộc là nhằm để giải quyết chuyện gì? Bạn V nghĩ mãi vẫn không thể tìm thấy câu trả lời. Hành động mang theo hộ chiếu đến buổi họp báo ở Sài Gòn có thể xem là đỉnh điểm của mọi chuyện- một hành động tự sát trước truyền thông. Và những sai lầm nối gót theo đó trong cách trả lời của HC với độc giả (từ tường thuật của Tuổi Trẻ Online): "bạn có bằng chứng gì để nói tôi như thế?", "tôi không có trách nhiệm giải thích, chứng minh với tất cả mọi người", "tôi không thích trả lời"... đã không còn gì để ngạc nhiên nữa.
Cầm trên tay cuốn hộ chiếu nhưng Huyền Chip vẫn từ chối lời đề nghị của độc giả tại họp báo Sài Gòn
3. Theo một nguồn tin (đáng tin cậy với bạn V), giá bán độc quyền (có thời hạn khoảng vài năm và được in bao nhiêu thì in) mà HC chào mời một số đơn vị phát hành sách khi họ gọi đến là ở mức 600 triệu đồng. Nhưng cuối cùng, HC vẫn tiếp tục làm với QV- là đơn vị đã phát hành cuốn 1. Và cũng theo nhiều nguồn tin, lần phát hành sách này của HC với QV cũng là độc quyền. Suy ra, có thể làm với Quảng Văn thì HC không đạt được mức catxe đến 600 triệu đồng, thì gia giảm có thể sẽ đạt được mức 400-450 triệu đồng, vẫn là một số tiền đáng mơ ước. Thêm một cách thức nữa mà bạn V muốn tính, nếu trường hợp HC thỏa thuận chỉ lấy nhuận bút trên đầu sách ( mà anh Nguyễn Nhật Ánh- tác giả best seller đúng nghĩa ở VN- chỉ lấy 10% với NXB Trẻ; với các đơn vị phát hành sách khác thì tác giả nào giỏi lắm có thể thỏa thuận được ở mức 13%), thì cứ cho là HC đủ giỏi đến mức lấy được 15% trên đầu sách.
Bài toán sẽ như thế này: cuốn sách mới của HC có giá 99K, cứ lấy tròn 100K, HC được 15% trên 100K, nghĩa là cứ một cuốn sách bán ra HC được 15K. Con số ước chừng về số lượng bản sách bán ra của cuốn 1 đến giờ này đã được hơn 30.000 bản in, cộng thêm việc in thêm lúc này để bán kèm cuốn 2 thì cứ cho là con số đẹp 40.000 bản in (con số trong thực tế có thể sẽ lớn hơn, chuyện này ai làm trong ngành xuất bản cũng sẽ hiểu). Như thế có thể ước chừng là sau khi bán được cuốn đầu với 40.000 bản in thì cuốn thứ 2 có thấp lắm cũng sẽ đạt 30.000 bản in. Lấy 15% x 100K x 30.000 = 450 triệu, nghĩa là vẫn xêm xêm với con số khi mua độc quyền. Trong trường hợp này nếu QV tính được sẽ bán hơn 30.000 bản thì ký độc quyền sẽ có lợi hơn nhiều. Giờ thì đến bài toán của QV: Cuốn sách 100K bán ra cho các đầu nậu sách thì mức chiết khấu sẽ là 40%, nghĩa là QV chỉ còn lại 60K, sau đó trừ tất tần tật mọi chi phí (mà chủ yếu tập trung vào lần in đầu tiên), thì cứ cho là cuốn sách được in với mức giá 20K (là nhiều) thì QV còn lại 40K trên một cuốn sách. Như vậy với con số dự đoán bán ra 30.000 bản in cho cuốn sách thứ 2 của HC, QV ít nhất có trong tay gần 800 triệu đồng sau khi trừ 450 triệu tiền catxe của HC =>> Đến đây thì có thể giải đáp được thắc mắc là tiền ở đâu ra để thuê một người xử lý khủng hoảng truyền thông. Dĩ nhiên khi bán sách cho các đầu nậu rất khó để lấy “tiền tươi”, nhưng giả sử có 3 tháng sau lấy được tiền thì số tiền vẫn như vậy mà không hề bị mất đi chút nào.
