Huyền thoại SBC với biệt tài bắt tội phạm

Huyền thoại SBC với biệt tài bắt tội phạm

Thứ 5, 25/04/2013 16:59

Những năm tháng loạn giặc dã, cướp bóc, thời cuộc đã chọn người con đất thép Củ Chi làm anh hùng. Với tư chất, bản lĩnh, đạo đức hơn người, từ rất sớm, anh chiến sĩ công an Mai Tài đã là niềm tin của dân lao động nghèo, trở thành "khắc tinh" của các loại tội phạm.

Và huyền thoại đó đã được con người ấy vẽ lên bằng những chiến công trong cuộc đấu tranh giành bình yên cho xóm làng qua hình ảnh một lương y tài ba, một ẩn sỹ đức độ...

Kỳ tài võ học

Giã từ hình ảnh anh công an sau mười mấy năm lăn lộn trong nguy hiểm với các loại tội phạm, Mai Tài (61 tuổi, ấp Bàu Sen, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) trở về đời thường trong vai một danh y, ẩn sĩ tài đức. Trông dáng vẻ mộc mạc đến chân quê của ông, ít ai ngờ rằng, ông là một cao thủ võ học còn sót lại trong thời cuộc này. Nhắc đến chuyện võ học, người được bệnh nhân gọi bằng thầy đã không còn hứng thú. Thế nên, cố gắng lắm, ông cũng chỉ cho biết: "Tôi sinh ra trong gia đình võ học. Cha và ông ngoại đều là những tay quyền cước nổi tiếng đất thép thời bấy giờ nên ngay từ nhỏ tôi đã được truyền thụ ít nhiều".

Tuy nhiên, việc anh thanh niên Mai Tài mê học võ, trở thành đệ tử chân truyền của những bậc danh sư võ học như: "Hùm xám miền Trung" Hà Trọng Sơn, võ sư Kim Sơn… là chuyện ai cũng biết. Kể lại niềm may mắn được hội kiến danh sư từng một thời bất bại trên các lôi đài Bắc - Trung - Nam Hà Trọng Sơn, lương y Mai Tài chia sẻ: "Trong lúc nhận nhiệm vụ bảo vệ tàu Thống Nhất, tôi không ít lần chạm trán với những tay đao búa bám tàu kiếm sống.

Trong những lần đối mặt như vậy, tôi đều là người chiến thắng nên cũng được một số "anh hùng hảo hán" cùng thời coi trọng. Một lần ngồi uống nước với đồng nghiệp trong quán, tôi gặp võ sư Hà Trọng Sơn. Khi ấy, tiếng tăm, nghiệp võ ông đã thịnh lắm, ai cũng muốn được ông thu nhận làm đệ tử. Hôm ấy, tôi cũng không biết mình đang nói chuyện với ai, có lẽ nghe đồng nghiệp gọi tên tôi nên võ sư từ bàn bên cạnh hỏi với sang: "Chú là Mai Tài hả?". Tôi dạ một tiếng và gật đầu chào. Ông tiếp: "Có muốn học võ với ta không. Nhưng học là để bắt cướp, bảo vệ người dân mới được đó nha". Khi ấy, tôi vẫn chưa biết đó là võ sư nổi tiếng khắp vùng đất miền Trung, trước mắt tôi chỉ thấy một anh trung niên cao to vạm vỡ với đôi mắt quắc thước. Chỉ đến khi, mọi người đến vỗ vai chúc mừng thì tôi mới biết mình trở thành đệ tử của ông Hà Trọng Sơn.

Vốn là một anh hùng mã thượng, võ sư Hà Trọng Sơn chú tâm rèn tâm đức trước khi trao hết toàn bộ bí kíp võ học một thời cho đệ tử ruột. Nhớ lại những ngày theo chân thầy, lương y Mai Tài cho biết: "Đó là những tháng ngày trui rèn về tâm, đức và võ. Ngoài việc thượng đài tập luyện mỗi ngày, tôi luôn được nghe thầy giảng dạy về chữ tâm trong nghiệp võ". Vốn tư chất hơn người, vững căn cơ từ nhỏ, chẳng bao lâu sau, cái tên Mai Tài liên tục được vinh danh trên mọi lôi đài trong nước…

Xã hội - Huyền thoại SBC với biệt tài bắt tội phạm

Lương y, ẩn sĩ Mai Tài bên tư trang tại Củ Chi

Biệt tài "bắt nguội" tội phạm

Sau 13 năm bảo vệ đoàn tàu Thống Nhất, Mai Tài được giao nhiệm vụ tại đội săn bắt cướp - SBC TP.HCM. Tại đây, tên tuổi của anh lại được biết đến với biệt tài "bắt nguội". Lý giải việc này, ông cho biết: "Gọi là "bắt nguội" vì khi ấy tôi bắt mà đối tượng không biết, không hay và không ngờ mình bị bắt. Nhiều lần chúng còn hỏi: "Tôi gây án đến cả ma quỷ còn không hay, sao mà anh biết hay vậy?". Từ những vụ như vậy, bọn cướp rất nể sợ tôi". Tuy nhiên, theo ông, cái để tội phạm nể sợ nhất chính là tình thương dành cho những con người lầm đường lạc lối này. Ông quan niệm, đã sai phải đánh, phải phạt nhưng quan trọng hơn là làm sao cho họ nhận ra cái sai và giúp họ hướng thiện. Thế  nên, mỗi lần bắt là mỗi lần ông đặt nặng việc cảm hóa tội phạm.

