Ra đời vào ngày 3/2/2018, sau gần 8 tháng, "siêu uỷ ban" quản lý vốn Nhà nước đã chính thức ra mắt vào hôm 30/9. Với nhiệm vụ quản lý phần vốn Nhà nước lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng tại 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mọi thông tin liên quan đến "siêu uỷ ban" này nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt trong khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Dự lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Có hai con đường để cơ quan này lựa chọn, một là giúp các DNNN ngày càng phát triển mạnh mẽ; hai là tạo rào cản, gánh nặng khiến cho doanh nghiệp ngày càng teo tóp. Và ngay lập tức Thủ tướng khẳng định: sẽ lựa chọn con đường thứ nhất, dù đó là con đường khó đi, nhiều chông gai trắc trở.
Điểm khác biệt lớn nhất trong chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (viết tắt là CMSC) là chỉ quản lý, giám sát phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty mà không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đó.
"Mục tiêu của Chính phủ khi thành lập CMSC là nhằm xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp", Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh tái khẳng định trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 diễn ra vào chiều qua (1/10).
Việc thành lập CMSC là một nỗ lực của Chính phủ nhằm siết chặt quản lý vốn Nhà nước, tránh tình trạng “sân trước, sân sau”, lãng phí, tiêu cực dẫn đến thất thoát vốn nhà nước như một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong những năm qua. Song, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở rằng, đừng để các DNNN sau khi về dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại dần teo tóp đi do sợ quá, không dám làm gì. Đối với lãnh đạo các DNNN, Thủ tướng Chính phủ cũng động viên cần mạnh dạn, nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, tạo việc làm cho người lao động.
Nhằm tránh tình trạng “tréo ngoe” giữa các bộ chủ quản và CMSC, khiến cho các DNNN “chết kẹt” ở giữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, việc bàn giao các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không có nghĩa vai trò của các bộ giảm đi, mà trái lại trách nhiệm của từng bộ càng lớn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực được giao để tạo môi trường, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thuận lợi.