Thông tin từ TTXVN, ngày 2/6, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết, tỉ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2017 trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri của người Hồi giáo đã đẩy giá cả tiêu dùng từ thực phẩm đến vé máy bay tăng cao.
Indonesia bắt đầu kỳ nghỉ lễ Idul Fitri kéo dài 10 ngày vào ngày 2/5. Trước đó, chính phủ đã quyết định cho phép người dân về quê trong kỳ nghỉ lễ sau 2 năm bị cấm do đại dịch Covid-19.
Ước tính hơn 85 triệu người Indonesia đã đổ về quê hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên khắp quần đảo.
Số liệu của BPS cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của Indonesia – được tính toán dựa vào giá cả của hàng trăm loại hàng hóa và dịch vụ - đã tăng 3,55% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 3,47% trong tháng 4.
Người đứng đầu BPS, ông Margo Yuwono cho biết, tỉ lệ lạm phát 3,55% trong tháng 5 vừa qua là mức tăng cao nhất kể từ khi đạt đỉnh 3,61% vào tháng 12/2017. Tính theo tháng, lạm phát đã tăng 0,4% trong tháng 5, thấp hơn mức 0,95% trong tháng 4.
Ông Margo nhận định, một số nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng trong tháng 5 bao gồm giá vé vận tải hàng không, trứng gà, cá tươi và hẹ tây đều tăng lên. Số liệu của BPS chỉ ra, thực phẩm và đồ uống chiếm một nửa mức tăng giá trong tháng 5, trong khi giao thông vận tải chiếm 1/5.
Các nhà kinh tế cho rằng tỉ lệ lạm phát cao có thể làm trật bánh kế hoạch tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5-5,5% trong năm nay do giá cả tăng cao sẽ buộc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Để giúp người dân ứng phó với lạm phát, chính phủ Indonesia đã trợ cấp tiền lương cho 8,8 triệu người lao động thu nhập thấp, hỗ trợ tiền mặt cho 12 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), hỗ trợ tiền mua dầu ăn cho 23 triệu gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị ngân sách cho các “bộ đệm” chống lạm phát nhằm duy trì sức mua trong nước và giữ đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Ngày 13/5, ông Febrio Kacaribu, Giám đốc Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính, cho biết chính phủ sẽ tăng chi tiêu trợ cấp năng lượng trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu và nhu cầu trong nước gia tăng.
Ông Febrio cho hay: “Trước đây, trọng tâm ngân sách của chúng tôi là duy trì sức khỏe của người dân, song khi tình hình đại dịch đã được cải thiện nhiều, chúng tôi chuyển hướng ưu tiên để duy trì sức mua của người dân”.
Trước đây, ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung tài trợ cho các chương trình cứu trợ Covid-19 như hỗ trợ các nhân viên y tế, bồi thường cho các ca tử vong, mua sắm vắc-xin, tài trợ cho các bệnh viện và cơ sở y tế.
Sự thay đổi về ưu tiên ngân sách diễn ra trong bối cảnh Indonesia đối mặt với sức ép lạm phát trong vài tháng qua vì giá hàng hóa toàn cầu tăng cao do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Thế giới và Việt Nam)