Bộ kinh Phật với khoảng 2.000 mộc bản được khắc trên gỗ thị ghi lại những giáo lý và nguyên tắc tu hành vẫn được bảo quản nguyên vẹn sau 300 năm. Khu vườn tháp nghìn tuổi là nơi an nghỉ của các thế hệ cao tăng trong chùa, những truyền thuyết địa linh có liên quan…, là những nét mà chỉ riêng Bổ Đà tự mới có.
Chùa Bổ Đà nhìn từ trên xuống
Trường học dành cho giới tăng lữ miền Bắc
Rời thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) theo quốc lộ 1A đến Đình Trám, rẽ phải vào Bích Động, qua Bích Sơn, Ninh Sơn chừng 7 cây số là đến chùa Bổ. Ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng của đất Kinh Bắc xưa vẫn khiến người xem phải kinh ngạc vì vẻ mộc mạc và cổ kính hàng trăm năm, trải qua chiến tranh, bom đạn vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên bản của mình.
Trước khi đến chùa Bổ (cách người dân địa phương vẫn thường gọi tắt tên Bổ Đà), chúng tôi đã được một người bạn làm công tác nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu qua nhưng không ngờ chùa Bổ lại đẹp đến thế. Để vào được khuôn viên chùa, phải qua 3 lần cửa theo lối kiến trúc cổ truyền của làng Việt, vòm tròn, cửa gỗ, bên trên có khắc chữ "Bổ Đà tự". Tường bao quanh chùa được dựng bằng đất mộc, dày và vững chắc, ban đầu chỉ nhằm mục đích chống thú dữ xâm phạm. Qua thời gian, những bức tường đất sét trộn rơm rạ không những không bị hư hỏng mà càng thêm phần vững chắc, trở thành một nét đẹp mang tính cổ truyền mà ít nơi còn lưu giữ được.
Chùa Bổ còn có tên khác là chùa Quan Âm núi Bổ Đà. Đây là một trong 3 ngôi chùa duy nhất của phật giáo miền Bắc thờ Quan Âm Bồ Tát. Chùa nằm ở bắc chân núi Phượng Hoàng, thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Theo tính toán của các cụ, chùa được dựng ngay ở vị trí thiêng, nằm ngay trên ức con Phượng hoàng- là một trong tứ linh. Được xây dựng lần đầu vào đầu đời nhà Lý, đến đời nhà Lê thì được tu bổ lại, khang trang và đẹp hơn. Về sau, trải qua các đời vua lại thêm nhiều lần trùng tu nữa, cho nên kiến trúc hiện tại mà chùa còn bảo tồn được mang đậm dấu ấn của triều đại cuối cùng trong lịch sử Việt Nam là triều Nguyễn.
Người đến với Bổ Đà tự không thể bỏ qua cơ hội được chiêm ngưỡng bộ kinh Phật được xem là cổ nhất Việt Nam với khoảng 2.000 tấm ván khắc trên gỗ thị được bảo tồn nguyên vẹn.
Giới thiệu với chúng tôi, Đại đức trụ trì chùa tên tự Tục Vinh cho biết ngay sau khi dựng chùa (năm 1741- nhà Hậu Lê) các vị tổ sư đã có ý tưởng muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời cũng là một di vật Phật học đặc biệt để truyền lại cho đời sau. Lịch sử bộ kinh thực sự chỉ mới dừng ở trong vòng 300 năm chứ không phải nghìn năm như một số thông tin từ trước đến nay hay nhầm lẫn.
Chưa xác thực được có phải đây là bộ kinh cổ nhất Việt Nam hay không bởi những di tích Phật học ở đất Kinh Bắc cho đến giờ vẫn còn rất nhiều huyền bí và chưa khám phá hết, nhưng tính về quy mô, con số 2.000 mộc bản cũng đã là một di tích hiếm có. Mỗi tấm ván khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm.
Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng khoảng 250m² đất mới trải hết ra được. Chất liệu gỗ thị bền, đẹp, nhẹ và khá phổ biến trong việc dùng để khắc kinh, cho đến giờ, những chữ Hán khắc trên bia dù rất nhỏ vâén nguyên vẹn rõ nét, tinh xảo.
