Ngày 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất; trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới như Mỹ và Trung Quốc.
Mức dự báo mới cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF vào tháng 10/2023.
Phát biểu với báo giới, nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, nhờ lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định.”
Tuy nhiên, ông Gourinchas cảnh báo dù khả năng hạ cánh mềm đã tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và rủi ro vẫn còn: "Những đám mây đang bắt đầu tan đi. Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu bước đi cuối cùng hướng tới một cuộc hạ cánh mềm, với lạm phát giảm dần và tăng trưởng được giữ vững. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn còn chậm và tình trạng hỗn loạn có thể có ở phía trước".
IMF dự báo, trong năm 2024 và 2025 tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử gần đây là 3,8% do tác động liên tục của lãi suất tăng cao, việc chính phủ ngừng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19 và tình trạng năng suất thấp kéo dài.
Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, tăng 0,4 điểm, nhưng vẫn thấp hơn ước tính tăng trưởng là 5,2% của năm 2023.
Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng trưởng năm 2024 dự kiến là 6,5%, tăng 0,2 điểm do nhu cầu nội địa mạnh mẽ, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 6,7% mà Ấn Độ đạt được năm 2023.
Nhóm được gọi là ASEAN-5 - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan - được dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm 2024, thêm 0,2 điểm so với dự báo trước đó và cải thiện so với mức tăng trưởng 4,2% của năm 2023.
Các thị trường mới nổi và đang phát triển ở châu Á, chủ yếu là nhờ Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy, dự kiến tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác đạt 5,2%, tăng 0,4% so với tháng 10/2023.
Các nền kinh tế tiên tiến đang đối mặt với mức tăng trưởng khiêm tốn hơn nhiều, đặc biệt là ở khu vực đồng euro, trong đó Mỹ là ngoại lệ duy nhất được điều chỉnh tăng trong dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mỹ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng 2,1% trong năm 2024, tăng 0,6% so với dự báo trước đó, nhờ mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến tính đến cuối năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt được mức 2,5% của năm 2023.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Nhật Bản năm 2024 giảm 1% xuống còn 0,9% sau mức tăng trưởng mạnh 1,9% năm 2023. IMF cho biết, việc Nhật Bản dự kiến tăng trưởng chậm hơn liên quan tới nhiều yếu tố như đồng yên yếu hơn, nhu cầu bị dồn nén và phục hồi đầu tư kinh doanh.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới cùng với lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến làm giảm khả năng xảy ra hạ cánh cứng - cuộc suy thoái mạnh do thắt chặt tiền tệ.
Minh Hoa (t/h theo báo Lao Động, Vietnam+)