Idlib "đếm ngược ngày bùng cháy": Nga-Thổ lại sắp "tương tàn" vì kẻ phá bĩnh không ngờ?

Idlib "đếm ngược ngày bùng cháy": Nga-Thổ lại sắp "tương tàn" vì kẻ phá bĩnh không ngờ?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 3, 17/03/2020 20:00

Bất chấp các thỏa thuận được nhất trí, tình hình ở Idlib đang đếm ngược ngày giao tranh trở lại khi Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với một đối thủ không ngờ khác có thể sẽ phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn

Tiêu điểm - Idlib 'đếm ngược ngày bùng cháy': Nga-Thổ lại sắp 'tương tàn' vì kẻ phá bĩnh không ngờ?

Cuộc tuần tra chung đầu tiên của Nga-Thổ ở Idlib đã bị rút ngắn.

Trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã liên tục phải ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, bất chấp các thỏa thuận được nhất trí, tình hình trong khu vực, đặc biệt ở Idlib chỉ trở nên tồi tệ hơn mà không có giải pháp dứt điểm.

Thỏa thuận mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được ký kết vào ngày 5/3 giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Vladimir Putin cũng không phải là một ngoại lệ.

Mặc dù thỏa thuận đã cố gắng ngăn chặn cuộc chiến khiến làn sóng tị nạn bùng nổ nhưng nó không cung cấp một giải pháp ổn định nào có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự khác của chính quyền Syria vào thành trì cuối cùng của phe đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Điểm yếu của thỏa thuận

Theo Al Jazeera, có một số vấn đề mà thỏa thuận Nga-Thổ không làm được.

Đầu tiên, thỏa thuận không buộc quân đội Syria từ bỏ các phần lãnh thổ chiếm được từ năm ngoái và rút về các khu vực được thiết lập theo thỏa thuận Sochi tháng 9/2018 - điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kêu gọi.

Thay vào đó, thỏa thuận này còn công nhận hiện trạng mới trên mặt đất - tức là công nhận các phần lãnh thổ mà lực lượng Syria và dân quân đồng minh kiểm soát được từ tháng 12.

Thỏa thuận này không thực sự cung cấp một giải pháp lâu dài cho một triệu dân thường Syria đông đúc dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cho tổng dân số khoảng ba triệu người ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ đã không có được vùng đệm mà họ mong muốn để ngăn chặn làn sóng người tị nạn tiến về phía biên giới.

Cần phải lưu ý rằng, quân đội Syria chỉ muốn chiếm lấy cơ sở hạ tầng chiến lược của tỉnh Idlib, nhưng không muốn chứa chấp các phe nhóm đối lập cũng như các sắc dân tị nạn ở nơi khác đổ về đây. Syria muốn đẩy vấn đề này cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất cứ ai khác.

Thỏa thuận cũng bỏ qua một số vấn đề gây tranh cãi lớn như đường cao tốc M5 - nối Damascus với Aleppo - và tương lai của các trạm quan sát quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, vì hầu hết chúng đều nằm dưới các khu vực do chính quyền Damascus kiểm soát.

Thỏa thuận cũng không giải quyết được sự hiện diện của nhóm khủng bố Hay'et Tahrir al-Sham (HTS). Nga đã nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải có biện pháp khắc chế nhưng vẫn chưa thực hiện. Do đó, sự hiện diện của HTS ở tỉnh Idlib vẫn là một trong những mâu thuẫn chính giữa Moscow và Ankara.

Vào ngày 7/3, HTS tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận này, giúp Nga có một cái cớ để nhắm mục tiêu vào phe đối lập.

Rõ ràng, cả Ankara và Moscow đều coi đây là một biện pháp tạm thời và chỉ cố gắng duy trì lệnh ngừng bắn càng lâu càng tốt để hai bên củng cố sức mạnh quân sự ở Idlib.

Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thời gian tạm lắng chiến sự để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây. Ankara đã đưa ra ý tưởng mua hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để tăng cường khả năng đối chọi với Nga.

Tiêu điểm - Idlib 'đếm ngược ngày bùng cháy': Nga-Thổ lại sắp 'tương tàn' vì kẻ phá bĩnh không ngờ? (Hình 2).

Iran có khả năng phá hỏng thỏa thuận Nga-Thổ.

Mỹ có khả năng cho Thổ Nhĩ Kỳ mượn các hệ thống này trực tiếp hoặc thông qua NATO. Việc bán Patriot tại thời điểm này là không thể vì sự hiện diện của hệ thống S-400 của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ đã báo hiệu rằng việc chuyển giao hệ thống sang Thổ Nhĩ Kỳ không được cân nhắc, đặc biệt sau khi Tổng thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kích hoạt hệ thống S-400 vào tháng 4, có vẻ như Mỹ chỉ cung cấp hỗ trợ bằng lời nói và chia sẻ thông tin tình báo cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chỉ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ còn không có hỗ trợ thực sự từ châu Âu. Bằng cách dùng chiêu bài người tị nạn, Ankara muốn thúc đẩy châu Âu hỗ trợ nhiều hơn và gây thêm áp lực cho Nga để đưa ra một số nhượng bộ đối với Idlib. Ankara cũng hy vọng sẽ tạo ra áp lực quốc tế nhiều hơn cho vùng an toàn/vùng cấm bay ở Idlib.

Iran phá bĩnh

Vào ngày 15/3, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4, nối Latakia đến Aleppo, mà một phần trong đó vẫn nằm trong khu vực do phe đối lập kiểm soát.

Tuy nhiên, cuộc tuần tra đầu tiên đã phải rút ngắn lộ trình do vấp phải sự khiêu khích của phiến quân. Việc hai bên có đẩy mạnh việc tuần tra hay không sẽ cho thấy cam kết chung đối với thỏa thuận này.

Trong khi đó, do tính chất mơ hồ, mong manh và bấp bênh của thỏa thuận này, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng giai đoạn tạm lắng trong cuộc xung đột để củng cố vị trí của mình về mặt quân sự nhằm chuẩn bị cho cuộc giao tranh tiếp theo.

Ngoài cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân Chính phủ, công chúng có thể chứng kiến ​​căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các dân quân liên kết với Iran, vì Iran có khả năng nỗ lực làm suy yếu bất kỳ hiệp định song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nào.

Không giống như trận chiến Aleppo, ở Idlib, Moscow không cần Tehran và đã đàm phán riêng với Ankara. Điều này đã khiến giới lãnh đạo Iran không hài lòng và có thể sẽ tìm cách làm hỏng thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách khiêu khích Ankara. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào nếu như có sự đồng ý của Nga.

Nói cách khác, chỉ là vấn đề thời gian trước khi thỏa thuận một lần nữa hủy bỏ và giao tranh lại bắt đầu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.