Theo thông tin từ khoa Nội Nhi, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã tiếp nhận bé Nguyễn Minh T. (3 tuổi, trú tại khu 4, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Bé vào viện trong tình trạng ho, khò khè, quấy khóc, ho nhiều, uống thuốc không đỡ. Kết quả nội soi phế quản khiến bác sĩ và người nhà tá hỏa khi thấy có hạt lạc nằm giữa thanh môn của bé.
Gia đình bệnh nhân cho hay, cách đây 1 tháng, cháu T. có biểu hiện sốt, ho thành cơn, khò khè, khản tiếng. Bé được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phế quản nhưng không đỡ nên gia đình chuyển bé đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh khám và điều trị.
Kết quả nội soi phế quản khiến bác sĩ và người nhà hoảng hốt khi thấy có hạt lạc nằm giữa thanh môn của bé.
BS Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện, đồng thời là Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: “Do dị vật tròn và di động, lại ở lâu trong đường thở, nên các bác sĩ quyết định nội soi phế quản gắp dị vật cho bé. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công”.
BS Hùng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý vì trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc khi cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi...
Bởi vậy, phụ huynh nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: Hạt lạc, hạt ngô, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật, có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu để cứu sống trẻ. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý.
Đỗ Thơm