Trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngoài việc Trung Quốc bị các cường quốc qua phân, các võ sĩ phương Tây và Nhật Bản cũng thừa dịp đứng ra thách đấu với các võ sư người Hoa và đa số giành chiến thắng trước những võ sư Trung Quốc. Trong số những kẻ đứng ra khiêu chiến giới võ thuật Trung Hoa có người đã đề tặng bốn chữ "Đông Á bệnh phu" (Người bệnh Đông Á) mang đầy ý nghĩa chế nhạo lẫn khiêu khích các võ sĩ người Hoa khiến họ cảm thấy rất nhục nhã.
Qua việc võ sư Hoắc Nguyên Giáp chiến thắng trong một số trận đấu tiêu biểu với người nước ngoài, võ lâm Trung Hoa dần dần lấy lại danh dự và ông được tôn là người giỏi nhất Thiên Tân. Hoắc Nguyên Giáp nhanh chóng trở thành một huyền thoại trong giới võ thuật Trung Quốc. Nhiều giai thoại được gán cho ông như một biểu hiện của lòng tự hào dân tộc của người Trung Quốc trong thời kỳ Thanh mạt.
Tuy nhiên, việc Hoắc Nguyên Giáp bất ngờ qua đời ngày 9/8/1910, chưa đầy ba tháng sau trận tỉ thí cuối cùng đã làm phát sinh nhiều giai thoại cho rằng ông bị hạ độc thủ bởi sự ganh ghét của các võ sư nước ngoài. Một trong những giai thoại phổ biến nhất căn cứ vào sự kiện trước khi chết, Hoắc Nguyên Giáp từng tham gia thi đấu với các võ sĩ Judo Nhật Bản và có đả thương vài người trong số họ. Về sau, khi chính Hoắc Nguyên Giáp bị ho ra máu, chính giáo đầu của các võ sĩ này lại giới thiệu Hoắc Nguyên Giáp đến khám tại một bác sĩ Nhật Bản.
Chính tại đây, bác sĩ người Nhật có tên Akino đã cho Hoắc Nguyên Giáp uống một loại thuốc bề ngoài là bổ phổi nhưng thực chất là thuốc độc tàn phá phổi của ông.
Trong cuốn Tinh võ bản ký của Trần Thiết Sinh có viết: “Buổi sáng sau hôm võ sư Hoắc Nguyên Giáp qua đời, bác sĩ Akino người Nhật Bản đã tìm cách tiêu huỷ mọi thứ liên quan, các đệ tử của võ sư nghi ngờ, tiến hành kiểm tra và phát hiện thuốc mà Akino sử dụng để điều trị cho võ sư là một loại thuốc làm hỏng phổi một cách từ từ”.
Tuy nhiên, rất nhiều người lại cho rằng nội dung cuốn sách đó đang hướng thế hệ sau tới những suy nghĩ sai lầm. Những bài thuốc dân gian cũng như y học thời kỳ đó không có loại thuốc nào là “thuốc hại phổi”.
Theo các tài liệu đáng tin cậy, trong những năm cuối đời, ngoài bệnh hen suyễn mãn tính và sốt vàng da, Hoắc Nguyên Giáp còn mắc bệnh lao, một chứng bệnh nan y thời bấy giờ. Theo Trần Công Triết, một đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp, thì chỉ sau vài tháng thành lập Tinh Võ thể dục hội, Hoắc Nguyên Giáp bắt đầu ho ra máu.
Các thầy thuốc Trung y đã kê cho ông nhiều toa thuốc khác nhau, nhưng sức khỏe của Hoắc Nguyên Giáp tiếp tục xấu đi. Cuối cùng Hoắc Nguyên Giáp phải vào Bệnh viện Chữ thập đỏ Thượng Hải để chữa trị, nhưng ông vẫn không thể qua khỏi và từ trận chỉ hai tuần sau đó.
Báo cáo về cái chết của Hoắc Nguyên Giáp hiện vẫn còn lưu lại trong hồ sơ của Bệnh viện Chữ thập đỏ Thượng Hải. Nguyên nhân dẫn tới tử vong là do viêm gan cấp tính và suy thận. Cái chết của Hoắc Nguyên Giáp có thể tóm gọn lại là: bệnh đột ngột tái phát – cứu chữa không kịp – qua đời” .
Năm 1989, Hoắc Nguyên Giáp được cải táng. Một số thông tin cho rằng đã phát hiện các dấu tích của việc nhiễm độc thạch tín (tên khoa học: Arsenic trioxide) trên hài cốt. Tuy nhiên, điều này cũng không thể khẳng định được cái chết của ông là do ám sát bằng cách đầu độc. Đơn giản là Arsenic trioxide trong Trung y cũng được xem như một thành phần trong các bài thuốc Trung y cổ truyền mà rất có thể Hoắc Nguyên Giáp đã sử dụng trong một thời gian rất dài để điều trị các chứng bệnh của mình.
Quốc Tiệp (t/h)