Indonesia, Quốc gia phát thải carbon lớn thứ 8 thế giới, gần đây đã đưa ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 sớm hơn mốc đã tuyên bố từ trước, chuyển từ mốc năm 2070 đến mốc năm 2060 hoặc sớm hơn.
Động thái này diễn ra trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng 11/2021.
Indonesia cũng đã tham gia Cam kết Methane Toàn cầu do Mỹ dẫn dắt.
Nước này cũng có kế hoạch ngừng vận hành các nhà máy nhiệt điện than mới và từ bỏ dùng than cho sản xuất điện vào năm 2056, trong khuôn khổ một tầm nhìn kinh tế dài hạn mới, xanh hơn.
Ngay cả khi Indonesia giành được những lời khen ngợi thận trọng từ một số nhóm hoạt động vì môi trường về các kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng phát thải carbon, nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới không có dấu hiệu sớm loại bỏ loại nhiên liệu gây ô nhiễm này.
Cũng như các nhà sản xuất than khác như Úc và Ấn Độ, Indonesia đang phải vật lộn với việc làm thế nào để cân bằng các mục tiêu môi trường với cái giá phải trả cho việc hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp than đá, một ngành đóng góp 38 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong bảy tháng đầu năm 2021.
"Chúng tôi đang loại bỏ dần các nhà máy điện than. Nhưng trước câu hỏi liệu chúng tôi có đóng cửa các mỏ của mình, câu trả lời là chúng tôi có than và có các lựa chọn sử dụng khác", Dadan Kusdiana, người phụ trách năng lượng tái tạo tại Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, nói với Reuters.
Báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm gần như vượt ngoài tầm kiểm soát, nếu thế giới không loại bỏ than đá và nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, Indonesia đang tìm cách tiếp tục tiêu thụ và khai thác giá trị từ than bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), mặc dù các nhà môi trường cho rằng công nghệ CCS chưa được kiểm chứng và tốn kém.
Với trữ lượng gần 39 tỷ tấn, than vẫn là trụ cột kinh tế của các vùng của Indonesia, và ngành khai thác mỏ là một trong những ngành nộp thuế nhiều nhất.
Sản xuất điện từ than là nguồn phát thải lớn thứ hai của Indonesia sau nạn phá rừng, đóng góp 35% trong tổng số 1.262 tỷ tấn tương đương CO2 mỗi năm, theo dữ liệu của Chính phủ.
Indonesia tiêu thụ khoảng 130 triệu tấn than mỗi năm để cung cấp nhiên liệu cho 60% trong tổng công suất điện 73 GW và xuất khẩu gấp khoảng ba lần số lượng đó.
Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thủy điện và địa nhiệt chỉ chiếm 11% tổng năng lượng của Indonesia, mặc dù các chuyên gia cho rằng nước này có 400 GW tiềm năng năng lượng tái tạo.
Là một quốc gia quần đảo, Indonesia nhận thức được tính dễ bị tổn thương của mình đối với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chính sách phải xem xét đến khía cạnh phát triển kinh tế, bao gồm cả tương lai của ngành than và các đầu việc mà ngành này cung cấp, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết.
"Nếu những khía cạnh như thế này không được cân nhắc, chúng ta có thể bị lạc trong các quá trình chuyển đổi, và nó có thể trở thành một vấn đề xã hội", Indrawati nhận định.
Minh Đức (Theo Reuters)