Sau Hồ sơ Panama gây chấn động vào năm ngoái, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Mỹ vừa công bố một tài liệu Hồ sơ Thiên đường, tiết lộ về nhiều nhân vật trong tầng lớp tinh hoa thế giới.
Hồ sơ Thiên đường gồm 13,4 triệu văn bản, đa số liên quan đến một công ty hàng đầu về tài chính hải ngoại.
Hồ sơ Thiên đường cho rằng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross có quan hệ kinh doanh với một công ty vận tải biển có liên quan đến đội ngũ thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các khoản đầu tư của Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong các thiên đường thuế và việc Stephen Bronfman - cố vấn cấp cao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau chuyển 60 triệu USD ra nước ngoài cũng bị phanh phui.
Trên thực tế, các khoản đầu tư hay chuyển tiền sang các thiên đường thuế của Bộ trưởng Ross, Nữ hoàng Anh hay cố vấn Bronfman không bị cho là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nó lại tạo ra mối hoài nghi của công chúng đối với các nhân vật này.
Đặc biệt mối quan hệ của ông Ross với phía Nga đang đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích trong lúc Washington đang áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow.
"Tài chính hải ngoại" là gì?
Các trung tâm tài chính hải ngoại, hay thiên đường thuế, là nơi nằm ngoài kiểm soát một quốc gia, để công ty hay cá nhân có thể chuyển tiền, tài sản, lợi nhuận đến đây và chỉ phải chịu mức thuế thấp.
Đó thường là các hòn đảo nhỏ, tách biệt trên danh nghĩa là lãnh thổ của một quốc gia. Vương quốc Anh là đất nước có rất nhiều lãnh thổ hải ngoại được coi là các thiên đường thuế.
Các khoản đầu tư ở thiên đường thuế luôn mang danh nghĩa là hợp pháp nhưng nó thường bị công chúng cáo buộc là nơi rửa tiền của tầng lớp siêu giàu thế giới.
Những câu hỏi gây tranh cãi
Theo tiết lộ của Hồ sơ Thiên đường, khoảng 10 triệu Bảng tiền riêng của Nữ hoàng Anh được phân bổ cho các quỹ đầu tư có trụ sở ở quần đảo Cayman và Bermuda.
Số tiền đã được các quỹ này tái đầu tư vào một số doanh nghiệp gây tranh cãi thời gian qua, một vài trong số đó đã bị phá sản và nợ tiền thuế.
Các khoản đầu tư trên được thực hiện thông qua Duchy of Lancaster - nơi cung cấp thu nhập và quản lý các khoản đầu tư bất động sản trị giá 500 triệu Bảng của Nữ hoàng.
Các khoản đầu tư này đều hợp pháp và không có bằng chứng cho thấy Nữ hoàng không đóng thuế. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Hoàng gia Anh có nên đầu tư ở các thiên đường thuế vốn gây nhiều tranh cãi hay không.
Một phát ngôn viên của Duchy of Lancaster cho biết, tất cả các khoản đầu tư của đơn vị này đều được kiểm toán và hợp pháp, đồng thời xác nhận việc họ có một số khoản đầu tư với quỹ nước ngoài.
Tài liệu từ Hồ sơ Thiên đường cho biết, ông Ross vẫn có lợi ích trong một công ty tàu biển thu hàng triệu đô la mỗi năm nhờ vận chuyển dầu khí cho một công ty năng lượng Nga.
Cổ đông công ty này có con rể Tổng thống Nga Vladimir Putin và có hai người nằm trong danh sách bị Mỹ trừng phạt, theo BBC.
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với các tổ chức, cá nhân người Nga sau sự sáp nhập của bán đảo Crimea.
Ross, một nhà đầu tư tỷ phú, nắm giữ 31% cổ phần của Navigator Holdings thông qua mạng lưới đầu tư hải ngoại phức tạp.
James Rockas, một phát ngôn viên bộ Thương mại Mỹ cho hay, Bộ trưởng Ross không tham gia vào quyết định của tập đoàn Navigator trong việc hợp tác kinh doanh nói trên.
Liệu có âm mưu sau những cáo buộc?
Vụ tiết lộ sẽ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, các nhân vật cam kết minh bạch trong vấn đề thuế và hoạt động kinh doanh.
380 nhà báo của ICIJ đã dành một năm biên soạn các tài liệu trong vòng 70 năm qua để phát hành Hồ sơ Thiên đường đi kèm lời cảnh báo về sự bất bình đẳng thu nhập toàn cầu.
Các công ty đa quốc gia chuyển 600 tỷ USD mỗi năm vào các thiên đường thuế - nơi họ sẽ giữ được tối đa nguồn lợi nhuận của mình.
ICIJ cho rằng, chính điều này khiến sự bất bình đẳng ngày càng tăng lên khi người giàu ngày càng giàu thêm và Chính phủ không thu được của họ khoản thuế nào.
Trung tâm vụ rò rỉ lần này là Appleby, một công ty luật có trụ sở ở Bermuda, quần đảo Cayman, quần đảo British Virgin, Isle of Man, Jersey và Guernsey.
Ngược lại với Mossack Fonseca, công ty gần như sụp đổ vào năm ngoái sau cuộc điều tra Hồ sơ Panama, Appleby tự hào là một thành viên trong nhóm cấp cao phục vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hải ngoại hàng đầu.
Appleby cho biết, họ đã nghiên cứu tất cả các cáo buộc này và không tìm thấy “bằng chứng về bất kỳ hành vi sai trái thuộc về mình cũng như từ phía khách hàng”.
Công ty này cũng khẳng định họ luôn tư vấn cho khách hàng một cách hợp pháp.
Cũng giống như đánh giá của giới phân tích về Hồ sơ Panama trước đó, bản tài liệu lần này đưa ra những bí mật gây tranh cãi và chưa được kiểm chứng.
Có quan điểm cho rằng, các tài liệu rò rỉ dạng này lập lờ giữa một số thông tin chính xác xen lẫn những cáo buộc không có thật với mục đích hạ thấp uy tín của các nhân vật có tiếng.