Theo Chương trình Muỗi thế giới (World Mosquito Program-WMP), Wolbachia là vi khuẩn phổ biến tồn tại tự nhiên ở 60% loài côn trùng bao gồm một số loài muỗi, ruồi giấm, chuồn chuồn, bướm... Tuy nhiên, loại vi khuẩn này không được tìm thấy trong muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết.
Nhà nghiên cứu Purwanti, thành viên của WMP, cho biết, các nhà khoa học đã nhân giống những con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia với những con muỗi Aedes mang mầm bệnh sốt xuất huyết để sinh ra loại muỗi Wolbachia. Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế sự xâm nhập và nhân lên của một số loại virus, bao gồm virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
"Về cơ bản, chúng tôi đang nhân giống “muỗi tốt”. Muỗi mang virus sốt xuất huyết sẽ giao phối với muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, đẻ ra “muỗi tốt”. Ngay cả khi đốt người, chúng cũng không gây bệnh", Purwanti chia sẻ.
Từ năm 2017, nghiên cứu do WMP cộng tác với đại học Monash ở Australia và đại học Gadjah Mada ở Indonesia đã thả muỗi Wolbachia nhân giống trong phòng thí nghiệm ra một số "vùng đỏ" về sốt xuất huyết tại thành phố Yogyakarta (Indonesia).
Kết quả công bố trên tạp chí y khoa New England hồi tháng 6/2021 cho thấy việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia khiến số ca sốt xuất huyết giảm 77% , tỉ lệ nhập viện giảm 86%. Nhóm nghiên cứu của WMP tỏ ra tin tưởng vào tiềm năng của phương pháp này, đặc biệt tại những khu vực có tỉ lệ lây nhiễm sốt xuất huyết cao.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn thế giới tăng nhanh trong vài thập kỷ gần đây và hơn 50% dân số toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này. Ước tính mỗi năm có khoảng 100 - 400 triệu ca mắc sốt xuất huyết.
Minh Hoa (t/h)