Từ cuộc hội thoại của ngài “Iwan Bule”
Tờ Bola (Indonesia) đăng tải câu chuyện giữa ông Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI) - ông Mochamad Iriawan đã “ngửi” được mùi trận đấu giữa U19 Việt Nam và Indonesia như sau.
"Tôi nhớ mình bước vào phòng họp lúc 16h45 chiều. Tôi hỏi anh ấy (Shin Tae Yong), cơ hội của chúng tôi trước Myanmar là bao nhiêu, anh ấy nói không sao", Mochamad Iriawan nhớ lại. "Sau đó, tôi bắt đầu nghi ngờ nếu tỷ số là 1-1 thì sao?”.
Shin nói, Việt Nam và Thái Lan sẽ không có kết quả như vậy. Vâng, tôi cũng rất ngạc nhiên", Iriawan nói. Sự nghi ngờ của Mochamad Iriawan cuối cùng đã được chứng minh. Trận đấu của Việt Nam với Thái Lan kết thúc với tỷ số hòa. Đấy là cái mùi phi thể thao của 2 đội bóng ưu tú Đông Nam Á.
Người đàn ông được gọi thân mật là Iwan Bule tỏ ra thất vọng. Iriawan nói thêm: “Đến phút 70, trái bóng cũng chỉ lăn vòng vòng. Tôi không thể nói trước được điều gì. Tôi thất vọng. Họ đáng lẽ phải chơi fair-play".
Ai kiện và kiện ai?
Thật khó tin, nhân vật “phát kiến” và đâm đơn kiện là chính là Chủ tịch Mochamad Iriawan. Đến đây người ta lại phải đặt ra một câu hỏi: Tại sao Chủ tịch Mochamad Iriawan lại có những phát ngôn như một “fan phong trào” và trở thành người tiên phong trong việc đòi lại công bằng cho đội nhà?.
Đến đây chúng tôi lại kể một câu chuyện về Mochamad Iriawan trên sân Thiên Trường (Nam Định). Cánh phóng viên Indonesia nói rằng, trước trận bán kết môn bóng đá SEA Games 31 giữa U23 Indonesia và Thái Lan, ông Mochamad Iriawan đã rất cao giọng tuyên bố đội nhà sẽ vào chung kết và sẽ gặp lại Việt Nam rồi tính toán sòng phẳng món nợ đã vay. Nhưng rồi, thầy trò Shin Tae Yong phải nhận thất bại đau đớn trước người Thái.
Tan trận, giới truyền thông xứ vạn đảo phải “mai phục”, chờ xem ông Mochamad Iriawan giải thích thế nào về thất bại của đội nhà. Ông Chủ tịch PSSI nói cái gì, chỉ có cánh phóng viên Indonesia hiểu. Chỉ biết, nếu nhìn khuôn mặt, có vẻ họ không hài lòng cho lắm về “miệng lưỡi” của ông Mochamad Iriawan.
Indonesia không chấp nhận thất bại của đội nhà tại SEA Games 31 bởi đây là lứa cầu thủ từng vào chung kết tại SEA Games 30, được “đầu tư tận răng”, ngốn không biết bao nhiêu tiền của, thời gian… của PSSI. Ông Mochamad Iriawan cũng chịu một phần trách nhiệm trong thất bại ấy và những “lời có cánh”, sẽ giúp NHM Indonesia thật hạnh phúc với U19 Indonesia đã xuất hiện sau đó.
Lời hứa của ông Mochamad Iriawan đã tan thành mây khói khi U19 Indonesia “rơi đài” ngay từ vòng bảng, do để thua hiệu số phụ trước U19 Việt Lan và Việt Nam. Hai thất bại liên tiếp của đội U23 và bây giờ là U19 khiến cho NHM Indonesia cảm thấy tức giận. Trước đó nữa, hãy đừng quên bóng đá xứ vạn đảo cũng phải muối mặt khi bị Việt Nam đánh bại cả 2 lần tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Là người đứng đầu PSSI – ông Mochamad Iriwan phải nhận rất nhiều chỉ trích, áp lực từ các CĐV Indonesia. Việc U19 Indonesia bị loại ngay vòng bảng giải U19 Đông Nam Á 2022 chẳng khác gì một “bát nước mắm” hắt vào mặt ông Chủ tịch PSSI.
