Im lặng trước bất công là thỏa hiệp với sai trái

Im lặng trước bất công là thỏa hiệp với sai trái

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Chủ nhật, 17/10/2021 15:14

Vì cái tôi vị kỷ, bạn chấp nhận im lặng trước bất công, nhưng sẽ có ngày, bất công tìm đến bạn!

Mới đây, hình ảnh nữ học viên Cảnh sát nhân dân Bùi Thị Ngọc Trinh chật vật cõng nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông giữa dòng người thản nhiên qua lại trên phố đã khiến nhiều người giận dữ. Họ giận dữ bởi sự thờ ơ của hàng chục con người xung quanh, để mặc cô gái bé nhỏ loay hoay cứu giúp một sinh mạng. 

Thử tưởng tượng, đến một ngày, bạn chứng kiến một vụ cướp diễn ra ngay trước mắt mình, chứng kiến nạn nhân kêu cứu trong tuyệt vọng nhưng tất cả những người xung quanh đều im lặng và thờ ơ, bỏ mặc. Và rồi, cũng đến một ngày nào đó, có thể, bạn lại ở đúng vị trí của nạn nhân. Lúc ấy, bạn sẽ hiểu được sự im lặng của xã hội đáng sợ đến thế nào!

Tôi từng tiếp nhận lá đơn kêu cứu của một công chức bị chèn ép, tất cả bằng chứng được cung cấp đều rõ ràng, thế nhưng khi tiếp cận phỏng vấn những đồng nghiệp của nạn nhân để tìm hiểu sâu hơn thì tất cả đều lảng tránh, thậm chí có người còn phủ nhận. Dường như tất cả đám đông trong môi trường tập thể bé nhỏ ấy đều thể hiện sự khuất phục trước quyền lực của người đứng đầu. Còn ngoài kia, người đồng nghiệp của họ đang tiếp tục khốn khổ vẫy vùng trong tuyệt vọng – với họ - cũng có hề gì!

Mới đây, dư luận cũng một phen xôn xao về trường hợp của một nữ giáo viên 3 năm liên tiếp “được” đánh giá “Không hoàn thành nhiệm vụ” sau khi cô đứng lên tố cáo lãnh đạo lạm thu.

Trong khi đó, cơ chế để tổ chức đánh giá thành tích của một cá nhân lại xuất phát từ những lá phiếu tập thể. Nhiều người tỏ ra sợ hãi khi đứng ra bênh vực đồng nghiệp mặc dù biết có sự trù dập. Không ít người sợ ảnh hưởng đến công việc, phấn đấu, thi đua… Và cứ như vậy, bằng những lá phiếu vô tình, họ đang tâm hủy hoại đường sự nghiệp của một con người.

Họ đưa ra quyết định đó với lý do “ý kiến tập thể”. Vậy thì đây có phải là những lá phiếu “chết” của lương tâm đã “tử vong”?

Quan điểm - Im lặng trước bất công là thỏa hiệp với sai trái

Chúng ta đã có chế tài bảo vệ người tố. Cụ thể, Luật Tố cáo năm 2018 quy định, bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Trong trích dẫn trên, đã 2 lần cụm từ “bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo” được nhấn mạnh, coi đó như một biện pháp bảo vệ đầu tiên. Nhưng trong rất nhiều vụ việc, bằng cách nào đó, thông tin của người tố cáo vẫn lộ lọt. Điều này là hết sức nguy hiểm!

Không hiếm những vụ việc, kẻ phạm tội dùng "luật rừng" theo kiểu "xã hội đen" để hành hung, khủng bố người tố cáo. Lộ thông tin người tố cáo còn gây ảnh hưởng lớn đến quá trình điều tra, kết quả giải quyết đơn thư tố cáo.

Chị Hoàng Thị Nguyệt, bác sỹ tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, người đầu tiên đứng ra tố cáo vụ việc "nhân bản" xét nghiệm, xảy ra năm 2013 tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, từng có hơn 300 ngày đối mặt với sự trù dập của lãnh đạo bệnh viện và hàng trăm tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần. Phải đến khi vụ việc được đưa ra xét xử, chị mới có thể "thở phào" nhẹ nhõm.
 
