Hàng trăm năm qua, các nhà khoa học, nhà thám hiểm đã tìm đủ mọi cách để săn tìm, lý giải sự tồn tại của loài bò này nhưng kết quả thu được vỏn vẹn chỉ gồm "vài trăm ký xương và một ít phim ảnh mù mờ". Tại Việt Nam, sự hiện diện của Bò xám cũng luôn là điều bí ẩn thách đố sự kiên trì đối với bất cứ ai muốn biết về chúng.
Hình ảnh Bò xám, con vật bí ẩn của đất nước Campuchia.
"Quái vật" bí ẩn giữa đại ngàn
Không chỉ được vinh danh với các công trình khoa học nghiên cứu về "cụ Rùa", PGS. TS Hà Đình Đức còn được biết đến là một giảng viên cao cấp, một chuyên gia có nhiều cống hiến cho việc bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.
Ít người biết rằng, PGS Hà Đình Đức cũng từng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu về nguồn tài nguyên động vật hoang dã của Việt Nam; tham gia 3 khóa huấn luyện quốc tế về quản lý, bảo tồn, nhân giống động vật hoang dã (tại Malaysia năm 1988 và Anh năm 1993)... Lần này, tôi may mắn được PGS kể cho nghe về hành trình truy tìm gốc tích "quái vật hồ Loch Ness Đông Nam Á" của giới khoa học cổ - kim, Đông - Tây. Đây là loại động vật đặc hữu, chỉ có ở các nước vùng Đông Nam Á và hầu như đã biến mất.
Theo PGS Đức, năm 1937, Giáo sư A.Urbain, Giám đốc Vườn Thú Vincennes (Paris, Pháp) đã phát hiện con bò rừng non bắt được ở tỉnh Preah Vihear đang nuôi ở đây là loài bò rừng mà các nhà khoa học phương Tây chưa từng biết đến. Ngay sau thời điểm đó, tại biên giới Việt Nam, Campuchia và Thái Lan các nhà khoa học phương Tây đã có nhiều cuộc tranh luận về loài Bò xám. Nó hoàn toàn khác với hai loài bò rừng phổ biến ở rừng núi Đông Nam Á là bò Banteng và bò tót.
Phát hiện này thực sự đã gây lên một cơn đại địa chấn trong giới động vật học. GS A.Urbain đã mô tả và đặt tên khoa học cho "quái vật bí ẩn" là Bos Sauveli (Sauveli là tên Bác sĩ thú y Sauvel khi đó công tác ở Sài Gòn, người đã gửi tặng nó cho vườn thú này). Tên về loài bò này cũng lần đầu tiên được công bố trong tập san của Hội Động vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp ngày 27/12/1937.
Những tư liệu ít ỏi thu được đã thôi thúc đoàn thám hiểm tìm kiếm về loài "quái vật bí ẩn" giấu mình phía sau đại ngàn xa thẳm của vùng rừng núi Đông Dương. Mùa đông năm 1938 - 1939, Jean Delacour, lãnh đạo đoàn khảo sát Đông Dương lần thứ 7 cùng với những nhà khoa học hàng đầu đã sưu tầm được con Bò xám đực trưởng thành.
Những tranh luận về sự huyền bí của loài vật này cũng bắt đầu diễn ra. Không lâu sau, một nhà khoa học khác cũng đã tìm ra những sai khác cơ bản về hình thái của Kouprey với hai loài bò rừng khác đã biết ở Đông Dương. Sự sai khác đó ở phần dưới cẳng chân, đặc biệt về sừng và sọ, đuôi kéo dài. Chúng có vài đặc điểm quan hệ với loài bò Tây Tạng, một số điểm khác lại giống với loài bò và trâu nước Ấn Độ.
Tuy nhiên, trái với mong đợi của giới chuyên môn, việc truy tìm gốc tích của "quái vật" này rơi vào ngõ cụt khi chiến tranh nổ ra. Các nhà khoa học không thể tiến hành khảo sát Kouprey ngoài thiên nhiên. Nghiên cứu chỉ được thực hiện dựa trên cơ sở ghi chép của những nhà khoa học trước đó.
Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, đến năm 1951, nhà động vật học trẻ tuổi người Mỹ Charles Wharton được sự tài trợ của tổ chức từ thiện Coolidge Foundation nghiên cứu về Đông Nam Á đã tiến hành nghiên cứu loài Kouprey ở Đông Dương. Ông đã được Đại sứ Campuchia tại Washington D.C là Nong Kimy cấp cho một đội bảo vệ và trang bị để tiến hành chuyến khảo sát. Chuyên gia này cũng nhận được sự giúp đỡ của GS A.Urbain và Bác sĩ Sauvel ở Paris và sự quan tâm của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên.
