Ngày 8/11, Mỹ bắt đầu tiếp nhận lại tất cả khách quốc tế đến bằng đường hàng không đã tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19.
Động thái này của Mỹ đã được chờ đợi từ lâu để chào đón du khách quốc tế trở lại, sau 18 tháng hạn chế đối với 33 quốc gia trong thời gian tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Dự kiến việc Mỹ và các nước nới lỏng quy định đi lại sẽ tác động lớn đến ngành hàng không vốn đang mong mỏi phục hồi.
Các hãng hàng không lớn như Air France (Pháp), United Airlines (Mỹ) và Singapore Airlines (Singapore) chứng kiến nhu cầu đi lại tăng vọt và đang loay hoay đáp ứng bằng cách tăng chuyến, thay máy bay lớn hơn và nỗ lực thuê, giữ chân nhân viên.
Ngay sau khi Mỹ thông báo về kế hoạch mở cửa từ ngày 8/11, hãng British Airways (Anh) đã tăng 900% số lượt đăng ký các chuyến bay và các gói kỳ nghỉ tới những điểm đến chính của Mỹ so với tuần trước. Một ngày sau khi thông báo, hãng American Airlines (Mỹ) đã đạt được 66% số lượng đặt chỗ chuyến bay đến Anh, 40% đến châu Âu và 74% đến Brazil.
Hãng Air France trong nhiều tháng qua đã có những chuyến bay với nhiều ghế trống, nhưng gần đây đã tăng số chuyến bay hàng ngày giữa New York và Paris lên 5, so với 3 chuyến lúc trước. Với đường bay giữa Paris và Houston (Texas, Mỹ), hãng đang chuyển từ máy bay Airbus 330 sang Boeing 777 để có nhiều ghế hơn. Air France dự kiến công suất chuyến bay của họ đến Mỹ sẽ đạt 90% mức trước đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2022.
Các hãng dự báo, lượng khách tăng dần trong tháng 1, 2/2022 và sẽ tăng vọt vào mùa hè năm tới.
Trong khi đó, các hãng hàng không Mỹ đang đặt cược lớn vào sự trở lại sôi động của du lịch quốc tế, giới thiệu 5 điểm đến mới vào mùa Xuân ở Tây Ban Nha và Na Uy, bổ sung các chuyến bay tới các điểm đến nổi tiếng như Rome (Ý) và Dublin (Ireland) cũng như phục hồi dịch vụ đến Frankfurt, Nice và các thành phố khác.
Song song với hy vọng hồi phục, các hãng hàng không đang đối diện với không ít thách thức do tác động của đại dịch. Chuyên gia Burkett Huey tại Công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ) cho rằng việc có đủ nhân viên sẽ là một vấn đề cần giải quyết.
Lĩnh vực hàng không đã chứng kiến sự ra đi của vô số nhân viên trong đại dịch. Trong vài tuần qua, hai hãng của Mỹ là American Airlines và Southwest Airlines đã hủy hàng ngàn chuyến bay do thiếu nhân viên. Theo Financial Times, các hãng hàng không Mỹ đối diện thách thức lớn từ việc thiếu phi công, tiếp viên, nhân viên kiểm tra vé, kiểm tra hành lý và dịch vụ khách hàng, nhất là nhằm phục vụ mùa đi lại cuối năm dự kiến tăng vọt.
Bên cạnh đó, chưa rõ khi nào nguồn khách thương gia sẽ đông đúc trở lại trong khi nhóm khách này đôi khi mang đến 75% doanh thu trên một số đường bay quốc tế. Thông thường, các hãng dùng máy bay thân lớn trên những chuyến đông khách xuyên Đại Tây Dương để có ghế thoải mái cho thương gia và dùng máy bay nhỏ hơn đến các điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu khách thương gia chưa quay lại nhiều, các hãng có thể phải quyết định dùng máy bay nhỏ hơn cho các chặng xa. Ngoài ra, nhiều doanh nhân còn chuyển sang dùng máy bay riêng trong đại dịch và không chắc khi nào họ sẽ sử dụng lại máy bay thương mại.
Hãng Lufthansa (Đức) nhận định, việc Mỹ mở cửa khiến nhu cầu đi lại tăng vọt nhưng sự phục hồi có thể mong manh và hãng dự kiến chỉ hoạt động 70% công suất vào năm 2022. Tương tự, các hãng cũng hiểu rõ rằng xu hướng nới lỏng đi lại quốc tế hiện nay có thể dễ dàng bị siết lại nếu tình trạng lây nhiễm Covid-19 diễn biến xấu.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, TTXVN)