Katharine Graham được biết tới như một "bà đầm thép" đầy quyền lực, là đại diện cho giới báo chí dám đứng lên nói sự thật và tìm sự công bằng cho mọi người.
Đứa trẻ thừa hưởng dòng máu báo chí
Katharine Meyer sinh năm 1917 trong một gia đình 5 anh chị em với cuộc sống thượng lưu giàu có ở trung tâm thành phố New York.
Cha bà là ông chủ ngân hàng, Chủ tịch của cục Dự trữ Liên bang sau trở thành Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, còn mẹ bà là một học giả, nhà ngoại giao kinh tế - xã hội xuất sắc, một nhà báo xuất chúng, tất bật với những bữa tiệc tùng và hội họp.
Và Katharine cùng anh chị em của mình gắn bó nhiều hơn với bảo mẫu, gia sư, quản gia.
Vào thời điểm giữa thế kỉ 20, phụ nữ không được ưu tiên cho những công việc như phóng viên báo chí hay biên tập viên. Nhưng bất chấp những luật lệ, sau khi tốt nghiệp Đại học, Katharine mạnh dạn ghi tên vào toà soạn San Francisco.
Có vẻ công việc của một nhà báo thời điểm ấy quá sức đối với Katharine, cô luôn trong trạng thái bị áp lực, stress và hạ thấp bản thân mình rằng "Tôi không thể làm được".
Katharine than thở với cha: "Con không thể bố ạ, con nghĩ mình là sự thất bại thảm hại của gia đình".
Và hơn ai hết, vị Chủ tịch đáng kính của Ngân hàng thế giới đã ôm cô vào lòng, khích lệ cô khiến một cô gái nhút nhát trở thành người đàn bà quyền lực bậc nhất truyền thông.
Năm 1933, trong một cuộc bán đấu giá các công ty sắp phá sản, cha của Katherine đã bỏ ra 820.000 USD để mua lại The Washington Post để khuyến khích con gái mình theo đuổi đam mê làm báo.
Katharine thôi việc ở San Francisco và quay về The Washington Post để phụ giúp cha mình.
Con đường trải hoa hồng đầy gai
Vào ngày 5/6/1940, Katharine kết hôn với Philip Graham - một luật sư tốt nghiệp trường Harvard và là thư kí cho Thẩm phán Tòa án tối cao Felix Frankfurter.
Và đây là khoảng thời gian hối hận lớn nhất của Katharine: Từ bỏ báo chí để trở thành một người phụ nữ của gia đình.
Khi doanh thu của The Washington Post rơi vào tình cảnh thê thảm, cha của Katharine quyết định trao quyền điều hành tờ báo cho con rể - anh Philip Graham.
Thời gian đã biến Philip Graham trở thành một người đàn ông thành công với tham vọng biến tờ The Washington Post thành tạp chí hàng đầu nước Mỹ.
Từng bước thành công, trong khi Phillip toả sáng trên khán đài danh vọng thì Katharine yếu ớt thu mình vào một góc, không được công nhận, không được coi trọng.
Nhưng, đáp lại sự hi sinh và lòng chung thủy của bà, ông Philip Graham ngày càng khinh thường, coi nhẹ và đối xử lạnh nhạt với Katharine, bà từng viết trong hồi ký của mình rằng: "So với Philip, tôi ngày càng trở nên thua kém và thấy bản thân mình giống như những cái đuôi đằng sau con diều vậy".
Vào đêm Giáng sinh năm 1962, Katharine đau đớn phát hiện ra chồng mình đang ngoại tình với Robin Webb, một nhà báo tự do của tờ Newsweek.
Ngay sau khi bí mật bị hé lộ, ông Graham trắng trợn tuyên bố sẽ ly dị vợ để đến với tình nhân, thậm chí còn yêu cầu Katharine chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần của tờ báo cho mình.
Nhưng biến cố lớn nhất xảy ra vào 1 năm sau, ông Philip Graham đã có những biểu hiện suy nhược thần kinh trong một cuộc họp báo ở Arizona.
Sự thật đau lòng hé lộ, Graham đã phải đối mặt với chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm nặng trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài với bà Katharine.
Tháng 8/1963, ông quyết định kết thúc cuộc đời mình bằng một khẩu súng ngắn trong chính căn biệt thự của gia đình, năm ấy Katharine 46 tuổi.
Quá đau buồn và suy sụp cùng gánh nặng con thơ và sản nghiệp của gia đình, gạt bỏ mọi định kiến của xã hội bấy giờ về người phụ nữ, Katharine mạnh mẽ nắm quyền Chủ tịch của The Washington Post, mặc cho những hoài nghi từ người ngoài và cả chính bản thân mình.