Huyền Chip kí tặng sách cho các độc giả
4. Với các đơn vị phát hành sách hiện nay, tầm cỡ như NXB Trẻ chẳng hạn thì có thể có riêng một phòng truyền thông với một sếp và vài nhân viên. Nhưng với những đơn vị khác, có khi để tiết kiệm, chỉ cần một người phụ trách truyền thông là đủ. Thông thường, công việc của người làm truyền thông này là viết TCBC (thông cáo báo chí – PV) về cuốn sách mới xuất bản rồi gửi cho nhà báo để nhà báo làm tin, sau đó gửi tặng sách đến tòa soạn. Nếu cuốn sách nào hot thì có thể tổ chức họp báo, mời nhà báo đến để chia sẻ cùng tác giả. Họp báo thì cũng sẽ tặng sách cho nhà báo, và đôi khi có thêm phong bì (dĩ nhiên giá trị phong bì thường không bằng ca sĩ họp báo), sau đó nhà báo về cũng sẽ làm tin. Quy trình sẽ là như thế nên có thể nói với những người làm truyền thông cho sách, rất ít khi gặp khủng hoảng, và nếu có thì cũng không đến mức nghiêm trọng.
Nhưng, cũng chính vì với những con người đó, khi hậu thuẫn cho HC để làm họp báo, sự tự tin của team lẫn HC đã khiến cho họ không lường trước là đang đối diện với một sự khủng hoảng đến mức mà họ chưa bao giờ tưởng tượng được. Có thể nói, sự kiện lần này là trường hợp khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử phát hành sách của VN- từ khi khái niệm khủng hoảng truyền thông hiện diện ở VN. Lần khủng hoảng truyền thông này có thể ví với lần khủng hoảng truyền thông gần đây nhất của showbiz liên quan đến Mr Đàm, mặc dù tính chất của vụ việc có thể khác nhau. Chỉ khác là sự trải nghiệm của Mr Đàm sừng sỏ hơn gấp ngàn lần so với HC, còn với HC, sự tự tin của bản thân lúc này chỉ còn là hạt cát giữa sa mạc.
Dù đang trong "tâm bão", Huyền Chip vẫn tự tin trả lời các câu hỏi đối chất của độc giả
5. Một comment rất thú vị gần đây của một người bạn trong FB của bạn V, có nói đại ý rằng: Sự khủng hoảng về tâm lý của HC bắt đầu từ năm ngoái, khi trở về, ra sách và trở thành hiện tượng. Chỉ khác là sự khủng hoảng lúc đó và bây giờ là 2 sắc thái khác nhau. Trước đây là khủng hoảng trong sự tự tin, tự hào về bản thân mà quên mất sự khiêm nhường, lễ độ cần có. Và sự khủng hoảng năm nay là hậu quả của khủng hoảng từ năm trước mà thôi. Bạn V xin được nói thêm là với team hỗ trợ truyền thông phía sau của HC, sự khủng hoảng đó cũng không khác gì mấy với HC.
6. Cuốn sách thứ 2 của HC sẽ bán được không, sẽ bán được, chắc chắn là thế. Nhưng với tâm lý khủng hoảng vào lúc này, và sẽ còn là một dấu ấn không thể phai mờ cho đến tận về sau, để có thể bắt tay vào viết cuốn sách thứ 3 (nếu có) với HC sẽ là một việc không dễ dàng gì nữa. Nếu không muốn nói là quá khó…
7. Con buôn- nghe thì buồn- nhưng bao giờ cũng kiếm ra được nhiều tiền hơn. Ít nhất là với cuốn sách của HC!”
Phần bình luận dưới bài viết
Dưới bài viết khá dài của nhà thơ là nhiều bình luận. Người khen anh V. phân tích hay và chi tiết, người bảo không nên quan tâm quá nhiều về Huyền Chip.
Theo Báo Đất Việt