Theo thống kê mới được IDC công bố về thị phần các hệ điều hành di động tại Việt Nam trong quý 2/2013 vừa qua thì chúng ta có thể thấy rất rõ ưu thế tuyệt đối vẫn thuộc vềAndroid với 82,2% trên con số 1,9 triệu máy được đưa vào thống kế. Như vậy Android tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 tại thị phần di động trong nước và tăng trưởng so với con số 81,3% ở cùng kỳ năm ngoái.
Điểm bất ngờ trong thống kê lần này đến từ thị phần “không thể nhỏ hơn” của iOS với các thế hệ iPhone làm chủ đạo. Chỉ có vỏn vẹn 1,6%, tức là còn ít hơn cả hệ điều hành Windows Phone và chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với BlackBerry “chết yểu”. Con số chính xác của thị phần Windows Phone là 15,3%, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ 5,7%) và của BlackBerry là 1,0%. Mặc dù chỉ đạt thị phần rất thấp nhưng iOS vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ quáy 2/2012 khi tăng từ 0,7% lên 1,6%.
Phản ứng trước thông tin của bảng thống kê lần này thì đa số cộng đồng người dùng iPhone ở Việt Nam đều tỏ ra không hài lòng. Nếu như sự “độc bá” của Android là không phải bàn cãi khi hệ điều hành này có sự góp mặt ở đầy đủ mọi phân khúc từ bình dân đến cao cấp thì con số “khiêm tốn” của iOS thực sự là một điều khó hiều.
Việt Nam chưa phải là một thị trường lớn nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy “độ chơi” của người dùng và tất nhiên, sản phẩm như iPhone đặc biệt được ưa chuộng. Không quá khi nói rằng trong chúng ta ở đây, ai cũng có những người bạn, người thân dùng iPhone, hoàn toàn trái ngược với con số “100 người mới có 1 người dùng iPhone” như trong bản thống kê trên. Chưa kể đến việc iOS phải xếp sau Windows Phone về thị phần là một điều “không thể chấp nhận được”!
Để giải thích cho sự sai lệch của kết quả bản nghiên cứu với thực tế thì chúng ta cần hiểu rằng, số liệu máy được thống kê dựa trên con số các thiết bị di động được nhập về Việt Nam qua con đường chính thống. Theo đó, trong quý 2/2013, có tổng cộng 5,8 triệu máy điện thoại được chuyển giao đến thị trường nước ta, chiếm 32,7% trong số đó là điện thoại thông minh (smartphone), tăng hơn gấp đôi so với con số 14,7% của quý 2 năm ngoái. Tức là những máy đó có giấy tờ thuế quan đàng hoàng, có nhà phân phối và tất nhiên, không bao gồm các máy qua đường “xách tay” – một đường phổ biến nhất của đại đa số iPhone ở Việt Nam. Trong khi iPhone ở nước ta bán ra qua đường chính thống thường chiếm số lượng rất ít và tất nhiên, các nhà phân phối sẽ nhập ít và làm cho kết quả nghiên cứu IDC phản ánh thị phần iOS “thảm hại” đến vậy.
Hằng Giang