Theo báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD), do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố sáng 22/9, khi Việt Nam đang nỗ lực ứng phó với làn sóng Covid-19 hiện nay, việc đẩy nhanh tốc độ cải cách, nâng cao trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động, và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giúp củng cố khu vực tư nhân để nền kinh tế đất nước sớm phục hồi từ đại dịch và tận dụng được tối đa tiềm năng phát triển.
Mục tiêu của Nghiên cứu CPSD là xem xét các cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như một số ngành cụ thể trong tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tạo thuận lợi cho đầu tư vào Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy Việt Nam càng cần phải đẩy nhanh tốc độ áp dụng và phổ biến công nghệ và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.
Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân
Báo cáo của IFC cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, tiềm năng của khu vực này cần được tiếp tục khai thác mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất để Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
“Khu vực kinh tế tư nhân đã giúp đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ, và khi quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo thì phải đối mặt với đại dịch Covid-19”, Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết.
Theo bà, với làn sóng Covid-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, khu vực tư nhân mới nổi và năng động của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020.
“Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân trong lộ trình chuyển dịch sang một mô trình tăng trưởng kinh tế carbon thấp do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.
Cải cách để khơi dậy tiềm năng
Báo cáo của IFC khuyến nghị chương trình cải cách của Việt Nam cần tập trung vào những điểm trọng yếu như: tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa tất cả các doanh nghiệp; thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn; tăng cường và xanh hoá dịch vụ hạ tầng; và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, và có năng suất cao.
Tăng trưởng dựa vào năng suất có vai trò thiết yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, tăng năng suất đòi hỏi phải khai thác hết tiềm năng của khu vực tư nhân bằng cách giảm bớt các rào cản về gia nhập và dỡ bỏ các yếu tố kìm hãm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa sang các thị trường mới, và số hóa sâu hơn các ngành kinh tế.
“Để có thể nối dài câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng cao và bền vững”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào cho biết.
Theo ông, đại dịch Covid-19 là minh chứng cụ thể cho sự cấp thiết của việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của khu vực tư nhân nhằm tìm kiếm các giải pháp hợp tác công-tư (PPP) cho việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân.
“Điều này đặc biệt quan trọng bởi nguồn lực của chính phủ, vốn hạn chế, đã được ưu tiên cho chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế trong đại dịch”, Kelhofer nhận định.
Trong khi các ngành điện, kho vận, giáo dục và đào tạo kỹ năng, kinh doanh nông nghiệp, và du lịch là những ngành có tiềm năng mạnh mẽ để khu vực tư nhân tham gia, báo cáo cho thấy còn có những hạn chế đáng kể về quy định pháp luật.
Nhu cầu về năng lượng bền vững và các dịch vụ kho vận ngày càng gia tăng bởi quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, sự mở rộng của nhóm dân số có thu nhập trung bình, và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Đầu tư tư nhân trong những ngành này có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước và góp phần xanh hóa hạ tầng và sản xuất thông qua các khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và các giải pháp thông minh về khí hậu.
Khi Việt Nam đặt mục tiêu dịch chuyển lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách phát triển các ngành định hướng xuất khẩu thâm dụng tri thức, dịch vụ, và các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, thì nhu cầu về lao động có tay nghề và công nghệ hiện đại sẽ tăng lên.
Do đó, cần có chiến lược tổng thể để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong nước.
Hơn nữa, khi kinh doanh nông nghiệp và du lịch tiếp tục là những ngành có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, cải thiện về năng suất, chi phí hoạt động, chất lượng và an toàn, và tính bền vững sẽ giúp thúc đẩy những ngành này phát triển hơn nữa.
Những phát hiện của báo cáo sẽ được sử dụng như những đóng góp chiến lược của IFC cho Khung Đối tác Quốc gia (Country Partnership Framework) trong giai đoạn tiếp theo của WBG với Chính phủ Việt Nam. Những phát hiện đó cũng là cơ sở cho những chương trình hợp tác chung giữa hai bên để kiến tạo các thị trường và giải phóng tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), được thành lập năm 1956, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi.
Hoạt động tại hơn 100 quốc gia, IFC tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm thông qua sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. IFC cũng đảm bảo rằng các doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia đang phát triển có khả năng tiếp cận các thị trường và thu được nguồn tài trợ.
Các mục tiêu gần đây nhất của IFC bao gồm phát triển nông nghiệp bền vững, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính vi mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như các chính sách về khí hậu, y tế và giáo dục.
IFC được quản lý bởi 184 quốc gia thành viên và có trụ sở tại Washington.
IFC bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1992, thời điểm Chính phủ khuyến khích nguồn vốn và chuyên môn từ nước ngoài nhằm chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.