Huyền tích thành hoàng đất Định Thủy
Khuất sau tán lá hàng cây bạch đàn cao vút, đình Rắn yên bình trong không khí trang nghiêm, cổ kính. Không có kiến trúc lộng lẫy, xa hoa, đình dân dã trong màu ngói đỏ, gạch tàu. Thế nhưng, giữa chốn thanh bình ấy lại chất chứa những câu chuyện mang giá trị tinh thần, văn hóa của người dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre.
Bà Phạm Thị Năm 82 tuổi, người hơn 30 năm gắn bó với ngôi đình cổ cho biết: "Cho đến nay, những câu chuyện ly kỳ xung quanh ngôi đình thiêng này vẫn được người dân lưu truyền, tin tưởng".
Theo lời bà, đình được xây cất cách đây đã hơn 150 năm. Đình ra đời cùng thời người dân bản xứ vào đất này khai hoang, lập ấp. Về nguồn gốc ngôi đình thiêng, bà Năm cho biết: "Người xưa kể rằng lúc khai hoang đất này, người ta thấy ở đây toàn rắn. Rắn quấn khắp nơi. Đặc biệt là ngay chỗ ngôi đình này. Linh thiêng hơn, trong đó có một cặp rắn thần khổng lồ thân to bằng cái khạp 5 cân dài đến 20m. Sự xuất hiện của rắn thần cũng vô cùng bí ẩn, chúng thoắt ẩn, thoắt hiện, không ai đoán định được. Sự thoắt ẩn thoắt hiện của chúng khiến người dân nơi đây tin rằng cặp rắn trên chính là "thành hoàng bổn cảnh" của đất này".
Một góc đình Rắn sau ngày trùng tu, tôn tạo.
Sau khi có sự xuất hiện của cặp rắn khổng lồ, nhiều chuyện ly kỳ khó lý giải liên tục diễn ra tại làng Định Thủy. "Ông bà xưa kể, rất hiếm người gặp được rắn thần nhưng sáng ra đồng, đi ngang qua khu vực được cho là có rắn thần, người ta thấy lúa rạp xuống, bề ngang rộng hàng mét. Người xưa khẳng định đó là dấu vết còn lại sau khi cặp rắn thần bò qua. Hơn nữa, từ ngày rắn thần xuất hiện, người dân chưa một lần bị đe dọa hay thất thoát trâu bò, gà lợn. Ngược lại, các cụ xưa khẳng định nhiều người trong làng đã được rắn thần khổng lồ cứu giúp", bà Năm thông tin thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Văn Cước, 60 tuổi, thuộc ban Khánh tiết đình thông tin: "Chuyện thần rắn cứu người rất nhiều, dân nơi đây ai cũng biết cả. Tuy nhiên, tiêu biểu hơn cả là chuyện rắn thần cứu người gặp nạn trên sông. Chuyện kể rằng khi những cư dân xứ Quảng đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, đoạn đi ngang qua cù lao Bảo thì đột nhiên có sóng to, gió lớn, làm thuyền chao đảo. Lúc bấy giờ, có một con rắn rất to xuất hiện, dùng thân kè mạn thuyền, đưa thuyền qua sông an toàn rồi lặn mất. Từ những câu chuyện như vậy, sau này, người dân càng tin thêm vào việc cặp rắn thần là thành hoàng đất này nên họ gom góp tiền bạc, công sức cất ngôi đình nhỏ để thờ đôi rắn đã hóa thần".
Đình xây xong, những câu chuyện ly kỳ lại tiếp tục diễn ra. Bà Năm khẳng định: "Sau khi xây đình, không hiểu vì sao từ đâu, loài rắn ùn ùn kéo về cuộn, treo, bò, giăng kín khuôn viên đình. Chúng quấn nhau dưới sân, treo trên cành cây đại thụ, lủng lẳng nơi xà mái đình,... Chúng đào hang sâu vào giữa lòng đình, tỏa các ngách ra bờ sông,... Rắn nhiều đến nỗi, mỗi khi cúng đình, ban Khánh tiết phải dùng ván tấm đóng bao quanh đình, lót trên nền đình vốn đã rỗng toác, chi chít hang rắn. Sự linh thiêng của cặp rắn thần khổng lồ cùng với sự xuất hiện dày đặc một cách bí ẩn của loài rắn, người dân nơi đây đặt tên cho ngôi đình là đình Rắn từ lúc ấy".
Thông tin về sự việc trên, các bậc cao niên của làng Định Thủy xưa ghi nhận: Rắn nhiều là vậy nhưng làng chưa bao giờ có chuyện người dân thương vong vì rắn cắn. Khi ấy, người và rắn hiền hòa sống cùng nhau. Bà Năm khẳng định: "Xưa kia mỗi lần cúng đình xong, người ta đều mở cửa cho rắn bò vào ăn lễ vật một cách tự nhiên. Ăn xong, chúng lại bò ra ngoài, chui xuống hang. Tôi còn nhớ tôi từng thấy một cặp rắn rất lớn có hang ngay trước đình. Bây giờ cái hang không còn nhưng tôi vẫn nhớ nó nằm ngay dưới gốc me cổ thụ trước đình".
Bà Phạm Thị Năm kể lại câu chuyện huyền thoại về cặp rắn thần khổng lồ.