"Bà đầm thép" nắm trong tay 500 "gã khổng lồ" của ngành truyền thông
Mọi người đổ dồn sự hoài nghi về người phụ nữ yếu ớt vốn quen thuộc với bóng tối và bếp núc hơn là tài năng, nhiều cổ đông đã từ bỏ, nhiều người đã ra đi để lại cho Katharine ánh mắt khinh khi cùng nụ cười nhếch mép.
Và với những kinh nghiệm ít ỏi từ nhiều năm trước, bà Katharine bắt buộc phải học lại mọi thứ từ đầu.
Việc đầu tiên Katharine làm là học lại. Bà tìm hiểu thêm kiến thức quản lý, thương nghiệp, đàm phán, ngoại giao, máy móc và cả công nghệ.
Thất bại nhiều, đổ vỡ và cả sự thua lỗ, Katharine quyết định tìm cho The Washington Post một Tổng biên tập đủ tầm để gánh vác cùng bà sản nghiệp truyền thông.
Trong bế tắc, bà đã gặp nhà văn Lippmann - phóng viên, nhà bình luận chính trị người Mỹ nổi tiếng là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm Chiến tranh Lạnh, ông nói: "Ở News Week có một thiên tài, tên là Bradley".
Không do dự, Katharine lập tức mời Bradley đi ăn trưa. Trong bữa ăn bà đã hỏi ông ta thích vị trí nào ở Washington Post. Bradley cho rằng đây là một câu chyện đùa nên cười và nói: "Nếu là Tổng biên tập, tôi sẽ đồng ý ngồi vào". Và dĩ nhiên, điều ước của Bradley thành sự thực. Và đó quả là một quyết định sáng suốt.
Dưới sự chỉ huy của Bradley, tờ The Washington Post từ một tạp chí hạng bét đã thay da đổi thịt, lấy lại được tầm ảnh hưởng của mình bằng những thông tin chính xác, công bằng, nội dung chân thực và khách quan.
Khi một người phụ nữ làm tướng, họ sẽ có nhãn quan và cách ứng biến đầy tinh tế. Với phóng viên và biên tập, Katharine luôn lắng nghe và thăm hỏi các ý kiến của họ, luôn dũng cảm thừa nhận trách nhiệm của mình.
Trong những thời điểm khó khăn nhất, bà cũng làm việc thâu đêm, quên mình như những nhân viên khác mà không một lời trách móc.
Uy tín, vị trí và trách nhiệm của Katharine ngày càng được nâng cao trong tòa soạn và danh tiếng của bà cũng trở nên nổi bật trong giới truyền thông.
Thế nhưng, bước ngoặt khiến cho Katharine trở thành một "bà trùm thông tin" và đồng thời khiến cho tờ The Washington Post thực sự trở thành huyền thoại là sự kiện gây chấn động: Sự kiện Watergate năm 1972, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Bất chất sự khủng bố ngầm của chính quyền Nixon, bà Katherine vẫn quyết định điều tra sâu để phơi bày những tài liệu mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam lên trang nhất của hàng loạt số báo.
Ngoài ra, Washington Post còn phanh phui hành động "chơi xấu" của Đảng Cộng hòa cầm quyền khi đặt máy nghe lén nhằm phá hoại các hoạt động tranh cử của đảng đối lập.
Chính điều đó đã khiến Tổng thống Nixon bắt buộc phải từ chức.
Một năm sau, tờ The Wasington Post đã xuất sắc giành được giải thưởng Pulitzer, xác lập được địa vị của một tờ báo lớn ở nước Mỹ.
Thừa hưởng được sự khôn ngoan của cha, trí thông minh của mẹ, Katharine đã "lột xác" từ một người phụ nữ chỉ biết chăm lo cho nhà cửa, con cái thành một "bà đầm" đầy quyền lực, là đại diện cho giới báo chí dám đứng lên nói sự thật và tìm sự công bằng cho mọi người.
Nhân Ngày Báo chí Việt Nam (21/6), báo điện tử Người Đưa Tin xin gửi lời chúc tới những người đang và sẽ trở thành những nhà báo luôn hạnh phúc, luôn có cái tâm sáng và ngòi bút sắc bén.
Nghề báo luôn gắn với vinh quang và không ít nhọc nhằn. Những nhà báo chân chính vẫn luôn làm cho nghề báo trở thành một nghề đáng trân trọng và tự hào.
Minh Anh