Có ông, người ta sẽ không còn có thể cho du khách ăn đuôi chuột nướng và uống trà thuốc chuột hay rượu máu chuột nữa. Cà vạt chuột, tách chuột, áo thun chuột cũng sẽ biến mất. Ngay vở kịch người bắt chuột được trình diễn lộ thiên vào mỗi chủ nhật cũng sẽ thuộc về quá khứ chứ đừng bàn đến nhạc kịch mang tên "Rats".
Người bắt chuột ở Hameln. Ảnh: Flickr.
Thành phố ở về phía Tây Nam của Hannover trong miền Bắc nước Đức có đến 5 người bắt chuột chính thức. Nhưng họ không đuổi chuột ra khỏi thành phố mà lại dẫn du khách đi tham quan nội thành. Nhiều người Nhật còn biết rõ Hameln hơn cả cổng Brandenburg ở Berlin nữa. Thành quả của quảng bá đấy. Hằng năm, trên 2 triệu du khách trong ngày đổ về thành phố có chưa đến 60.000 dân này: Đến chuột cũng phải bỏ chạy nếu như vẫn còn sót lại chú nào (chuột thật chứ không phải chuột giả).
Trong khi đó thì tất cả chỉ là trò bịp mà thôi. Một chuyện có thật, đã xảy ra tại Hameln trong thế kỷ 13 được kết nối với đại nạn chuột 300 năm sau đó. Dòng chữ khắc lại trên "căn nhà của người bắt chuột" thuật lại rằng năm 1284 có một người thổi tiêu mang y phục sặc sỡ đã dẫn 130 trẻ em của thành phố bỏ đi mất. Có lẽ ông ta là một người lạ đến để khuyến dụ người dân Hameln bỏ làng đi lập nghiệp trong miền đất mới ở phía Đông.
Chẳng có một từ nào nói về người bắt chuột cả. Thế nhưng chậm nhất là từ thời của anh em Grimm viết truyện cổ tích thì người thổi tiêu đã hòa nhập với người bắt chuột trở thành một nhân vật duy nhất: Người bắt chuột ở Hameln. Bị hội đồng thành phố quỵt khoản tiền công sau khi dìm những con vật gây phiền hà xuống dòng sông Weser, ông ta đã thổi tiêu dẫn 130 trẻ em của Hameln ra khỏi thành phố để trả thù, và chúng không bao giờ quay trở về nữa. Câu chuyện này của anh em Grimm có lẽ là một trong số những huyền thoại Đức được biết đến nhiều nhất, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Và điều rất dễ hiểu là Hameln ngày nay thuộc trong số các điểm đến của tuyến du lịch "Đường cổ tích" theo dấu vết của anh em Grimm.
Nhà người bắt chuột ở Hameln. Ảnh: Isi Brehmer/Fotocommunity.
Người ta cho rằng vì từ Stadtkinder trong tiếng Đức vừa có nghĩa là trẻ em của thành phố mà cũng có thể hiểu là những người con của thành phố (người lớn, không phải trẻ em mà cũng không phải chuột) nên mới có sự (cố ý) nhầm lẫn. Nhưng mà thôi, tìm hiểu cặn kẻ quá thì còn gì là huyền thoại hư hư thật thật nữa.
Không hiểu bây giờ nếu có ai nghịch ngợm dám cả gan mang tiêu ra thổi trên đường Bungelosen thì sẽ ra sao nhỉ? Những đứa bé của Hameln đã đi trên con đường này qua cổng Phục Sinh (Ostertor) ra ngoài thành phố, và sau đó âm nhạc vĩnh viễn không còn được phép vang lên trên "con đường không có âm thanh" đấy. Cho đến ngày nay vẫn còn cấm.
Hameln và Kiến trúc Phục Hưng Weser. Ảnh: Rolf Grundke/Fotocommunity.
Nhưng câu chuyện cũng có mặt tốt của nó. Nếu không có huyền thoại này thì có lẽ người ta sẽ chẳng bao giờ đến thăm thành phố, chẳng bao giờ biết đến những kiến trúc phi tôn giáo tuyệt đẹp trên đường Phục Sinh (Osterstraße) theo một phong cách rất riêng biệt mà các sử gia nghệ thuật gọi đó là Kiến trúc Phục Hưng Weser: Những tòa nhà có cổng cung tròn, đầu hồi xoắn ốc, nhiều dãy hoa văn trang trí, cửa sổ lồi có chạm trổ điêu khắc với những mặt nạ, đường dây hoa chạm nổi và đầu sư tử. Nổi bật nhất là gian nhà ngày nay dùng làm Bảo tàng thành phố, thuật lại – biết rồi – huyền thoại của người bắt chuột, nhưng cảm ơn trời là không chỉ câu chuyện đó và căn nhà của người bắt chuột xây năm 1603 mang tên như thế đơn giản cũng chỉ vì có dòng chữ khắc như thế thôi.
Đường Phục Sinh (Osterstraße). Ảnh: Adam J. Pisula/Fotocommunity.
Trong các ngôi nhà thờ (không có chuột) của Hameln có thể nhìn ngắm nhiều phong cách xây dựng: thí dụ như từ Roman qua đến Baroque trong Nhà thờ lớn của Hameln.
Và nếu nhìn ngắm kiến trúc Phục Hưng Weser chưa thỏa mãn thì có thể đến Thành Hämelschen (Hämelschenburg) cách đó 8 km về phía nam. Lâu đài này là thí dụ điển hình cho phong cách Phục Hưng Weser: Một quần thể hình móng ngựa với 2 tháp thang 8 cạnh.
Lâu đài Hämelschenburg. Ảnh: Rolf Kurtz/Fotocommunity.
Bodenwerder có nhiều nhà cổ, cách Hameln 16 km ngược sông Weser, cũng đã học tập thành phố láng giềng. Vị nam tước nói dối Karl Friedrich Hieronymus von Münchhausen (1720-1797) đã sinh ra và qua đời tại đây. Tòa thị chính, nhà của Münchhausen ngày xưa, tất nhiên là cũng được xây theo lối Phục Hưng Weser. Và tất nhiên là người Bodenwerder cũng đang ra sức quảng bá cho người con nổi tiếng của thành phố. Thật ra thì ông Münchenhausen tuy đã đi đây đi đó rất nhiều và rất biết cách kể chuyện thu hút người nghe, nhưng những mẩu chuyện vô lý mà người ta truyền bá đi dưới tên của ông thì chưa bao giờ do chính ông kể lại cả. Không phải chỉ ở Hameln người ta mới thêu dệt để lôi cuốn du khách.
Nhạc kịch "chuột". Ảnh: Fotocommunity.
Phan Ba