Trước đó, chỉ một ngày sau khi đơn tố cáo được gửi đi, thông tin đã đến tai lãnh đạo bệnh viện. Tiếp đó là những ngày tháng, chị và hai đồng nghiệp khác quay cuồng trong "bão" dư luận, sức ép của lãnh đạo và sự đay nghiến của đồng nghiệp.
 
Trong vụ việc trên, chế tài bảo vệ người tố cáo dường như bị "lãng quên". Và thật khó để có những người như chị Nguyệt, có thể vượt qua những tháng ngày như vậy.
 
Những người làm lộ thông tin của người tố cáo cũng là một loại tội phạm, cần phải xử lý nghiêm minh. Thật tiếc, hình như chưa có đối tượng nào bị xử lý về hành vi này.

Có người từng nói với tôi, ở xã hội ngày nay, không làm hại ai thì cũng đã là một người tốt. Điều này không phải là không có chỗ hợp lý.

Thế nhưng, ở một phương diện khác, cũng cần hiểu rằng, dù không dùng phương kế để hại ai, thì sự thờ ơ, im lặng trước bất công cũng đồng nghĩa với việc có thể  bạn đã gián tiếp hại người.

Có không ít các trường hợp dù biết cấp trên có hành vi sai nhưng họ im lặng, chấp nhận biến mình trở thành đồng lõa. Gần đây nhất là vụ một vị giám đốc ở Bình Định đi chơi golf trong mùa dịch bị dư luận phát hiện, sau đó, để chạy tội, vị giám đốc này đã yêu cầu cấp dưới lo khâu giấy tờ để hợp thức hoá hành vi sai phạm… Kết cục, cả 2 đều phải nhận hình thức kỷ luật.

Chỉ một vài “hạt sạn” như vậy nhưng có thể khiến tâm lý đấu tranh bị bào mòn, chùn bước.

Những năm trở lại đây, rất nhiều vụ việc sai phạm bị phát giác từ những lá đơn tố cáo. Đó là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện rõ ràng quan điểm “không có vùng cấm” trong đấu tranh với tiêu cực của Đảng và Nhà nước. “Lò” đã nóng, tư tưởng đã được khai thông, vấn đề còn lại là người dân cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, với đạo đức nền tảng.

Con người ngày càng có thiên hướng tránh xa những vụ việc không liên quan đến mình. Và trong một số trường hợp, dù biết rõ chân tướng nhưng nhiều người sẽ lựa chọn im lặng bởi e ngại phải đối mặt với nhiều rắc rối không tên.

Nhiều người cho rằng đó là sự khôn ngoan, thậm chí, đem sự “khôn ngoan” này dạy dỗ cho chính con cái của mình. Và cứ thế, sự vô cảm này dần mang tính truyền thừa.

Thế nhưng, chính những con người đó, vì cái tôi vị kỷ của mình đang dần khiến đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Họ không tạo ra bất công nhưng đang gián tiếp khiến bất công ngự trị.

Và mới đây, sự việc một cô gái gặp tai nạn giao thông, nằm sõng soài giữa đường phố đông đúc nhưng hàng trăm con người thản nhiên và điềm tĩnh đi ngang qua đã lại một lần khiến dư luận dậy sóng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc, các chế tài khen thưởng, khích lệ cho những con người dũng cảm cần thiết thực và kịp thời hơn nữa. Đồng thời, cũng cần phải có cơ chế rõ ràng và cụ thể hơn để bảo vệ họ trước những rủi ro.

Nên nhớ rằng, bạn im lặng trước bất công, có thể một ngày, bất công sẽ tìm đến bạn! Và vô cảm, đó không chỉ đơn giản là sự xuống cấp đạo đức, mà đã động đến vấn đề căn cơ, nhân tính của con người.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.