Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý với khoản vay cứu trợ khổng lồ cho chính phủ Pakistan trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang phải đương đầu với đợt lũ lụt thảm khốc mà chính phủ Pakistan gọi là “thảm họa khí hậu”, khiến số người thiệt mạng vượt quá con số 1.000.
Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt lần xem xét thứ bảy và thứ tám về chương trình cứu trợ cho Pakistan, cho phép giải phóng hơn 1,1 tỷ USD cho quốc gia Nam Á, IMF và chính phủ Pakistan cho biết hôm 29/8.
IMF đã đồng ý gia hạn chương trình thêm một năm và tăng tổng số tiền tài trợ lên 720 triệu quyền rút vốn đặc biệt (SDRs), tương đương khoảng 940 triệu USD theo tỉ giá giao dịch hiện tại.
Khoản ngân quỹ này sẽ là một cứu cánh cho quốc gia Nam Á đang bị lũ lụt tàn phá gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD, theo Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan Ahsan Iqbal.
Chính phủ Pakistan đương nhiệm của Thủ tướng Shehbaz Sharif đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi trong những tháng gần đây sau khi áp đặt 3 đợt tăng giá nhiên liệu - tổng cộng tổng cộng là 50% - và tăng chi phí điện để chấm dứt hoàn toàn các khoản trợ cấp được người tiền nhiệm của ông áp dụng.
Tuy nhiên, các chính sách đã giúp cho chi tiêu của chính phủ Pakistan phù hợp với các yêu cầu hiện tại mà IMF đặt ra đối với khoản vay khổng lồ. Trong một tuyên bố, IMF không đề cập cụ thể đến tình trạng lũ lụt thảm khốc mà quốc gia Nam Á đang đối mặt, mà thay vào đó hoan nghênh những bước cắt giảm chi tiêu mới.
“Nền kinh tế Pakistan đã bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bất lợi bên ngoài, do tác động lan tỏa từ cuộc chiến ở Ukraine và những thách thức trong nước”, Phó Giám đốc điều hành IMF Antoinette Sayeh cho biết. “Việc thực hiện ổn định các chính sách điều chỉnh và cải cách vẫn là yếu tố cần thiết để lấy lại ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tình trạng mất cân đối và tạo nền tảng cho tăng trưởng bao trùm và bền vững”.
Dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm xuống mức chỉ đáp ứng được 1 tháng xuất khẩu và nền kinh tế của quốc gia Nam Á đang gặp khó khăn với thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và lạm phát cao.
Chương trình Quỹ Mở rộng (EFF) ban đầu được thực hiện trong 36 tháng và trị giá 6 tỷ USD vào thời điểm được phê duyệt vào năm 2019. Nó đã bị đình trệ kể từ đầu năm nay do Islamabad phải vật lộn để đạt được các mục tiêu do tổ chức cho vay lớn nhất thế giới đặt ra.
Hội đồng quản trị IMF cũng đã chấp thuận yêu cầu miễn trừ của Pakistan liên quan đến việc nước này không đáp ứng được một số tiêu chí của chương trình.
Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail cho biết trên Twitter rằng những nỗ lực của chính phủ nước này để đưa chương trình trở lại đúng hướng thông qua các biện pháp kinh tế khắc phục đau đớn đã giúp Pakistan thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.
Việc được Hội đồng quản trị IMF “bật đèn xanh” sẽ giúp Pakistan tiếp cận với các con đường tài trợ đa phương và song phương khác.
Minh Đức (Theo Hindustan Times, DW)