Luôn dành chức Hương cả cho thần Hổ
Tuổi đời ngôi đình cổ đã gần con số 200, trải qua biết bao biến cố. Tuy nhiên, một điều đặc biệt gần như bất di bất dịch là đình không phong chức Hương cả cho ban Khánh tiết. Bà Năm cho biết, điều đặc biệt trên bắt nguồn từ một giai thoại ly kỳ khác. Theo lời bà, trước đây, đất này ngoài đình Rắn nổi tiếng linh thiêng còn có một cái miếu thờ thần Hổ cũng linh thiêng không kém. Bà Năm kể: "Trước đây, khi người xưa khai khẩn đất hoang lập ấp thì đất này còn nhiều thú dữ. Để ổn định cuộc sống, người xưa chọn nơi cao ráo, lập một cái miếu nhỏ thờ thần Hổ với ngụ ý trấn áp tà khí của các loài thú dữ khác. Sau ngày lập miếu, người dân kéo về cúng bái ngày càng đông. Tuy nhiên, khi thần Rắn của đình Rắn được vua Minh Mạng sắc phong "Trung Trực Phi Thần" thì ngôi miếu nhỏ thờ thần Hổ bên cạnh trở nên nhỏ bé, nhạt nhòa, lẻ loi".
Theo lời bà Năm cũng từ đấy, nhiều chuyện ly kỳ khác bắt đầu xảy ra. Một trong số đó là việc đình không thể phong chức Hương cả cho ban Khánh tiết. Bà nói: "Khi được sắc phong, các cụ có công trong làng bắt đầu thành lập ban Khánh tiết, bầu chức Hương cả. Nhưng không hiểu sao các cụ được phong chức Hương cả, đứng đầu ban Khánh tiết sau khi nhận chức đều lần lượt qua đời một cách khó hiểu. Các cụ xưa quả quyết, trước khi nhận chức, các cụ Hương cả đều là người khỏe mạnh, tỉnh táo nhưng khi nhận chức được vài ngày là bắt đầu đau ốm, bệnh tật rồi qua đời mà không ai tìm ra nguyên nhân. Từ đó, chẳng ai dám nhận chức Hương cả nữa.
Các cụ nghĩ rằng họ đã phạm điều gì đó với thánh thần. Ban Khánh tiết cùng các cụ mới họp nhau lại, tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng, các cụ cho rằng mình đã thất kính với thần Hổ bên cạnh ngôi đình thiêng nên bị quở. Do đó, các cụ sửa soạn lễ nghi cúng thần Hổ và rước thần về đình này nhận chức Hương cả. Từ đó đến nay, theo tiền lệ, tại đình Rắn, thần Hổ sẽ giữ chức Hương cả, ban Khánh tiết chỉ được bầu ra chức Hương phó để bảo quản việc trong, ngoài đình".
Ngoài những giai thoại giữa hai bờ hư thực, đến nay, đình Rắn vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Nơi đây từng in dấu bước chân vị nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định. Bà Năm chia sẻ: "Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến. Bà Định thường xuyên về khu vực này họp hành, đặc biệt có thời gian lui lại, họp tại ngay đình Rắn. Ngôi đình chính là nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định lập kế hoạch và chỉ đạo cuộc Đồng Khởi lịch sử. Do vậy, đến nay, nhiều cựu chiến binh còn nhớ rất rõ câu ám hiệu "Rắn thần về đình" của bà Định là mỗi khi bà về đây hoạt động".
Theo các tài liệu lịch sử, trong thời kháng chiến chống Mỹ, khu vực đình Rắn có tên Đội Tý có nợ máu với quần chúng nhân dân ở địa phương, đang chỉ huy bọn tổng đoàn dân vệ. Sau khi phân tích mối tương quan lực lượng, thời cơ, khả năng cách mạng của quần chúng, tướng Định quyết định phát động tuần lễ toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, bức rút, bức hàng bọn ngụy quân, ngụy quyền ở nông thôn. Các xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp được chọn làm địa bàn để phát động phong trào, bởi nơi đây có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh, quần chúng nhân dân được tôi luyện qua nhiều cuộc tranh đấu. Định Thủy được xem là cái nôi tiêu biểu.
Ngày 11/1/1960, đồng chí Ba Cầu - Huyện ủy viên, xuống xã Định Thủy triệu tập hội nghị cấp ủy xã và đề ra kế hoạch hành động có sự kết hợp giữa lực lượng quần chúng bên ngoài và nội tuyến để diệt ác, phá kìm, giải tán bọn tề ấp, tề xã, giành chính quyền. Tổ hành động cũng được thành lập, trang bị vũ trang tiêu diệt thành công tên Đội Tý đòi nợ máu. Sau sự kiện được xem như phát súng lệnh trên, phong trào Đồng Khởi lan rộng ra nhiều huyện khác và đình Rắn vẫn được xem như một căn cứ địa cách mạng, nơi mở màn cho phong trào nổi tiếng lịch sử trên.
Đã được công nhận là "Di tích lịch sử cấp quốc gia" Bà Phạm Thị Năm cho biết: "Đình đã có nhiều thay đổi về vị trí, kiến trúc. Đặc biệt, đình đã hướng mặt về phía Đông Nam chứ không còn là hướng Đông như nguyên bản nữa. Nhiều người dẫn lời một thầy địa lý cho rằng, chính sự thay đổi hướng này đã khiến đàn rắn bỏ đi. Tuy nhiên, dù không thấy sự xuất hiện của rắn nhưng bà con vẫn tôn tạo lại ngôi đình để thờ cúng, tưởng nhớ những ngày hoạt động bí mật gian khổ của cách mạng. Năm 1993, Bộ trưởng bộ Văn hóa Trần Hoàn ký quyết định công nhận ngôi đình là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”. |
HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI