Hội đồng quản trị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phê duyệt chương trình cứu trợ trị giá 3 tỷ USD cho Pakistan. Chương trình hỗ trợ Pakistan nói trên sẽ ngay lập tức giải ngân khoảng 1,2 tỷ USD để giúp ổn định nền kinh tế "ốm yếu" của Pakistan.
Pakistan và IMF đã đạt được thỏa thuận ở cấp độ nhân viên vào tháng 6, đảm bảo một hiệp ước ngắn hạn, mang lại nguồn tài trợ nhiều hơn dự kiến cho đất nước 230 triệu dân này.
Việc có được sự phê duyệt của Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ quốc tế là bắt buộc trước khi giải ngân đợt hỗ trợ đầu tiên, phần còn lại sẽ đến sau theo các đợt.
Ban điều hành IMF "đã phê duyệt Thỏa thuận dự phòng (SBA) 9 tháng cho Pakistan với số tiền 2.250 triệu SDR (khoảng 3 tỷ USD, tương đương 111% hạn ngạch) để hỗ trợ ổn định kinh tế của nước này", IMF cho biết trong một tuyên bố.
Nền kinh tế Pakistan đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng cán cân thanh toán khi nước này nỗ lực trả lãi nợ nước ngoài, trong khi nhiều tháng biến động chính trị đã gây quan ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Lạm phát tăng vọt, giá trị đồng rupee rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, và Pakistan đang phải nỗ lực hết sức để đủ khả năng nhập khẩu, khiến sản lượng công nghiệp giảm nghiêm trọng.
Thỏa thuận trên, được coi là cứu cánh cho đất nước Pakistan vốn đang trên bờ vực vỡ nợ, được đưa ra sau 8 tháng đàm phán khó khăn.
Trên mạng Twitter, Thủ tướng Shehbaz Sharif đánh giá đây là “một bước đi lớn tiến về phía trước” trong các nỗ lực của chính phủ nhằm bình ổn nền kinh tế và đạt sự ổn định kinh tế vĩ mô. Ông nhấn mạnh: “Khoản tiền này giúp tăng vị thế kinh tế của Pakistan để vượt qua các thách thức kinh tế trong ngắn và trung hạn.”
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Sharif sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử quốc gia trong năm nay và phải thực hiện những biện pháp kỷ luật tài chính khó khăn hơn để đáp ứng các yêu cầu của IMF. Điều này bao gồm việc Ngân hàng trung ương Pakistan tăng lãi suất chính sách lên mức cao kỷ lục 22%, trong khi người dân Pakistan phải vật lộn với lạm phát ở mức khoảng 29% và chính phủ tăng 385 tỷ Rupee (1,39 tỷ USD) tiền thuế mới.
IMF cho biết, họ muốn Islamabad đảm bảo chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm giảm lạm phát và tiến bộ hơn nữa trong cải cách cơ cấu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, quản trị doanh nghiệp nhà nước và khả năng phục hồi khí hậu.
Trước khi đạt thỏa thuận với IMF, Pakistan đã nhận được khoản cho vay 3 tỷ USD từ Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Khoản tiền gửi từ hai quốc gia vùng Vịnh này đã giúp tăng dự trữ ngoại tệ của Pakistan lên 7,5 tỷ USD, hơn gấp đôi so với cán cân thanh toán hồi tuần trước.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Vietnam+)