'Huyền thoại' làng săn bắn bằng nỏ giữa lòng Thủ đô

'Huyền thoại' làng săn bắn bằng nỏ giữa lòng Thủ đô

Thứ 6, 24/05/2013 15:11

Tưởng chừng, chuyện săn bắn chỉ có ở những vùng sâu vùng xa. Thế nhưng ở giữa Thủ đô Hà Nội có một vùng đất người dân vẫn sử dụng nỏ trong cuộc sống thường ngày. Đó là ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì.

Mũi tên hạ gục gấu dữ

Chúng tôi phải leo qua những con đường đầy ổ trâu, ổ bò lổm ngổm, leo qua những dốc đá lô nhô mới tới được bản người Dao duy nhất của Hà Nội. Tuy là một xã của Thủ đô nhưng Hợp Nhất vẫn giữ được những nét hoang sơ của miền sơn cước. Ngôi nhà sàn đơn nằm khép mình trên các quả đồi vẫn bình dị như những con người nơi đây. Ở đây, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó có việc sử dụng dụng cụ nỏ cổ truyền.

Cụ Dương Đức Tiến - được coi như già làng của thôn Hợp Nhất kể về thời huy hoàng của những chiếc nỏ: "Mấy chục năm trước, nơi đây vẫn là một vùng núi rừng hoang sơ, rậm rạp. Chính vì vậy, những chiếc nỏ này là vật bất ly thân và là vũ khí duy nhất để người dân săn bắn và bảo vệ mùa màng".

Theo cụ Tiến thì, cũng nhờ những chiếc nỏ này mà người dân địa phương đã "hạ" được rất nhiều thú dữ. Người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in những câu chuyện oai hùng của các thợ săn "huyền thoại".

Ngày ấy, Ba Vì còn xuất hiện nhiều loại thú dữ như hổ, báo, gấu… xuống nương phá hoại mùa màng của người dân. Thấy vậy, anh thanh niên tên Dương Hữu Vượng - người có tài săn bắn nhất làng đã băng rừng, vượt núi phăng phăng đi diệt mãnh thú. Vào một buổi tờ mờ sáng, anh khoác lên mình chiếc nỏ quen thuộc rồi men qua con đường lên nương nhà mình.

Khi phát hiện con gấu đang bẻ ngô của một người hàng xóm, anh Vượng phục kích, chờ cho gấu đến gần nơi anh ẩn nấp, mới nhanh tay rút chiếc nỏ đã tẩm thuốc độc, bắn hạ ác thú. Con gấu bị trúng tên độc bỏ chạy, anh đã cùng dân làng lần theo dấu vết máu. Cuối cùng, sau nhiều ngày kiên trì tìm kiếm, cả làng đã bắt được con gấu bị thương, trên 100kg. Bắt được gấu, cả làng mổ ra liên hoan, riêng anh Vượng được chia thêm một cái chân gấu theo quy định của làng. Khi con gấu bị tiêu diệt, hoa màu của bà con không còn bị tàn phá nữa.

Miền bắc - 'Huyền thoại' làng săn bắn bằng nỏ giữa lòng Thủ đô

Ông Triệu Quang Hòa được mệnh danh là thợ làm nỏ chuẩn nhất vùng

Với người dân Hợp Nhất, chiếc nỏ không đơn giản là để săn thú, nó còn góp công vào việc giết giặc cứu nước. Đó là những năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), giặc đóng quân ở nhiều nơi trên địa bàn Ba Vì. Quân đội Pháp được trang bị hùng hậu tới tận răng, nào là súng ống, lựu đạn, xe tăng. Người dân bản Hợp Nhất đã thành lập các đội du kích ẩn nấp sâu trong rừng đánh tỉa quân đội địch. Mặc dù được trang bị vũ khí tối tân nhưng chúng luôn khiếp vía với những mũi tên bí mật bay ra từ một khu rừng.

Đi qua các nơi có bụi rậm, rừng cây là nỗi khiếp đản đối với chúng. Người dân bản Hợp Nhất vẫn luôn tự hào về chiến công của cụ Triệu Tài Lạt. Cụ Lạt, hồi kháng chiến chống Pháp là một anh lính du kích vô cùng thiện chiến với thứ vũ khí duy nhất là chiếc nỏ. Chiếc nỏ đơn sơ với mũi tên bằng tre được tẩm độc, cụ Lát cứ thoắt ẩn thoắt hiện bắn tỉa quân địch. Nhiều tên giặc Pháp cao to được trang bị vũ khí hiện đại đã phải bỏ mạng nơi đồng rừng này chỉ bằng một mũi tên tre của cụ.

