Ngày 8/8, PGSTS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã mổ đẻ thành công cho sản phụ V.T.A.H.(35 tuổi), là công nhân, quê ở Hà Nam. Con của sản phụ là bé gái nặng 2,8 kg.
Theo thông tin ban đầu ngày 2/6 vừa qua, thai phụ H. được đưa tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, xuất huyết ồ ạt, tụt huyết áp... Khám và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 26. Trước đó, bệnh nhân có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
"Điều đặc biệt hi hữu ở thai phụ này là bệnh nhân vỡ tử cung, chảy máu ồ ạt nhưng thai nhi vẫn trong tử cung, nhau thai không bong. Đây là điều cực kỳ may mắn cho sản phụ bởi thông thường khi vỡ tử cung, khối thau và nhau thai sẽ bị đẩy ra ngoài. Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh, quyết định mở ổ bụng, hút sạch máu và dịch trong ổ bụng, sau đó khâu phục hồi vết rách tử cung, tiếp tục duy trì thai kỳ", PGS Cường chia sẻ.
Khi mổ ra, các bác sĩ phát hiện tử cung của thai phụ rách khoảng 5 cm, trên nền vết mổ u xơ tử cung dài khoảng 10 cm nằm ở phía sau tử cung mà tháng 3/2021 bệnh nhân đã phẫu thuật bóc tách 2 khối u xơ. Người nhà bệnh nhân cho biết vợ chồng chị H. bị hiếm muộn đã điều trị nhiều năm nên chị rất khao khát làm mẹ. Chỉ ít tháng sau ca phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung, chị H. đã làm thụ tinh ống nghiệm và may mắn có thai.
Sau cuộc phẫu thuật, thai phụ vượt qua nguy kịch, chỉ số sinh tồn, huyết động của mẹ và nhịp tim thai nhi ổn định, thai phụ đã được cầm máu. PGS Cường cho biết dù ca mổ thành công nhưng nguy cơ vỡ tử cung lần 2 của người mẹ vẫn tiềm ẩn. Để đảm bảo an toàn, thai phụ được chỉ định điều trị nội trú tại bệnh viện với sự theo dõi liên tục, sát sao của các bác sĩ và nhân viên y tế. Trong thời gian này, thai phụ được điều trị bằng nhiều phương pháp, trong đó bác sĩ đã truyền 9 liều thuốc chống co bóp tử cung với mục tiêu giữ thai nhi trong bụng càng lâu càng tốt.
"Việc duy trì thai nhi trong bụng mẹ là cực kỳ quan trọng, bởi mỗi ngày trong bụng mẹ, thai nhi tăng thêm 3% cơ hội được sống, do đó chúng tôi đếm từng ngày. Kết quả vượt ngoài mong đợi, sau 12 tuần điều trị đặc biệt, bác sĩ đánh giá nguy cơ và quyết định mổ thai chủ động đưa em bé ra ngoài ở tuần thai thứ 38. Sáng nay, ca mổ đã thành công "mẹ tròn con vuông", PGS Cường chia sẻ.
Cũng theo ông Cường, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp vỡ tử cung ở tuổi thai khá nhỏ và được duy trì bảo tồn tiếp tục nuôi thai đến 38 tuần - tương đương một cuộc chuyển dạ bình bình thường. Trong tương lai, sản phụ này vẫn có thể tiếp tục mang thai và sinh nở.
Vỡ tử cung là biến chứng khi mang thai, nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Nhiều trường hợp phải đình chỉ thai kỳ và cắt bỏ tử cung. Tai biến này thường xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ, đặc biệt ở những người từng có sẹo mổ cũ nhưng cũng có thể xảy ra trong quá trình mang thai ở bất kỳ thời điểm nào.
Có nhiều nguyên nhân gây vỡ như tử cung dị dạng, sẹo mổ ở tử cung bị giãn quá mức và nứt vỡ. Bên cạnh đó còn nguyên nhân chửa góc sừng tử cung, rau cài răng lược đâm xuyên qua sẹo mổ cũ...
Thai phụ bị vỡ tử cung thường sẽ có triệu chứng đau bụng khác thường, đau chói trên tử cung, siêu âm thấy trong ổ bụng có nhiều dịch tự do mà không rõ cơn co.
Phụ nữ từng có tiền sử mổ đẻ thì nên chờ tối thiểu 24 tháng mới nên có thai trở lại. Khi mới mang thai, nếu phát hiện thai làm tổ ở vị trí bất thường như: góc sừng tử cung, vết mổ đẻ cũ thì nên chủ động đình chỉ thai nghén, tránh sau này thai phát triển to gây vỡ tử cung.
Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, Vnexpress)