Bộ kinh đã tập trung được nhưng nét cơ bản của phật giáo Trung Hoa khi truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế- 4 chân lý kì diệu của đạo Phật gồm Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Mục đích của bộ kinh nhằm thuyết giảng và truyền lại những giáo lý cơ bản của quá trình tu hành. Ngay từ khi mới thành lập, Bổ Đà đã đảm nhiệm chức năng là một nơi đào tạo tăng sĩ cho các chùa chiền khu vực miền Bắc nên những giáo lý ở đây có thể xem là "chuẩn sư phạm" từ những giáo lý nhập môn cho tới những bài học chuyên sâu cho các vị tăng lữ cấp cao.
Vườn tháp ngàn năm tuổi
Một trong những nét đặc sắc của chùa Bổ mà du khách cũng không thể bỏ qua là vườn Tháp nghìn tuổi, là nơi yên nghỉ của 1.214 vị cao tăng đã từng tu hành tại chùa qua các thời kì.
Những người già kể lại rằng, cánh rừng lớn bao quanh chùa Bổ Đà có một góc gọi là rừng Trời ơi. Sở dĩ có tên này là vì một thời gian dài, ở đây rừng rú hoang sơ (thế kỷ IX, X). Cướp của giết người, nhất là khách bộ hành đi qua các khu rừng này, diễn ra thường xuyên. Những người dân thường nghe thấy tiếng kêu cứu và lời than: "Trời ơi!" vọng ra từ cánh rừng. Đó là tiếng kêu khẳng định sự rùng rợn của vùng đất hoang vu.
Chùa Bổ Đà sau này đã trấn giữ ngay cánh rừng đó. Với hàng ngàn sư, tiểu sinh sống và học tập Phật pháp tại đây, chùa còn là điểm đảm bảo an ninh. Thời Lý là một trong những thời kì hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam, chùa Bổ trở thành nơi đào tạo nhưng tăng sĩ, quan lại cho triều đình, vì vậy rất được ưu ái. Như vậy, xét ra, đây cũng là một trong những nơi đào tạo nên những người sẽ nắm giữ quyền lập pháp và hành pháp của chính quyền phong kiến xưa.
Bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2 là nơi tàng lưu xá lỵ, tro cốt nhục thân của các hòa thượng dòng thiền Lâm Tế. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây dựng một bức thành dài bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn luôn ở trong sự thanh tịch sâu lắng.
97 ngôi tháp chùa Bổ Đà đều được kiến tạo bằng chất liệu truyền thống: Xây bằng đá và gạch chỉ, mạch được bít bằng vôi trộn mật mía và bột giấy bản nên rất bền và mịn. Đa số các tháp đều có tên nhưng lâu năm, nét chữ mờ phai nên nay khó xác định chính xác hết. Trong lòng tháp thường đặt bia, bài vị ghi thời gian sinh và hóa nhục thân của các nhà sư nên mỗi ngôi tháp đều là những nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật phái Lâm Tế.
Đa số tháp trong vườn là tháp 3 - 4 tầng với độ cao 3-5m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa. Tuy ra đời cùng thời kỳ với kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhưng nội dung mộc bản chùa Bổ Đà lại hoàn toàn khác. Đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà cho biết: "Nếu như bộ kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm thuộc trường phái Đại Thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử thì bộ kinh khắc ở chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Quan Thế Âm Bồ Tát và các giới. Trong đó nội dung chính của những bản khắc ở đây là ba bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quý".
Ông Nguyễn Văn Phong, phó Giám đốc bảo tàng Bắc Giang cho biết: Những ván kinh khắc khổ lớn trong kho kinh chùa Bổ Đà còn in khắc các sớ điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư. Tỉnh Bắc Giang cũng đã có kế hoạch cụ thể cho việc nghiên cứu bảo tồn kho mộc bản tại chùa Bổ Đà, trong đó sẽ tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh số nghiên cứu và dịch thuật, mã hóa, đồng thời đề xuất các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Đỗ Huệ - Cao Tuân