Nhắc đến Huyền “Chip”, giới trẻ, đặc biệt là những người thích đi khám phá thế giới và tìm cảm giác mạnh có lẽ không ai là không biết. Huyền Chip, cô gái 9x đã từng tự mình đi khám phá 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD.
Tháng 9, trở về sau chuyến đi “phượt” lần 2 tới Nam Mỹ, Nguyễn Thị Khánh Huyền (biệt danh Huyền Chíp) bận rộn chuẩn bị cho việc ra mắt cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi” tập 2 mang tên “Đừng chết ở châu Phi” vào đúng dịp sinh nhật mình. Ở cuốn sách này, Huyền Chip tiếp tục chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ của mình trong chuyến đi châu Phi.
Thế nhưng, cuốn “nhật ký” của Huyền Chip - “Xách ba lô lên và đi” lại tiếp tục nhận được không ít nghi ngờ từ phía độc giả.
Huyền Chip: "Tôi không lên đường với cái đầu rỗng tuếch!" (Ảnh chụp ở Awassa, Ethiopia, Châu Phi)
PV đã có cuộc trò chuyện cùng cô:
Tôi mới trở về từ Nam Mỹ. Chuyến đi này tôi đi trong 6 tháng và chỉ đi được 3 nước. So với hành trình trước thì lần này tôi sống lâu hơn ở mỗi nơi tôi đến. Tôi muốn thực sự sống và hiểu văn hóa của người bản địa nên chọn cách đi chậm mà chất lượng.
- Đi và trải nghiệm ở 3 châu (châu Á, châu Phi, châu Mỹ), trong cảm nhận của bạn, đâu là đặc trưng nhất của mỗi châu lục?
Có thể nói ngắn gọn như này: “Châu Á đa dạng, châu Phi hoang dã, Nam Mỹ để yêu”. Ở châu Á, tôi cảm nhận được sự đa dạng, khác biệt trong mỗi quốc gia tôi đến. Sự khác biệt đó thể hiện trong lối sống, tính cách và tất nhiên là văn hóa. Ở châu Phi lại khác, tôi như cảm nhận được một cái hồn chung đây, đó là như là một đặc điểm của toàn vùng đất ấy vậy. Còn Nam Mỹ tôi có nhiều kỷ niệm và vùng đất ấy hình như có là để tôi yêu. (Cười)
- Lời tựa cuốn “Xách ba lô lên và đi” tập 2 sắp ra mắt, bạn có viết: “Châu Phi với tôi là một châu lục của cảm xúc, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt” hay “Con người châu Phi đơn giản và hoang dã, nhưng trái tim họ to và ấm”, tại sao bạn lại có thể có những cảm nhận này?
Trong những nơi mà tôi đi qua, châu Phi để lại cho tôi nhiều tình cảm nhất. Đó là nơi mang đến cho tôi hai thái cực cảm xúc: một cô đơn và tủi thân, một cảm động và yêu thương. Đi du lịch một mình, ở đâu cũng cô đơn, nhưng châu Phi lại đem đến cho tôi cảm giác không hề được giúp đỡ. Tôi thực sự mệt mỏi khi bị dân địa phương bám theo xin tiền và nỗi ám ảnh về căn bệnh thế kỷ luôn thường trực. Hầu như nhà ai cũng có người mắc bệnh. Hầu như ai tôi quen cũng biết ít nhất một người chết vì căn bệnh này. Ở Việt Nam, mình nghĩ HIV/AIDS là một cái gì đó rất xa xôi. Sang đó rồi mới thấy nó gần kề với mình như thế.
Nhưng châu Phi cũng chính là nơi khiến tôi cảm thấy mình như đang mang nợ. Con người châu Phi hoang dã, bộc trực như chính vùng đất của họ vậy. Thời gian sống ở châu Phi, ở cùng người dân địa phương, ăn món ăn như họ, hít chung bầu không khí của họ, tôi dần hiểu những khắc nghiệt ở nơi đây và cảm thấy mình không còn đơn độc. Điều tuyệt nhất trong hành trình đến mỗi quốc gia là bạn cảm thấy mình được chấp nhận là một trong số họ. Và người châu Phi đã khiến tôi cảm nhận được điều tuyệt vời ấy: trẻ em châu Phi không ngại ngần cúi xuống lau giày bẩn cho tôi; gia đình chị người Kenya dành dụm cho tôi thùng nước có 5 lít để tắm táp...
Huyền Chip được người dân Châu Phi vẽ mặt
- Đi nhiều như vậy thì bạn kiếm sống như thế nào?
Đây có lẽ là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất và nhiều người cũng không tin rằng tôi có thể xin được việc và kiếm tiền để đi như thế. Nghĩ đúng là rất khó nhưng cứ làm đi sẽ thấy đó không phải là chuyện không tưởng. Như tôi chia sẻ trong cuốn sách, tôi làm bất kỳ công việc gì mình có thể như đọc loa thông báo trong sòng bạc, làm maketing cho hàng quán, dạy tiếng địa phương cho người nước ngoài...
Ban đầu khi đọc những thông tin như vậy tôi thấy rất bức xúc. Nhưng sau khi có quá nhiều ý kiến dạng: "xin visa phải chứng minh tài chính", "visa du lịch chỉ được 30 ngày", "không thể kiếm được lương cao như thế vì ông ABC nào đó chỉ được từng này"… tôi thấy mình không cần phải bực bội.
