Theo cơ quan này, nhu cầu đã phục hồi trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm. Nhờ đó, triển vọng kinh tế của Anh bớt ảm đạm hơn.
IMF lưu ý rằng các hoạt động kinh tế của Anh đã suy yếu đáng kể so với năm ngoái. Lạm phát vẫn dai dẳng ở mức 10,1%. Nền kinh tế Anh đang gánh chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraine và tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, IMF cho biết Anh đã vượt qua tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng toàn cầu thời gian qua. Hàng loạt ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản, trong khi Credit Suisse bị mua lại với mức giá thấp hơn nhiều vốn hóa.
IMF mô tả sự ổn định trong hệ thống tài chính của Anh là "hàng hóa công cộng toàn cầu", chỉ những hàng hóa tạo ra ngoại ứng tích cực.
Tổ chức này kêu gọi London thực hiện những cải cách nhằm giải quyết tình trạng số người trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm đang gia tăng sau đại dịch; sự bấp bênh trong các quy định về đầu tư kinh doanh; và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nước này.
Theo dự báo hồi tháng 4 của IMF, kinh tế Anh sẽ suy yếu 0,3% trong năm 2023, thấp nhất trong số các quốc gia thuộc nhóm G20. Đến nay, cơ quan này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay lên 0,4%, tăng 0,7 điểm phần trăm.
IMF cũng cho rằng GDP của Anh sẽ tăng trưởng 1% trong năm tới khi lạm phát chậm lại và sau đó đạt mức trung bình khoảng 2% vào năm 2025 và 2026.
Tuy nhiên, các quan chức IMF đưa ra cảnh báo lạm phát sẽ chỉ giảm xuống 2% trong 3 năm tới và nguy cơ giá có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Các số liệu được đưa ra sau khi các quan chức IMF kết thúc chuyến công tác kéo dài 2 tuần tại Anh để đánh giá tình trạng của nền kinh tế trước báo cáo đánh giá định kỳ hàng năm.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết dự báo của IMF là một bản nâng cấp lớn cho triển vọng tăng trưởng của Anh và ghi nhận hành động của chính phủ nước này trong việc khôi phục sự ổn định và kiềm chế lạm phát.
Dự báo của IMF về nâng cấp tình trạng kinh tế Anh phù hợp với các tổ chức lớn khác. Trước đó, Ủy ban Chính sách tiền tệ Anh (MPC) của Ngân hàng Anh (BoE) cũng cho rằng nền kinh tế Anh sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay. Cơ quan này dự báo GDP đi ngang trong nửa đầu năm nay, rồi tăng trưởng 0,9% đến giữa năm sau, và tiếp tục mở rộng 0,7% vào giữa năm 2025.
Tương tự IMF, MPC tin rằng tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Anh. Cùng với đó là các chính sách tài chính giúp cải thiện triển vọng của nền kinh tế.
"Rủi ro vẫn còn, nhưng nếu không có thêm một cú sốc nữa, việc các điều kiện tín dụng toàn cầu bị thắt chặt do những diễn biến mới nhất của ngành ngân hàng sẽ chỉ tác động nhỏ lên GDP", cơ quan này nhận xét.
Hơn nữa, gánh nặng chi phí nhiên liệu của nước này đã giảm bớt. Lạm phát được dự báo giảm mạnh trong tháng 4. Bởi tác động của xung đột Nga - Ukraine bắt đầu trở nên rõ ràng từ thời điểm này năm ngoái, nên hiệu ứng cơ sở thấp có thể không còn kể từ tháng 4.
Mặt khác, chính phủ Anh đã mở rộng chương trình bình ổn giá năng lượng. Cùng với đó là sự sụt giảm của giá nhiên liệu đầu vào. Điều này có thể cởi bỏ áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng nước này.
Dù vậy, MPC cho rằng lạm phát của Anh sẽ hạ nhiệt với tốc độ thấp hơn dự báo được công bố hồi tháng 2. Cuối năm nay, CPI có thể tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Minh Hoa (t/h)