Báu vật giữ nhà

Để tìm hiểu về việc sử dụng những chiếc nỏ truyền thống, chúng tôi được những người dân giới thiệu đến gặp ông Triệu Quang Hòa, người làm được nhiều chiếc nỏ "chuẩn" (tức chất lượng - PV) nhất vùng.

Ông Hòa đang lúi húi vót những chiếc mũi tên bằng tre nhọn hoắt. Thấy có nhà báo đến tìm hiểu về việc làm nỏ, ông Hòa hào hứng dẫn chúng tôi lên nhà chỉ vào bức vách khoe: "Đây là một chiếc nỏ cổ của cha ông để lại, tôi đã gìn giữ được hàng chục năm nay".

Ông Hòa cho biết: Việc chế tạo ra những chiếc nỏ đòi hỏi khá kỳ công. Trước tiên, người thợ làm nỏ phải tìm cho bằng được loại gỗ của cây má (cây vàng anh) rồi đem xẻ và bào cho thật nhẵn. Việc ghép thân nỏ cũng đòi hỏi phải có sự tỷ mẩn và cẩn thận. Người làm nỏ phải tính toán nơi tiếp xúc của chạc nỏ mới tạo được tính chính xác khi bắn, tiếp theo là công đoạn tạo dây cung. Để làm được loại dây này, họ phải vào trong rừng nhiều ngày lựa chọn loại dây gai chắc, mập và khỏe. Người thợ làm nỏ phải tết cả một bó cây gai mới tạo được dây cung như ý. Một trong những khó khăn nữa của việc làm nỏ là phải tạo được những chiếc tên chính xác. Chiếc tên được làm từ những loại cây giang có sẵn trong rừng. Khi làm tên, người ta phải chọn loại giang có thân dài, chắc và vót nhọn cho vừa với cây cung.

Các cụ già trong làng cho rằng: Trước đây, người dân khi sử dụng nỏ săn bắn còn tẩm độc vào đầu mũi để tăng thêm tính thương vong cho con thú, con mồi. Những mũi tên được tẩm độc chỉ cần làm trầy xước da, con vật cũng có thể mất mạng. Bây giờ, người dân cũng không còn vào rừng săn bắn nữa. Họ cũng không dùng loại độc dược nguy hiểm để tẩm vào mũi tên nữa. Một số hộ trong làng vẫn thi thoảng làm nỏ để bán, nhưng càng ngày người ta càng ít dùng đến nỏ. "Chúng tôi chủ yếu treo nỏ trong nhà như là minh chứng về một ngôi làng săn bắn vàng son thuở nào. Những chiếc nỏ của người Dao ở Hợp Nhất giờ đây giống như một báu vật thiêng liêng trang trí trong nhà đơn sơ mà vẫn mang đậm chất oai hùng ở chốn rừng thiêng này" - ông Hoà nói.

Các hộ vẫn luôn dành một vị trí trang trọng trong nhà để treo chiếc nỏ này, thể hiện sự tôn nghiêm và uy dũng của dân tộc. Bất kỳ tên trộm nào nhìn thấy chiếc nỏ cũng phải khiếp vía. Tương truyền rằng, có kẻ trộm từ nơi khác đến định "khoắng" đồ của gia chủ đã bị tên của nỏ làm què chân. Từ đó, kẻ trộm không dám đến trộm đồ của người dân trong vùng. Trong xã hội văn minh, người dân nơi đây đã hướng đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Họ thường đem chiếc nỏ của mình, của gia đình ra thi đấu với nhiều người của nhiều dân tộc khác tại các cuộc thi thể thao dân tộc thiểu số của Hà Nội và toàn quốc. Những vận động viên của thôn Hợp Nhất đã khiến nhiều tay nỏ thiện xạ khắp nơi phải "ngả mũ" kính phục.

Người dân không vào rừng săn bắn nữa

Ông Triệu Quý Thanh, Trưởng thôn Hợp Nhất xác nhận: Cả thôn có khoảng 120 hộ gia đình, thì có đến 100 hộ vẫn sử dụng nỏ trong cuộc sống thường ngày. Khi Nhà nước chưa cấm săn bắn, họ vẫn sử dụng những chiếc nỏ này vào rừng để săn thú rừng. Tuy nhiên, khi rừng Ba Vì trở thành rừng quốc gia, người dân không còn vào rừng săn bắn nữa, họ chỉ dùng chiếc nỏ này để bắn chuột hay chim chóc phá hoại hoa màu trong vườn. Thỉnh thoảng họ cũng dùng nỏ để bắn gà nhà mình khi không đuổi bắt được.

Thế Hoàng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.