Charles Wharton đến Sài Gòn ngày 3/12/1951. Trong khi chờ đợi Samuel Simmon, ông cùng với M. Aim Place (con của một thợ săn nổi tiếng) đã tiến hành 9 ngày khảo sát vùng núi nơi loài bò tót sinh sống ở miền Nam Việt Nam. Đoàn cũng tiến hành khảo sát ở miền Bắc và Đông Campuchia, được coi là lãnh địa của "quái vật" này. Mục đích sưu tầm những cây thức ăn của trâu bò rừng ở các khu rừng thưa, các mẫu đất chứa muối, các loài ong, ruồi đốt trâu bò, các loài ký sinh trùng trâu bò và hươu nai. Đoàn khảo sát đã gặp 6 đàn Kouprey khác nhau, nhưng chỉ quay phim được một đàn.
PGS Hà Đình Đức.
Gian nan hành trình truy tìm quái vật
Cũng theo lời kể của PGS Hà Đình Đức, Wharton ước tính có khoảng 400 - 500 cá thể ở phía Tây sông Mêkông, 200 - 300 con ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lomphat và 50 con ở huyện Samrong tỉnh Kratie (Campuchia). Năm 1957, ông xuất bản cuốn Nghiên cứu sinh thái Kouprey. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu đầy đủ về loài bò này. Các nhà khoa học ghi nhận Kouprey là tổ tiên của bò nhà ở kỷ Pleistocene (kỷ băng hà), chúng có nhiều khả năng về di truyền để cải tạo đàn bò nhà.
Năm 1964, nhà động vật học Wharton đã gửi tặng Quốc vương Norodom Sihanouk đoạn phim ghi được hình ảnh Kouprey ngoài thiên nhiên. Cùng thời gian này, ở vườn thượng uyển đang nuôi một con Kouprey non. Quốc vương Norodom Sihanouk quyết định công ra thông báo, chọn các vùng Kulen Prum Tep, Lomphat và Phnom Prich là nơi bảo tồn động vật hoang dã dành cho Kouprey.
PGS Hà Đình Đức cũng cho biết, Bò xám được khoa học ghi nhận là tổ tiên của bò nhà ở kỷ băng hà, có giá trị kinh tế và tiềm năng di truyền cho đàn bò nhà. Không những thế, chúng còn có giá trị văn hóa. Nhà sinh vật học người Anh James McKinnon từng nói: "Tìm kiếm Bò xám giống như đi tìm kiếm người Tuyết hay giống vật chân khổng lồ. Nó là con vật cực kỳ hiếm và bị bao phủ bởi bức màn huyền bí của hàng chục năm chiến tranh và trở thành một biểu tượng riêng biệt cho công cuộc bảo vệ ở Đông Dương".
Ký giả Steve Hendrix từng miêu tả thời khắc đó trong "Cuộc truy lùng Kouprey": "Tất cả đều diễn ra hết sức tồi tệ, kể cả khi bắt được Bò xám gần như đã nắm chắc thành công. Rốt cuộc, khoa học chỉ thu thập được vài trăm kilôgam xương và quay được ít đoạn phim". Các đoàn khoa học quốc tế từng cưỡi voi hay máy bay, đi bộ luồn rừng qua những vùng đất khô nóng, khắc nghiệt, bệnh tật, mìn chôn trong đất, họng súng... và đau đớn hơn tất cả - là sự thất bại sờ sờ khi nhiều lần nhìn thấy dấu chân bò còn mới nguyên nhưng các cuộc bắt giữ nó đều bất thành. Vì thế, cho đến nay gốc tích về "quái vật hồ Loch Ness của Đông Nam Á" vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải..
"Chén đắng" có thể mang lại lợi ích hàng tỷ đô la Theo ông Noel Vietmayer, một chuyên gia đánh giá về giá trị của các loài động vật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, Bò xám có thể là nguồn gen có giá trị nhất trên trái đất. "Trải qua hàng ngàn năm ở nơi sống khắc nghiệt nhất đã hun đúc nên nó. Nếu đem lai để nâng cao chất lượng của một nửa đàn bò nhà thì có thể mang lại lợi ích hàng tỷ đô la. Đó chỉ là sự ánh lên niềm hy vọng mong manh trong mắt chúng ta, bởi vì gần 40 năm nay chưa nhà khoa học nào trông thấy nó. Quả là chén đắng…", chuyên gia này khẳng định. |
Anh Đức - Thanh Xuân
Kỳ 2: Bất hạnh xung quanh hành trình truy tìm"quái vật huyền thoại"