Ông khẳng định: "Rất nhiều người sau khi bị tôi bắt và trốn trại thành công, nghe đến tên Mai Tài nắm chuyên án bắt mình đã tự động tìm đến tự thú. Hỏi ra, những đối tượng này nói: "Những lần trước bắt tôi, anh toàn đi một mình, có súng và chúng tôi cũng chống trả, cũng muốn hạ gục anh. Nhưng anh không bao giờ rút súng bắn về phía chúng tôi, nếu muốn, anh đã giết những người như tôi hàng trăm lần rồi". Với cách thức trên, ông đã không ít lần đưa những con người lầm lạc quay về chính đạo.

Chia sẻ việc hành động đơn thương độc mã trên đường săn bắt cướp, ông nói: "Khi chuẩn bị bắt một đối tượng nào, tôi phải dày công tìm hiểu tất cả mọi thông tin về họ. Thậm chí, tôi tìm đến gia đình, địa phương để xác minh. Khi đã hiểu, đã biết tính cách, nỗi niềm của người ta thì không cần phải nhiều người hay dùng cần vũ lực đến bắt nữa. Có khi chỉ cần dùng lời nói, họ cũng đã đầu hàng. Cũng bằng cách này, tôi đã cảm hóa và xây dựng cho mình một mạng lưới cơ sở từ người dân rất chặt chẽ, tin cậy. Thế nên, hiếm khi những người đã bị tôi "nhắm" mà có thể thoát được".

Một trong những kỷ niệm khó quên nhất đối với công tác cảm hóa tội phạm là việc ông giáo dục thành công "Long đầu máy". Được biết, Long chuyên cướp, trấn lột và có biệt tài nhảy lên tàu từ vị trí đầu máy dù tàu chạy ở bất kỳ tốc độ nào.  Sau nhiều lần bị bắt và trốn trại thành công, cái tên "Long đầu máy" đã trở thành nỗi khiếp đảm của mọi hành khách đi tàu Thống Nhất. Hơn thế, sau ngày vào tù ra khám, "Long đầu máy" không hoạt động liều lĩnh, manh động đơn độc mà thâu tóm một lượng lớn đàn em sẵn sàng "thổi bay" mọi chướng ngại trong nghề cướp tàu. Tuy nhiên, sau nhiều lần chạm trán "Tài đô" (biệt danh của Mai Tài), Long luôn là kẻ thua cuộc. Biết việc nhà Long còn có cha mẹ già còm cõi, chỉ sống bằng những đồng tiền từ đứa con mà ông bà tin rằng "nó đang làm thuê trên tàu Thống Nhất", Mai Tài đều khuyên nhủ và cho tiền Long mỗi lần ra trại.

"Long đầu máy" bị Mai Tài bắt nhiều đến độ không kể xiết. Lần cuối cùng "Long đầu máy" bị Mai Tài bắt, hắn đã nói rằng: "Sau lần này, tôi đi làm việc khác, chứ ông còn bảo vệ đoàn tàu, tôi không có đất làm ăn". Vậy là, "Long đầu máy" hoàn lương trong sự ngỡ ngàng, xen lẫn mừng vui của cha mẹ hắn. Rồi "Long đầu máy" cũng bắt đầu yêu, yêu một cô gái bán thuốc lá ở cầu Bà Xếp. Người yêu hắn có thai mà hắn thì nghèo không tiền cưới vợ, hắn đến khóc với Mai Tài: "Con nghèo quá, không tiền cưới vợ, giờ người ta có thai mà con không cưới, con đúng là kẻ bất lương".

Trước nỗi khốn khó của một tên tội phạm khét tiếng dần thấm sự cảm hóa của mình, Mai Tài lặng lẽ tìm gặp tay chân của Long ngỏ ý quyên tiền góp sức tổ chức lễ cưới cho "đại ca". Ngày lễ cưới diễn ra, pháo nổ vang một góc trời Gò Vấp, "Long đầu máy" lao đến ôm ân nhân đưa mình về lẽ phải. Từ ngày đó, Long giải tán đàn em, khuyên chúng về nhà làm ăn lương thiện.

Nay, giã từ nghiệp bắt cướp, Mai Tài gác luôn nghề võ quyết tâm theo nghề thuốc cứu người. Trả lời phóng viên về những lo lắng tuyệt kỹ võ công sẽ thất truyền cũng như nguyên nhân chọn nghề thuốc, lương y Mai Tài tâm sự: "Võ biền thô bạo chỉ gây nghiệp cho mình cho người, nghề thuốc thì khác, không chỉ cứu mình mà cứu đời đó mới là lựa chọn sáng hơn". Với triết lý sống trên, ông đã theo học một lương y nổi tiếng ở miền Trung và giành hơn 5 năm lấy chứng chỉ Đông y trên giảng đường đại học. Hiện nay, ngoài việc khám chữa bệnh cho mọi người, ông sống cuộc đời đạm bạc như một ẩn sĩ, tịnh tâm hướng Phật tại tư trang của mình trên đất thép.                             

Trận đánh đi vào huyền thoại

Một trong những chiến công đã đi vào huyền thoại của anh công an Mai Tài là trận đánh sinh tử kéo dài ba tiếng đồng hồ trên nóc tàu Thống Nhất vào tháng 3/1979. Trong trận này, bọn tội phạm sống bám đoàn tàu đã lên kế hoạch thủ tiêu anh công an trẻ nhiều lần trấn áp việc cướp bóc của chúng. Hơn ba tiếng đồng hồ, Mai Tài chỉ với tay không đã dũng cảm chống lại vòng vây trùng điệp của bọn tội phạm trên nóc 10 toa tàu và không để một tên nào thương vong, tử nạn. Trận đánh này về sau được nhiều người nhận định là "có một không hai".

Hà Nguyễn - Suối Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.