Bích họa bên dòng sông Mẹ Krông Ana
Từ Tp.Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm về thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), trong tiết trời se lạnh đặc trưng của những ngày cuối năm. Không khí nơi đây như mang trong mình hơi thở của mùa Xuân, hứa hẹn những điều tươi mới và đầy hy vọng.
Trên những con đường uốn lượn của thị trấn, cảnh tượng đông vui và nhộn nhịp hiện ra trước mắt. Nhiều gian hàng đã bày bán những câu đối đỏ thắm, những hũ kiệu muối thơm phức, những lá cờ tung bay phất phới trong gió... Không khí vui tươi, phấn chấn lan tỏa trong từng góc nhỏ của thị trấn. Từng người dân hối hả, tất bật hoàn thiện công việc của năm cũ, sắm sửa những cây cảnh, cây mai để chuẩn bị cho ngày Tết đoàn viên.
Từ một vùng lau sậy, sình lầy, một cánh đồng trù phú bạt ngàn đã hình thành, đem lại ấm no cho hàng ngàn người dân. Bao đời nay, người dân bám vào dòng sông mẹ sinh sống bằng việc đánh bắt tôm, cá, sản xuất lúa nước trên cánh đồng nặng phù sa.
Buôn Trấp cũng là một địa danh cổ gắn liền với nơi cư trú chủ yếu của người Ê Đê Bih (một nhánh của người Ê Đê). Trong khi phong tục truyền thống của người Ê Đê quy định rằng việc đánh cồng chiêng thường chỉ dành cho nam giới, không cho phép phụ nữ và trẻ em tham gia, thì với người Ê Đê Bih, điều này lại hoàn toàn khác. Tại đây, phụ nữ không chỉ được khuyến khích mà còn được tôn vinh trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, khẳng định vai trò và tài năng của họ trong nền văn hóa cộng đồng.
Dừng lại ở một con đường giữa trung tâm thị trấn Buôn Trấp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp hút hồn của những bức hoạ mang vẻ đẹp huyền bí được các họa sĩ khắc họa trên đoạn tường rào của một trường học. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một phần ký ức sống động về cuộc sống, con người, thiên nhiên nơi đây. Các họa sĩ đã khéo léo lồng ghép các biểu tượng, hình ảnh gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất Krông Ana.
Lân la hỏi thăm, chúng tôi được biết đây là công trình bích họa đầu tiên của địa phương, mang chủ đề "Huyền thoại vùng đất Krông Ana bên dòng sông Mẹ". Công trình bích họa này được Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, lên ý tưởng dựa trên nguồn gốc của người dân tộc Ê Đê từ ngàn xưa với huyền thoại hang thần Băng Adrênh (thuộc huyện Krông Ana). Qua đó, phác hoạ các hình ảnh về con người, văn hoá, sự hình thành và phát triển của huyện Krông Ana.
Phác họa nét đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên
Công trình bích họa đường phố huyện Krông Ana do họa sĩ Trần Thanh Long, Chi Hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, thực hiện. Ông là người đã vẽ rất nhiều bức tranh về văn hóa, đời sống sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên.
Họa sĩ Trần Thanh Long chia sẻ, công trình bích họa này tái hiện câu chuyện huyền sử về hai dòng sông gồm Krông Ana và Krông Nô hòa quyện với nhau, tạo thành dòng sông Sêrêpốk huyền thoại.
Theo truyền thuyết của người Ê Đê, ngày xưa, có một cô gái yêu chàng trai sống ở bên kia sông. Nhà cô gái nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để "bắt" chàng trai về làm chồng. Hai bên gia đình do có hiềm khích nên cũng ngăn cấm không cho hai người thương nhau. Đau khổ, tuyệt vọng, cả hai cùng gieo mình xuống sông tự vẫn. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Còn dòng sông Sêrêpôk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người, như lời ngợi ca một tình yêu thủy chung, bất diệt. Người dân nơi đây vẫn thường gọi Krông Ana là dòng sông Mẹ.
Họa sĩ Long nhấn mạnh, công trình bích họa không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cho địa phương mà còn tạo ra những điểm nhấn cho người dân và du khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm trong các dịp lễ, Tết. Qua các hình ảnh cồng chiêng, nhà dài, bến nước và các nghi lễ truyền thống,... bích họa khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
"Mặc dù công trình đang trong quá trình thi công, nhưng hằng ngày có rất nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, đến đây để xem, chụp hình và tìm hiểu về giá trị văn hóa", họa sĩ Trần Thanh Long chia sẻ.
Theo họa sĩ Long, văn hóa Tây Nguyên là chất liệu độc đáo để người nghệ sĩ khám phá và sáng tác. "Đây là một vùng văn hóa cạn hay còn gọi là văn hóa miền núi. Cốt cách của văn hóa miền núi là văn hóa rừng... Do đó, tất cả đời sống, sinh hoạt của các đồng bào dân tộc anh em nơi đây đều gắn liền với rừng núi, sông, suối, đại ngàn như: thuyền độc mộc, những chiếc cầu thang nhà dài, kể khan,... Đó là điểm độc đáo, mang đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên", họa sĩ Long cho hay.
Là một trong những người tham gia thực hiện công trình bích họa đường phố huyện Krông Ana, họa sĩ Tạ Thanh Bình, hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nguyên liệu vẽ những bức tranh tường này bao gồm bột màu, keo và sơn, được các họa sĩ khéo léo pha trộn theo gam màu phù hợp với từng bức tranh. Chẳng hạn, đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được thể hiện qua màu da nâu, hàng chân mày rậm, tóc dày, vành môi rộng, dày.
"Nếu trên địa bàn tỉnh có nhiều con đường bích họa như thế này sẽ rất hấp dẫn vì không chỉ tạo cảnh quan đẹp mắt, quảng bá giá trị văn hóa mà còn bảo vệ môi trường. Khi bức tường trắng được vẽ lên những bức tranh đẹp sẽ hạn chế tối đa việc người dân làm bẩn tường, vứt rác bừa bãi", họa sĩ Bình chia sẻ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Thanh Việt, Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp, cho biết, công trình bích hoạ là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975- 10/3/2025); chào mừng Lễ hội cà phê Buôn ma Thuột lần thứ 9/2025. Đây cũng là điểm nhấn du lịch để góp phần giới thiệu về văn hoá đặc sắc của dân tộc Ê Đê, đặc biệt là đội chiêng nữ Ê Đê Bih. Các phẩm tranh nghệ thuật cũng nhằm giới thiệu về thế mạnh kinh tế nông nghiệp của huyện Krông Ana…
Khánh Ngọc