Công tác giảm nghèo là nền móng trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện Định Hóa xác định công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng yếu, gắn liền với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí về hộ nghèo được coi là một trong những tiêu chí then chốt bởi tiêu chí này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân, đồng thời là tiền đề trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là tiêu chí khó đạt được, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.
Xuất phát điểm là huyện có tỷ lệ nghèo đa chiều cao (32,23%), việc thực hiện công tác giảm nghèo để đáp ứng tỷ lệ nghèo đa chiều của các xã đạt chuẩn nông thôn mới <13%. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo báo cáo của UBND huyện Định Hoá, đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 6,30%, trong đó hộ nghèo còn 1.432 hộ/26.425 hộ, chiếm tỷ lệ 5,42%, giảm 3,60% so với đầu năm 2023, đạt 125% so với kế hoạch đề ra; hộ cận nghèo còn 1.204 hộ/26.425 hộ, chiếm tỷ lệ 4,56%, giảm 2,70% so với đầu năm 2023, đạt 103,05% so với kế hoạch đề ra. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp huyện Định Hoá cán đích NTM đúng hẹn vào năm 2023.
Huyện Định Hoá đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đảo bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 23/8/2022 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Định Hóa và trên 150 văn bản có liên quan để triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Tổng kinh phí được phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2024 là trên 21 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến năm 2024, tổng nguồn vốn đã giải ngân là trên 10 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã giải ngân được 744 triệu đồng, dự ước cả năm 2024 giải ngân 8 tỷ 829 triệu đồng vào việc triển khai các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Năm 2024, huyện Định Hóa đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,40% trở lên, hộ cận nghèo giảm từ 0,85% trở lên.
Chính sách hỗ trợ đến "đúng nơi đúng chỗ"
Để đa dạng hoá sinh kế cho người dân, huyện huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt chú trọng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã và đang tiến hành triển khai các dự án như: phát triển mô hình nuôi trâu, bò sinh sản; chăn nuôi bò cái lai Sind sinh sản; mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn đồi; hỗ trợ sản xuất chè, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng,... Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp, đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 45,86 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, huyện cũng nỗ lực hỗ trợ, đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo kịp thời, đúng đối tượng, đúng nhu cầu thông qua các chiều thiếu hụt để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Trong lĩnh vực việc làm, huyện tổ chức 02 ngày hội việc làm, 32 phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thị trường lao động cho gần 4.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đã hỗ trợ khoảng 1.500 lao động thuộc các nhóm đối tượng này hàng năm thông qua tư vấn nghề nghiệp và kết nối việc làm, đồng thời giải quyết việc làm mới cho hơn 2.200 lao động mỗi năm. Đối với giáo dục, huyện đã chú trọng đến khuyến học và xã hội hóa giáo dục, đạt tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi là 99,20%, tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo qua đào tạo đạt 67,13%, với 25,81% có bằng cấp chứng chỉ. Trong lĩnh vực y tế, huyện đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị, 100% hộ nghèo và cận nghèo (8.721 người) được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Về nhà ở, 1.029 hộ nghèo và cận nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà mới với tổng kinh phí 62 tỷ đồng. Huyện cũng đã quản lý 59 công trình cấp nước tập trung, đạt 95,38% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, và hỗ trợ xây dựng 1.542 nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong lĩnh vực thông tin, tất cả các xã, thị trấn đều có kết nối internet và hệ thống loa truyền thanh hoạt động thường xuyên, đồng thời đã hỗ trợ 90 hộ nghèo tivi và 732 học sinh máy tính, với 100% hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ viễn thông và internet.
Với tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo, phong trào thi đua "Định Hóa chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được tổ chức thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững. Quỹ Vì người nghèo của huyện được vận động, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng theo quy định (mỗi năm vận động được từ 4 đến 5 tỷ đồng).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp mang tính quyết định đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo kết hợp với việc làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần cho việc thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn của huyện Định Hoá, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững và tiếp tục phát triển trong tương lai, huyện Định Hoá cần nỗ lực vượt qua những thách thức hiện tại và triển khai các giải pháp phù hợp, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư là yếu tố then chốt trong việc thực hiện thành công các chương trình này./.
Hà Anh – Kim Tiến
Đặc thù của huyện Định Hóa là có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai hỗ trợ xây dựng gần 2.750 căn nhà. Riêng trong năm 2022 và 2023, bằng các nguồn lực hỗ trợ, huyện đã xây dựng được hơn 1.000 ngôi nhà. Đến nay, có 22.087/22.509 nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không còn nhà dột nát. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 42 triệu đồng/người/năm, riêng xã Sơn Phú đạt gần 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 7,8%...Đến hết năm 2023, huyện Định Hóa có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.