Ngày mùng 2 Tết Đinh Dậu (tức 29/1) vừa qua, 100 học viên của Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội (ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã đập phá đồ đạc trong trung tâm, đòi về nhà ăn Tết.
Khi không được đáp ứng, số học viên đập phá đồ đạc rồi đi ra cổng phụ trốn khỏi trung tâm. Nhiều học viên bỏ trốn đi vào rừng tràm ẩn nấp.
Tin mới nhất mà PV báo Người Đưa Tin cập nhật từ lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cuối giờ chiều ngày 1/2, báo cáo từ địa phương cho biết, trong 100 học viên trốn trại đã có 93 học viên quay trở lại cơ sở cai nghiện. Hiện, lãnh đạo Sở, chi cục và gia đình đang đối thoại với học viên tại cơ sở. Cơ sở hiện đã trở lại hoạt động bình thường, không có thiệt hại về người và tài sản.
Được biết, Trung tâm hiện quản lý 169 học viên trong đó có 7 học viên tự nguyện được cho về ăn Tết Đinh Dậu, còn lại 162 học viên bắt buộc không trong diện được cho về quê ăn Tết.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về những giải pháp để quản lý người cai nghiện được tốt hơn, tránh tình trạng học viên trốn trại gây hoang mang dư luận.
Thưa Bộ trưởng, trước nhiều trường hợp học viên cai nghiện trốn trại như năm 2016 và vụ việc ngày mùng 2 Tết ở Long An kể trên, Bộ trưởng có thể cho biết Bộ đã có những giải pháp như thế nào để hạn chế tình trạng này trong năm 2017?
Với người nghiện, nếu có đối tượng cầm đầu kích động, lôi kéo rất dễ dẫn đến hành động thiếu kiểm soát. Do đó, tôi cho rằng cần xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu lôi kéo này. Theo tôi, những đối tượng này cần được tách biệt, giáo dục riêng.
Hiện nay, nhìn chung 132 cơ sở cai nghiện trên cả nước đều quá tải. Những người công tác ở các trung tâm cai nghiện đều vì nhân đạo, trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình, với chính bản thân mình.
Một trong những nguyên nhân là 30-40% đối tượng ở các cơ sở cai nghiện có tiền án tiền sự, sẵn sàng gây ra vấn đề phức tạp xã hội bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng vật chất các trung tâm cơ sở cai nghiện là rất cần thiết.
Tuy nhiên, việc xây dựng phải trên cơ sở đầu tư đến nơi đến chốn và có lẽ phải cho áp dụng một cơ chế rất đặc thù. Nếu vẫn giữ quy trình đấu thầu như hiện nay thì không biết bao giờ chúng ta mới có cơ sở cai nghiện đến nơi đến chốn được.
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về cơ chế đặc thù này?
Đặc thù ở đây là, thông thường hiện nay, các cơ sở cai nghiện do địa phương quản lý, do địa phương xây dựng. Trừ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng là những cơ sở có điều kiện vật chất tương đối tốt, vừa có khu cai riêng, vừa có khu vui chơi giải trí, chăm lo tạo việc làm nên môi trường cai nghiện tốt. Còn lại, các cơ sở cai nghiện của chúng ta quá tải, không đáp ứng, thậm chí quá tải 30-40% so với nhu cầu. Sự quá tải này cộng thêm điều kiện vui chơi, việc làm không có, các em chỉ ngồi một chỗ rất dễ nảy sinh hành vi tiêu cực.
Do đó, chính quyền các cấp cần chú trọng nâng cấp các cơ sở cai nghiện và tách 2 cơ sở: Cơ sở ban đầu phải khác với cơ sở bắt buộc. Phải cho địa phương cơ chế đặc thù, coi cơ sở cai nghiện như công trình cấp bách để khẩn trương xây dựng.
Ngoài những giải pháp kể trên thì sẽ cần tính đến những biện pháp mạnh nào để hạn chế người cai nghiện trốn trại, thưa Bộ trưởng?
Tôi nghĩ rằng, cần chú trọng chặn nguồn thuốc, nguồn thẩm lậu và đấu tranh kiên quyết triệt phá việc tàng trữ, vận chuyển, tích trữ ma túy.
Hiện nay, nhiều người nghi ngại tại sao trong các cơ sở cai nghiện của chúng ta có tình trạng đối tượng cai nghiện chạy trên mái nhà, ngồi trên cột điện 5-6 tiếng đồng hồ không ngã. Người bình thường chắc khó làm chuyện đó, nên nhiều ý kiến băn khoăn trong cơ sở cai nghiện còn tình trạng thẩm lậu ma túy vào. Đây cũng là điều phải giải quyết đến nơi đến chốn.
Việc phối hợp giữa các sở lao động với ngành công an và các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma túy vào các trại cai nghiện là vấn đề cực kỳ phải quan tâm.
Phải chú trọng chăm lo đội ngũ cán bộ là những người có chuyên môn y học, đặc biệt là về kiến thức tâm lý trị liệu và những người làm công tác ở trại. Phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng với gia đình, với cộng đồng, xã hội vì đây là cuộc đấu tranh nhiều cam go, gian khổ. Nếu không đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ thì không có một đơn vị nào, không một cơ sở nào giải quyết trọn vẹn được.
Cai nghiện là công việc đòi hỏi sự kiên trì, phải làm bằng tình thương và trách nhiệm của mỗi gia đình. Trách nhiệm của xã hội là gánh vác một phần trách nhiệm cùng gia đình. Việc cai nghiện bắt buộc là biện pháp cuối cùng. Do đó, hướng chung là phải tập trung vào cai nghiện gia đình và cai nghiện cộng đồng. Trừ những em đã cai nghiện gia đình và cộng đồng không đạt yêu cầu thì mới cai nghiện bắt buộc.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai đề án tập trung cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Cần phân loại rõ ràng, nếu những em đã cai nghiện gia đình và cộng đồng nhiều lần không đạt thì đưa vào cai nghiện bắt buộc.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc Bộ trưởng sức khỏe và thành công!
Dương Thu (thực hiện)