Chị Nguyễn Thị Ươm (ngụ xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, để phục vụ Tết Mậu Tuất, ngay từ khoảng tháng 10/2017, gia đình chị đã chuẩn bị nhiều công đoạn kỹ thuật phức tạp để in chữ thư pháp “tài – lộc” lên quả đu đủ.
“Vườn đu đủ có diện tích 1.000m², nhưng chỉ chọn được khoảng 500 quả để thực hiện in chữ thư pháp như ý muốn. Với cách làm khác lạ này, mỗi quả đu đủ có giá bán gấp 10 lần so với đu đủ thông thường”, chị Ươm chia sẻ.
Cũng theo chị Ươm, hiện nay, giá bán mỗi quả đu đủ cho thương lái dao động từ 150.000 – 200.000 đồng. Trừ mọi chi phí, gia đình cũng thu lãi khoảng trên 50% mỗi quả.
Tuy nhiên, để thương lái vừa ý, việc tạo ra sản phẩm đẹp luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Ngoài việc áp dụng những kỹ thuật phức tạp, nông dân phải xem xét đưa chữ lên vị trí nào của trái cho phù hợp. Nhất là, khoảng cách giữa các chữ phải cân đối, nếu không sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu về thẩm mỹ, khi đó sẽ không bán được.
Bên cạnh đó, những quả đu đủ được in chữ thư pháp đều phải được chọn lựa kỹ về hình thức. Và trong thời gian bao trái, nếu nông dân không chăm sóc cẩn thận cũng dễ khiến quả bị hỏng. Chính vì thế, số lượng quả đu đủ được in chữ thư pháp cũng rất hạn chế nên sản phẩm khan hiếm vào dịp Tết.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, cần phát huy. Quả đu đủ in chữ thư pháp phục vụ Tết có giá bán cao gấp nhiều lần so với quả đu đủ thông thường, giúp bà con nông dân cải thiện thu nhập.