Những phản hồi đó thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết về chính sách visa của các nước, chỉ thích vơ đũa cả nắm. Rất nhiều người trong số họ nghĩ bản thân không làm được thì người khác cũng không ai làm được. Bây giờ, tôi chấp nhận nó là mặt trái của việc được nhiều người biết tới. Họ có thể ghét bạn, thậm chí “chửi” bạn và trên mạng là ảo, không ai biết ai nên điều này càng dễ dàng hơn.
Tôi sẽ trả lời khúc mắc của độc giả cũng như đưa ra minh chứng cho những điều mà tôi đã viết, đã nói vào cuộc họp báo ngày ra mắt “Xách ba lô lên và đi” tập 2 ngày 19/9 tới.
- Theo bạn, hành trang cần nhất khi đi “phượt” như bạn là gì?
Kiểu du lịch của tôi, cần nhất có lẽ là “liều”. Không liều có lẽ tôi chẳng đi đâu được. Và cả gan lì nữa. Tuy nhiên có liều và gan đến đâu, bạn cũng cần phải hiểu rõ nơi mình đến và những nguy hiểm mình có thể gặp trên đường. Tôi không lên đường với cái đầu rỗng tuếch, cũng không lên đường với ý nghĩ ngây thơ cứ đi là sẽ đến.
Tôi đi là để thỏa mãn ham muốn khám phá của mình, muốn xem ở ngoài kia có cái gì hay ho. Tôi không đặt mục tiêu theo kiểu đến nước A mình sẽ làm gì, nước B mình sẽ phải đi những đâu? Tôi đến một nơi và dời đi khi bản thân mình cảm thấy đã đủ hiểu nơi đó.
Huyền Chip: "Tôi đến một nơi và dời đi khi bản thân mình cảm thấy đã đủ hiểu nơi đó"
- Tại sao bạn lại quyết định viết sách? Thời gian nào bạn dùng để viết lách? “Đi và viết” có song hành cùng nhau?
Ghi lại câu chuyện của mình và xuất bản một cuốn sách đề tên mình là một trong những ước mơ của tôi. Trong hành trình tôi không có thời gian viết mà chỉ ghi chép vào cuốn sổ tay nhỏ - đó cũng chính là những tư liệu giúp tôi hoàn thành cuốn sách sau này. Tuy không thể viết vào đúng thời điểm sự kiện diễn ra nhưng cảm xúc trong tôi vẫn còn nguyên vẹn.
- Bạn có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp và sẽ tiếp tục sự nghiệp viết lách lâu dài?
Tôi thích viết và luôn cố gắng cải thiện khả năng viết cũng như vốn sống của bản thân mình, tuy nhiên ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp và sự nghiệp viết lách lâu dài nghe to tát quá. Tôi không muốn viết lách trở thành công việc của mình. Tôi muốn viết khi tôi có cảm hứng, chứ không phải khi ai đó ép tôi viết cho đúng “deadline”.
- Điều mà bạn muốn gửi gắm trong những trang viết?
Quả thực tôi không gửi gắm quá nhiều điều to tát trong cuốn sách của mình. Tôi không tô hồng cho các bạn trẻ rằng đi du lịch bụi dễ lắm, chỉ cần vài trăm đô là có thể đi cả thế giới. Tôi chỉ đơn giản là kể lại hành trình của mình, chia sẻ phần nào đó với bạn đọc những điều tôi thấy ở thế giới ngoài kia. Đi và trải nghiệm là ước mơ của riêng tôi. Điều tôi muốn nhắn nhủ đến độc giả là hãy thực hiện ước mơ của mình. Mà ước mơ thì nhiều lắm, đâu phải cứ du lịch bụi là mới thực hiện được ước mơ.
- Chắc hẳn, sau chuyến trở về này, bạn sẽ lại tiếp tục hành trình chinh phục năm châu của mình?
Tôi chưa có dự định gì sau chuyến đi châu Mỹ. Tôi có thể ở nhà, tìm công việc gì đó, lấy chồng, sinh con như một người con gái bình thường (Cười). Nhưng biết đâu đấy, có lẽ ngày mai tôi lại lên đường!
Chúc bạn thực hiện ước mơ của mình!
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh ngày 19/9/1990, quê ở Nam Định. Cô quyết định đi làm ngay khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán, khối THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Huyền Chip còn là người khởi xướng chiến dịch Free Hugs Ôm trọn trái tim và yêu thương ở Việt Nam vào năm 2007. Cô từng làm Online Marketing cho Youth Asia, công ty tổ chức hội nghị YES 2009 quy tụ 500 bạn trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á cùng trao đổi về việc làm thế nào để có một thế giới tốt đẹp hơn. Ngày 13/5/2010, Huyền Chip đã nghỉ việc và thực hiện chuyến độc hành xuyên lục địa, bắt đầu từ Bruney. Hai mươi tuổi, Huyền Chip đã du lịch qua 25 nước thuộc nhiều châu lục khác nhau trên thế giới với 700 USD trong túi. Hai năm sau chuyến đi, trở về, Huyền cho ra mắt cuốn nhật ký “Xách ba-lô lên và đi” tập 1 mang tên: “Châu Á là nhà. Đừng khóc”. Những trang viết đầy cảm xúc của Huyền Chip - cô gái dám đi, dám trải nghiệm đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Vừa phát hànhvài ngày nhưng đã lên "top" của nhiều trang bán sách online và các nhà sách lớn trên toàn quốc. Tháng 9/2013, Huyền Chip trở về từ Nam Mỹ và tiếp tục chuẩn bị ra mắt cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi” tập 2 kể về những trải nghiệm ở châu Phi. Dự kiến, cuốn sách sẽ được ra mắt vào ngày 19/9 tại Hà Nội. |
Theo VOV Online