Mồ hôi nhễ nhại, bước vào căn phòng của vị chánh văn phòng tên Th. thấy mát rượi. Cách nói chuyện cởi mở (có phần hơi bỗ bã) của vị cán bộ này khiến chúng tôi cũng thấy… đỡ cẳng thẳng.
Cuộc làm việc cũng xong xuôi. Màn uống nước, tán gẫu cũng bắt đầu. Đúng lúc đó, có một cán bộ cấp xã gõ cửa vào phòng: "Báo cáo anh, em mang USB lên, anh cho em mượn cái máy tính để em cóp cái anh giao cho em làm hôm trước nhé!". "Ơ hay, thế sao không gửi "meo"?".
"Dạ, thưa anh, không hiểu sao giờ em không mở cái "meo" đó ra được!". "Cậu này hay nhỉ! Chắc là vi-rút ăn lan ra hết rồi. Mà theo quy định là sau mấy tháng không dùng thì cái "meo" đó bị mất đấy!". "Thế ạ. Chết thật, em không biết! Để em về sẽ kiểm tra lại ngay ạ!".
Câu chuyện của vị chánh văn phòng và một cán bộ cấp xã dưới quyền của huyện C. khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Nghe nói, "quan lớn" này đã đảm nhiệm vị trí chánh văn phòng tới mấy khoá, thông thạo địa bàn đến từng mi-li-mét, biết cán bộ cấp dưới đến tận những vị trí như lao công cấp xã, trợ lý trưởng thôn…
Người ta cũng không hiểu vì sao, "ông quan" này cứ "án ngữ" ở vị trí "cụ chánh", mà không thấy luân chuyển hay đề bạt lên vị trí cao hơn; dù nghe nói cái kho bằng cấp của "cụ" cũng khơ khớ, chứ chả chơi…
Ảnh minh họa
Buổi chiều hôm đó, chúng tôi xuống một xã trong huyện này để thăm anh bạn cũ. Anh bạn trước làm cán bộ trong phòng giao dịch của ngân hàng Nông nghiệp, giờ chuyển về phụ trách phòng văn hoá của xã. Nhưng công việc chính của anh bạn lại là… mở hàng ăn. Cửa hàng to nhất xã, lại ở vị trí đắc địa nên khá đông khách.
Trong đó, khách của uỷ ban bao giờ cũng chiếm phần lớn, hay nói như cách của riêng anh: "Đây là "nhà trọ" của cán bộ xã!". Quán này phục vụ từ ăn uống, hát karaoke; nếu các sếp mệt quá, anh còn bố trí cả… phòng ngủ trưa cho họ!
Câu chuyện của anh với chúng tôi cuối cùng vẫn lan man về cái "meo". Anh kể, ở xã này, chuyện cán bộ không biết gửi "meo" thì chẳng có gì là lạ, là mới cả. Ông chủ tịch xã mới ngoài bốn mươi nhưng mắt đã đeo kính dày cộm, cũng tham gia mấy khoá bổ túc về công nghệ thông tin, nhưng giờ bảo gõ cái văn bản thì khác gì thách đố! Ông chủ tịch xã có cô con gái mới lớn, khá xinh, đang học năm thứ nhất một trường cao đẳng, vai cũng đã vắt được dăm mối tình.
Một lần, cô này về quê, thấy cứ hý hoáy với cái điện thoại đời mới vừa tậu, thậm chí lúc ăn cũng không rời mắt với cái màn hình nhỏ xíu thông minh ấy, ông bố rất bực mình. Thế là, ông rao giảng cho con một loạt về đạo đức, về nhiệm vụ học hành, về tương lai phía trước… Sau đó, ông ra một quyết định "xanh rờn": "Con không được vào mạng, không được dùng "meo", vì trên mạng toàn là đâm, cướp, giết, hiếp, rồi chát "xếch", lộ hàng…, chứ có gì hay ho đâu!".
Cô con gái nghe đến đó thì "sốc toàn tập" và quay sang giảng giải cho bố về mạng internet, về thời đại công nghệ thông, về phong trào công dân toàn cầu trong giới trẻ hiện nay… Thế nhưng, ông bố vẫn không nghe mà vẫn y lệnh nghiêm nghị như mỗi lần ông "xuống tay" kết luận cuộc họp ở công sở: "Không mạng, không "meo" gì hết!".
Cô con gái đành im lặng, thế nhưng sau đó, thói quen và nhu cầu "lướt web" vẫn khiến cô không thể hiện thực hoá lời dạy của ông bố đáng kính được. Thế nên, cô vẫn "lướt" như thường, chỉ cần không để ông bố nhìn thấy là được.
Kết quả học tập của cô, sau đó, vẫn giậm chân tại chỗ: Trung bình yếu! Ông chủ tịch nổi khùng vì thông tin đó, vẫn cho rằng do cô ham mạng, ham "meo". Thế nhưng, đến lúc này, ông mới hiểu ra một điều, có cấm cô gái "rượu" cũng chả được nữa, vì bản thân ông có biết gì về cái gọi là in-tờ-nét đâu!
Khánh Nguyên