Thất bại tại một giải đấu ở “ao làng” khiến những hoài nghi về trình độ của U19 Indonesia, lứa cầu thủ sẽ tham gia U20 World Cup 2023 trên sân nhà đẩy lên đến… cực đại.
Nghệ thuật “đánh bùn sang ao” của… trùm cuối
Lần đầu tiên trong 5 năm qua, U19 Indonesia không lọt vào vòng bán kết U19 Đông Nam Á. Như nói ở trên, điều quan hơn tất cả, sự thất bại khó nuốt trôi này đặt ra những dấu hỏi lớn cho năng lực của đội chủ nhà U20 World Cup 2023, bởi ở chơi “ao làng” chưa xong mà đòi bơi ra biển lớn lại càng dễ… chết chìm.
Vào lúc này PSSI không có lý do nào hợp lý hơn ngoài việc đổ lỗi cho U19 Việt Nam và U19 Thái Lan “diễn tuồng” để hãm hại U19 Indonesia. Những lời của ông Mochamad Iriawan nghe có – vẻ - hợp – lý. Và nước cờ “đánh bùn sang áo”, viết đơn kiện lên LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) không nằm ngoài mục đích lái mũi dùi dư luận, sự căm phẫn của CĐV Indonesia về phía Việt Nam và Thái Lan.
Nếu thế, đây có thể coi là nước cờ cao chiêu của “trùm cuối” nhằm biến nó trở thành tấm áo giáp “đỡ đạn” cho những quan lớn của PSSI trước làn sóng chỉ trích đang cao trào.
Rõ ràng, U19 Indonesia cần phải chấp nhận thất bại do năng lực hạn chế của thầy trò Shin Tae Jong, chứ không phải “vỡ tuồng” như ông Chủ tịch PSSI tưởng tượng ra. Cũng nói thêm, phải đến tháng 5 năm sau, VCK U20 Word Cup 2023 mới diễn ra. U19 Indonesia còn rất nhiều thời gian để chuẩn bị nhưng trước tiên, họ cần nhìn vào thực tế để phấn đấu thay đổ tội cho kẻ khác.
Đặt giả sử, nếu PSSI có thưa kiện cũng chẳng khác gì “con kiến đi kiện củ khoai”. Nhân chuyện kiện tụng, bóng đá Indonesia cũng hãy đừng quên những vết nhơ trong quá khứ, bởi chính họ cũng từng diễn tuồng làm “ô nhục” bóng đá.
Đến đây hẳn tất cả vẫn chưa quên trận đấu giữa Indonesia và Thái Lan tại vòng bảng Tiger Cup năm 1998. Vì muốn tránh gặp chủ nhà Việt Nam ở bán kết, Indonesia và Thái Lan diễn một vở kịch lộ liễu khi đôi bên đều kéo rộng khung thành mời đối thủ ghi bàn.
Màn hài kịch trên sân Thống Nhất kết thúc với chiến thắng 3-2 bất đắc dĩ cho Thái Lan. Ở phút 90, trong ánh mắt kinh ngạc của cổ động viên và nỗ lực ngăn cản của cầu thủ Thái Lan, hậu vệ Effendi dẫn bóng về rồi trắng trợn sút tung lưới nhà. Chưa dừng lại, sau khi “bắn thủng lưới nhà”, cầu thủ này còn vỗ tay ăn mừng. Tác giả bàn phản lưới Effendi sau đó đã bị FIFA treo giò vĩnh viễn ở các giải đấu quốc tế.
Vết nhơ của Indonesia vẫn còn đó giá trị lịch sử và có lẽ PSSI cũng nên xem lại vỡ diễn “đánh bùn sang ao” nhằm đánh lạc lướng và “đánh lừa” của dư luận, CĐV nước này để nguỵ biện cho thất bại của U19 Indonesia.
Nhật Thị